Cảnh sát cơ động phải có mặt dàn xếp để xe chở rác có thể vào bãi rác Khánh Sơn.
Thông tin từ chính quyền cho biết, mặc dù UBND thành phố Đà Nẵng đã chủ trì một cuộc đối thoại với người dân quanh bãi rác Khánh Sơn vào sáng 06/7/2019 để lắng nghe, xử lý các kiến nghị, nhưng đến chiều cùng ngày, người dân vẫn tự ý chặn các xe chở rác vào bãi. Việc này khiến lượng rác ứ đọng trên toàn thành phố tăng nhanh trên 1.200 tấn trong những ngày qua, gây áp lực nặng nề đến môi trường sinh hoạt trên địa bàn.
Bất đắc dĩ, sáng ngày 08/7/2019, chính quyền thành phố Đà Nẵng phải điều động cảnh sát cơ động đến giải tỏa chốt chặn bãi rác của người dân để xe rác hoạt động. Động thái này càng khiến mâu thuẫn về bãi rác Khánh Sơn tăng thêm.
Chính quyền hứa, dân lắc đầu
Theo phản ảnh của người dân, hàng chục năm qua, tình trạng bãi rác Khánh Sơn (Liên Chiểu, Đà Nẵng) gây ô nhiễm nghiêm trọng đã là vấn đề nhức nhối của địa phương. Hàng trăm hộ dân sống quanh khu vực này phải thường xuyên chịu đựng cảnh rác thải vương vãi, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, và nước rỉ rác thải làm ô nhiễm nặng nề các khu vực xung quanh.
Đã rất nhiều lần, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng điều đình, đối thoại với người dân ở đây để đưa ra các giải pháp xử lý, nhưng vụ việc chẳng đi tới đâu.
Song do về cơ bản, bãi rác Khánh Sơn sử dụng công nghệ chôn lấp lạc hậu, nên lượng rác chỉ ngày càng tăng thêm và ô nhiễm hơn, không hề có dấu hiệu giảm bớt. Địa phương đã có các kế hoạch mở rộng bãi rác, cải thiện hạ tầng thu gom, xử lý hóa chất khử mùi… tại đây, nhưng hiệu quả đều không được như ý.
Bức xúc trước tình trạng này, đã nhiều lần, người dân ra chặn xe rác không cho vào bãi, đưa ra các kiến nghị xử lý khẩn cấp. Đặc biệt trong những ngày qua, với ảnh hưởng nắng nóng cực điểm, lượng rác đổ về bãi Khánh Sơn tăng nhanh và bốc mùi dữ dội, đã khiến người dân thêm bức xúc, liên tục phản ảnh vấn đề đến chính quyền,
Sáng ngày 06/7/2019, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cùng các sở ngành đã có cuộc đối thoại với người dân, tiếp nhận những phản ảnh và đưa ra các giải pháp xử lý ngay. Trong đó, địa phương thông tin sẽ đầu tư dự án xử lý đốt rác thải tại bãi rác thành một khu liên hợp xử lý rác theo tiêu chuẩn quốc tế, xanh sạch đẹp.
Bất ngờ sau đó, đa số ý kiến từ người dân không đồng ý với chủ trương sẽ đầu tư mở rộng dự án đốt rác thải. Họ lo lắng dự án không hiệu quả sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng môi trường. Nhiều người dân còn khẳng định đã nghe địa phương hứa xử lý nhiều lần rồi nhưng việc đâu vẫn hoàn đó, nên lần này không chấp nhận cam kết nữa mà yêu cầu phải biến thành hành động cụ thể ngay. Mâu thuẫn nhanh chóng nóng lên và chính quyền buộc phải sử dụng các biện pháp mạnh hơn để xử lý sự việc.
Bao giờ chấm dứt?
Theo ghi nhận của báo giới, đến chiều ngày 08/7/2019, tại bãi rác Khánh Sơn, với sự có mặt của lực lượng chức năng, việc vận chuyển rác đã thông suốt trở lại. Song nếu không giải quyết rạch ròi dứt điểm mọi vấn đề liên quan đến bãi rác này chắc chắn mâu thuẫn vẫn tồn tại và mọi việc va chạm sẽ có nguy cơ tái diễn bất cứ lúc nào.
Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng nhìn nhận, các hộ dân lâu nay kiến nghị di dời bãi rác đi nơi khác là không thực hiện được. Thay vào đó, dự án đầu tư nhà máy xử lý rác thải tại chỗ với công nghệ đốt rác thành điện đã được địa phương phê duyệt sẽ giúp giải quyết lượng rác tồn đọng, xóa bỏ biện pháp chôn lấp. Do công tác tuyên truyền chưa tốt, phần lớn người dân nghi ngờ dự án này.
Rác ứ đọng trên đường phố Đà Nẵng do dân chặn xe vào bãi.
Một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều năm qua Đà Nẵng không thể xử lý dứt điểm vấn nạn rác chôn lấp là việc thu gom rác ở địa phương không gắn với công tác phân loại rác thải tại nguồn. Đã nhiều lần, địa phương có các dự án thí điểm phân loại rác thải cho dễ xử lý, nhưng sau đó quy trình thu gom vẫn trộn chung các loại rác lại.
Ông Đặng Việt Dũng, Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, cho rằng sự việc lần này đã đẩy các vấn đề đến cực đoan, nên thành phố phải dứt khoát hành động ngay, giải quyết dứt điểm bài toán thu gom, phân loại rác thải tại nguồn. Có như vậy, hiệu quả thu gom rác trên địa bàn sẽ tốt hơn, ý thức của đa số hộ dân sẽ thay đổi tích cực, và nhà máy xử lý rác thải sau thu gom cũng sẽ thuận tiện hơn, giảm nhiều khoản chi phí.
Đã đến lúc phải đặt ra một kế hoạch vận động lớn trong cộng đồng người dân Đà Nẵng về tổ chức phân loại rác thải tại nguồn. Có như vậy, câu chuyện rác thải ô nhiễm ở bãi rác Khánh Sơn mới có thể kết thúc. Hơn nữa, theo kế hoạch trình bày của nhà đầu tư, bãi rác sau khi xử lý cũng chính là một khu vực phát triển hạ tầng đô thị thuận lợi, và giúp hiện trạng giá trị hạ tầng bất động sản tại chỗ tăng lên gấp nhiều lần.