09/12/2020 9:30 PM
Có tám nhà đầu tư, bao gồm một nhà đầu tư quốc tế và 7 nhà đầu tư trong nước, tham gia dự sơ tuyển đấu thầu đầu tư 3 khu công nghiệp (KCN) mới trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, tại thời điểm đóng thầu cách đây không lâu, không có nhà đầu tư nào đủ điều kiện tham gia đấu thầu tiếp theo.

Một góc KCN Hòa Khánh - một trong những KCN lớn và lâu đời tại thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Nhân Tâm

Ba KCN này bao gồm, Hòa Ninh, Hòa Cầm (giai đoạn 2) và Hòa Nhơn, với tổng giá trị gần 14.000 tỉ đồng.

Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 16 HĐND thành phố Đà Nẵng, khoá 9, nhiệm kỳ 2016-2020 chiều ngày 8-12 được tường thuật trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng, ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, đã trả lời chất vấn của đại biểu HĐND về tình hình kêu gọi đầu tư vào 3 KCN này.

Ông Minh cho biết sau khi UBND thành phố ban hành các Quyết định về việc phê duyệt hồ sơ mời sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư vào 3 khu công nghiệp mới, Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng đã tiến hành mở thầu sơ tuyển theo quy định. Tại thời điểm đóng thầu cách đây không lâu, có 8 nhà đầu tư tham gia dự sơ tuyển, gồm một nhà đầu tư quốc tế và 7 nhà đầu tư trong nước.

Tuy nhiên, theo ông Minh, dù 8 nhà đầu tư này đều là những nhà đầu tư rất có năng lực và có kinh nghiệm đầu tư nhiều KCN lớn trong nước cũng như ở nước ngoài, nhưng các khung tiêu chí để lựa chọn nhà đầu tư theo quy định tại Thông tư 16/2016/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư rất khó đạt được cả về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư.

Sau nhiều lần đánh giá, tham khảo ý kiến các cơ quan chuyên môn, kết quả sơ tuyển không có nhà đầu tư nào đủ điều kiện tham gia đấu thầu tiếp theo.

Do đó, UBND thành phố sẽ ban hành Quyết định hủy thầu và tổ chức thực hiện lại theo Nghị định số 25/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, ông Minh cho biết theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì các khung tiêu chí thực hiện theo Nghị định số 25 cũng rất khó đạt được. Vì vậy, UBND thành phố đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xin ý kiến điều chỉnh một số tiêu chí phù hợp với tình hình thực tế.

Đối với tiến độ thực hiện công tác giải tỏa đền bù, giải phóng mặt bằng và tình hình đầu tư các KCN, cụm công nghiệp mới, KCN Hòa Cầm (giai đoạn 1) và KCN Liên Chiểu dự kiến hoàn thành, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư trong Quí I năm 2021; Cụm công nghiệp Cẩm Lệ dự kiến sẽ hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư trong tháng 12-2020, tổ chức đấu thầu và khởi công xây dựng dự án trong tháng 1-2021, đến giữa năm 2022 sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác.

Cụm công nghiệp Hoà Nhơn dự kiến đến cuối tháng 12-2020 sẽ tiến hành giải phóng mặt bằng toàn bộ dự án, năm 2021 hoàn thành việc kêu gọi đầu tư hoặc đầu tư công; dự kiến trong Quí 1 năm 2021 sẽ bố trí doanh nghiệp vào Cụm công nghiệp Cẩm Lệ sau khi hoàn thành phân kỳ 1.

Về nguyên nhân chậm tiến độ một số dự án theo chất vấn của đại biểu Lê Vinh Quang tại kỳ họp này, ông Minh cho rằng, một phần do công tác quy hoạch hiện nay chưa đồng bộ, nhiều dự án chưa nằm trong quy hoạch chung hiện hành, dẫn đến việc lập quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/500 cho các dự án phải xin điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung, hoặc chờ quy hoạch chung tổng thể của thành phố được phê duyệt. Bên cạnh đó, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu dự án có sử dụng đất tương đối kéo dài thời gian ảnh hưởng đến tiến độ triển khai; hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư còn chồng chéo và chưa thống nhất nên gây khó khăn trong quá trình áp dụng pháp luật.

Như TBKTSG Online đã đưa tin cuối tháng 4-2020, Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng đã gửi thông báo mời sơ tuyển ba dự án KCN mới tại thành phố Đà Nẵng.

Cụ thể, dự án KCN Hòa Nhơn có diện tích hơn 360 ha. Tổng chi phí thực hiện dự án là hơn 5.600 tỉ đồng, bao gồm 2.500 tỉ đồng chi phí bồi thường và giải phóng mặt bằng. Dự án KCN Hòa Cầm - Giai đoạn 2 có diện tích hơn 120 ha với tổng chi phí hơn 2.200 tỉ đồng, trong đó gần 50% là chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng.

Trong khi đó, tại dự án KCN Hòa Ninh, phí bồi thường và giải phóng mặt bằng cho hơn 400 ha là hơn 2.500 tỉ trong tổng số hơn 6.000 tỉ đồng của dự án.

Cách đây 3 năm, Đà Nẵng có ý định tìm kiếm các doanh nghiệp có khả năng đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) cho 3 dự án với tổng diện tích gần 1.000 ha này. Khi 3 KCN mới này đi vào hoạt động, Đà Nẵng sẽ có tổng cộng 9 KCN với tổng diện tích 2.100 ha.

Nhân Tâm (Saigontimes)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.