Như Infonet đã đưa tin, chiều 9/4, UBND TP Đà Nẵng tổ chức cuộc họp báo thường kỳ quý 1/2015. Tại đây, các PV đã đề nghị ông Võ Văn Thương, Chánh Văn phòng kiêm phát ngôn viên của UBND TP Đà Nẵng cho biết cụ thể việc xử lý các BQL dự án “giấu” tới 17.000 lô đất không bố trí cho các hộ tái định cư (TĐC) mà Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Võ Duy Khương vừa chính thức công bố.
Hàng chục ngàn hộ dân Đà Nẵng phải giải tỏa di dời để TP thực hiện các dự án, trong khi các Ban giải tỏa đền bù, bố tái định cư lại "giấu" đến 17.000 lô đất không bố trí cho họ làm nhà, khiến họ phải ở nhà thuê, nhà tạm! (Ảnh: HC)
Trước đó, tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội sáng 8/4, ông Võ Duy Khương cho hay, khi rà soát bước đầu về đất TĐC thì phát hiện trên địa bàn còn thừa hơn 14.000 lô. Nhưng đến nay, khi tập trung rà soát lại lần nữa thì phát hiện các BQL dự án “giấu” tới 17.000 lô đất TĐC chứ không chỉ trên 14.000 lô!
Thực ra, đây không phải lần đầu tiên, cũng không phải lần thứ 2 mà đã là lần thứ 3 con số về các lô đất TĐC bị “giấu” được TP Đà Nẵng công bố. Thông tin tại hội nghị giám sát giữa 2 kỳ họp thứ 10 & 11 do HĐND TP Đà Nẵng khóa VIII tổ chức ngày 8/10/2014 cho thấy, qua ra soát từ năm 2011 đến năm 2014, ở Đà Nẵng có 1.389 hộ giải tỏa; TP nợ người dân 1.751 lô đất TĐC dai dẳng năm này qua năm khác.
Trong khi đó, tại 76 dự án trong diện kiểm tra đã phát hiện có đến 9.128 lô TĐC đã có đất thực tế, có hạ tầng nhưng lại không được bố trí cho người dân. Hậu quả là các hộ giải tỏa không có đất làm nhà, phải ở nhà thuê, nhà tạm; từ năm 2011 đến tháng 10/2014 TP phải chi đến 63 tỉ đồng cho các hộ này trả tiền thuê nhà; trong khi đất thì bỏ trống!
Tại hội nghị, các đại biểu Phan Thị Thúy Linh (Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Đà Nẵng), Thái Thanh Hùng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP… đã quyết liệt yêu cầu lãnh đạo TP cho biết rõ nguyên nhân và việc xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân, tổ chức liên quan đến vấn đề này. Tuy nhiên câu trả lời của lãnh đạo Đà Nẵng lúc đó rất chung chung, ai cũng có trách nhiệm song rốt cuộc chẳng biết ai là người chịu trách nhiệm thực sự!
Đến ngày 11/12/2014, số liệu công bố tại kỳ họp thứ 11 HĐND TP Đà Nẵng khóa VIII cho thấy, qua trực tiếp kiểm tra, lãnh đạo TP Đà Nẵng đã phát hiện tại các BQL dự án có tới 14.500 lô đang để trống, trong khi có 1.786 hộ giải tỏa chưa được bố trí đất TĐC. Và đến nay thì Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Võ Duy Khương cho biết có tới 17.000 lô đất TĐC bị các BQL dự án “giấu nhẹm”, gần gấp đôi con số công bố cách đây nửa năm!
Không ai tự nhận trách nhiệm!
Trên diễn đàn của kỳ họp thứ 11 HĐND TP Đà Nẵng khóa VIII, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP Đà Nẵng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hầu như tại các điểm tiếp xúc, cử tri đều đề nghị lãnh đạo TP phải làm rõ trách nhiệm của các BQL dự án, xử lý kiên quyết những cán bộ làm trái với chủ trương của TP, để xảy ra tình trạng “dân chờ đất, đất chờ dân” trong khi hàng năm TP phải chi ngân sách hàng chục tỉ đồng cho các hộ dân giải tỏa thuê nhà ở chờ bố trí đất TĐC, gây thất thoát, lãng phí tiền của nhân dân.
Bà Lương Nguyệt Thu, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Đà Nẵng kiến nghị: “Vấn đề này cần phải được kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm túc theo quy định pháp luật”. Ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng nêu rõ: “TP đã và đang chỉ đạo thực hiện mạnh mẽ chương trình “5 xây, 3 chống” trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Cử tri đề nghị UBND TP Đà Nẵng trả lời công khai cho cử tri biết về kết quả xử lý những người vi phạm (giữ đất, giấu đất) và gây thiệt hại về ngân sách!”.
Thế nhưng đến nay, khi con số “đất giấu” đã lên tới 17.000 lô, việc xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan vẫn đang bỏ ngỏ. Tại cuộc họp báo sáng 9/4 vừa qua, ông Võ Văn Thương cho hay, thực hiện Nghị quyết của HĐND TP Đà Nẵng khóa VIII, UBND TP đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan, từ các quận, huyện, các Ban giải tỏa đền bù, các công ty, các đơn vị có thực hiện giải tỏa đền bù, bố trí TĐC đã tiến hành kiểm điểm.
“Đến nay tất cả các đơn vị đó đã có báo cáo kiểm điểm nộp về UBND TP Đà Nẵng” – ông Võ Văn Thương cho biết. Tuy nhiên dư luận lại thêm một phen thất vọng khi phát ngôn viên của UBND TP Đà Nẵng cho hay: “Đến thời điểm hiện nay cũng có những ý kiến, những thông tin cho rằng có giấu đất, nhưng qua báo cáo kiểm điểm của các đơn vị thì chúng tôi chưa thấy có đơn vị nào tự nhận khuyết điểm về vấn đề giấu đất. Việc này chúng tôi cũng sẽ kiểm tra lại!”.
Cũng theo ông Võ Văn Thương: “Hàng năm Đà Nẵng đều có tổng rà soát đất tái định cư, đều chỉ đạo vấn đề trả nợ đất TĐC. Tuy nhiên vì những lý do khách quan cũng có mà chủ quan cũng có cho nên việc tổng rà soát chưa đến nơi đến chốn. Tôi nghĩ trong thời gian vừa qua tính tổng hợp đôi khi chưa sát thực tế và chưa khoa học nên đôi khi chưa nắm hết được cũng có".
Lần này, phương thức, cách thức tiến hành tổng rà soát có tính cụ thể, sâu sát, khoa học, chuẩn xác và có trách nhiệm nên mới xác định được khoảng 17.000 lô đất TĐC đang bỏ trống. Tuy nhiên phát ngôn viên của UBND TP Đà Nẵng vẫn tỏ ra lấp lửng: “Còn việc có giấu đất thật sự hay không và ai là người giấu đất, cơ quan nào giấu đất thì khi TP kiểm tra phát hiện ra sẽ xử lý theo đúng quy định!”.
Lãnh đạo Đà Nẵng có thực sự muốn xử lý hay không?
Việc không có BQL dự án nào tự nhận trách nhiệm là điều dễ hiểu. Nhưng cách đặt vấn đề của chính quyền TP Đà Nẵng thực sự khiến dư luận thấy “quái lạ”. TP càng kiểm tra càng lòi ra thêm hàng ngàn lô đất TĐC mà những nơi này không đưa ra bố trí cho các hộ giải tỏa, từ 9.128 lô (tháng 10/2014) lên hơn 14.000 lô (tháng 11/2014) và nay là 17.000 lô. Chẳng lẽ đó không phải là “giấu đất”?
Đất TĐC dù bỏ trống nhưng rõ ràng vẫn có chủ. Đó là “các quận, huyện, các Ban giải tỏa đền bù, các công ty, các đơn vị có thực hiện giải tỏa đền bù, bố trí TĐC” như ông Võ Văn Thương nói. Vậy thì ai “giấu đất”? Chẳng lẽ khi thống kê số liệu các lô đất TĐC bị bỏ trống không đưa ra bố trí cho dân, lãnh đạo Đà Nẵng không ghi tên đơn vị quản lý các lô đất đó?
Chưa nói đến chuyện “giấu đất” gây khốn khổ dai dẳng cho các hộ giải tỏa, gây thiệt hại lớn cho ngân sách, gây mất uy tín của chính quyền TP, chỉ riêng việc báo cáo không trung thực (nên càng kiểm tra càng lòi ra thêm hàng ngàn lô đất TĐC đang bỏ trống) đã đủ để xem xét trách nhiệm của những nơi đó hay chưa? Vì sao báo cáo không trung thực? Ai báo cáo không trung thực? Ai chỉ đạo việc báo cáo không trung thực đó?
Đến đây, câu hỏi dư luận đặt ra không còn là cá nhân, đơn vị nào chịu trách nhiệm và xử lý các đối tượng đó ra sao, mà là: Lãnh đạo TP Đà Nẵng có thực sự muốn làm rõ và xử lý cụ thể, đến nơi đến chốn hay không? Hay là chỉ kiểm điểm chung chung rồi cho qua mọi chuyện? Và uy tín của chính quyền TP cũng theo đó mà… qua luôn
“Giấu đất” để làm gì? Tại hội nghị giám sát UBND TP và các sở, ngành giữa 2 kỳ họp thứ 10 & 11 do HĐND TP Đà Nẵng khóa VIII tổ chức ngày 8/10/2014, Đại tá Thái Thanh Hùng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP Đà Nẵng cho biết: “Chúng tôi đi giám sát thực hiện quy chế dân chủ tại các phường của quận Ngũ Hành Sơn thì người ta nói, hình như tuổi của dân phường Hòa Hải chỉ hợp hướng Bắc, hướng Tây thôi chứ không hợp hướng Đông, hướng Nam. Cho nên các Ban giải tỏa đền bù chỉ bố trí đất TĐC cho dân làm nhà xoay mặt về hướng Bắc, hướng Tây, còn đất ở hướng Đông, hướng Nam thừa đầy ra thì không thấy ai làm nhà. Qua kiểm tra thì thấy toàn để lại các lô đất tốt, đất ở các ngã ba, ngã tư, đất ở hướng Đông, hướng Nam. Thế cái đó là gì?” |
-
Người dân có phải nộp tiền chênh lệch khi giá đền bù thấp hơn giá khu vực tái định cư?
Xin hỏi, khi bồi thường thu hồi đất, giải phóng mặt bằng một số hộ dân được giao đất tái định cư nhưng giá dự định đền bù thấp hơn so với khu vực tái định cư thì người dân có phải nộp tiền chênh lệch không?...
-
Phải hoàn thành bố trí tái định cư trước khi thu hồi đất
Đó là một trong những nội dung tại Nghị quyết số 37 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chí...
-
Người bị thu hồi đất xây dự án đô thị sẽ được bố trí tái định cư tại chỗ
Đó là một trong những nội dung được đề xuất tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).