Ngày 10-5, VKSND tỉnh Phú Yên đã nhận Thông báo của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh về khởi tố vụ án hình sự tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo khoản 3 Điều 219 BLHS trong vụ bán đấu giá 262 lô đất tại khu đô thị mới Nam TP Tuy Hòa trái quy định pháp luật, gây thiệt hại tài sản Nhà nước.
Khu đất bán sỉ 262 lô được giảm giá trái quy định. Ảnh: TẤN LỘC
PV Pháp Luật TP.HCM đã liên lạc ông Nguyễn Chí Hiến, cựu Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên, Chủ tịch Hội đồng Đấu giá “đặc biệt” tổ chức bán sỉ 262 lô đất trên.
Ông Hiến tỏ ra ngạc nhiên trước thông tin Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên khởi tố vụ án.
. Phóng viên: Ông giải thích căn cứ nào để giảm 5% cho người mua sỉ 262 lô đất?
+ Ông Nguyễn Chí Hiến: Đây là theo chủ trương của tỉnh. UBND tỉnh có xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thường trực HĐND tỉnh, tất cả đều thống nhất. Áp lực của tỉnh lúc đó là phải trả nợ vì tỉnh còn nợ 200 tỉ đồng vay từ năm 2005, 2006. Nếu cuối năm 2016 mà không trả được nợ thì sẽ bị Bộ Tài chính sẽ khấu trừ ngân sách trợ cấp cho tỉnh. Nếu vậy thì sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội như trả lương, tỉnh sẽ đối mặt với nhiều thứ khác, không biết vấn đề gì xảy ra.
Theo tư vấn, hỗ trợ của Cục Bổ trợ Tư pháp Bộ Tư pháp, ngoài chính sách pháp luật, giải quyết vấn đề thực tiễn địa phương thì cần có chính sách của địa phương. Dù chưa có quy định nhưng Cục Bổ trợ tư pháp đã hướng dẫn. Nếu đã có quy định thì đâu có xin. Đây là chính sách đột phá đầu tiên của tỉnh. Đột phá thì có những cái thế này thế kia. Nhưng lúc đó tạo sự đồng thuận rất cao. Nếu không đồng thuận sao làm được.
Lâu nay cơ quan điều tra làm việc, tôi cũng nêu rõ như vậy. Đây là chủ trương của tỉnh, tôi được phân công thực hiện thôi. Đây là nhiệm vụ chính trị. Một bên chưa có quy định, một bên nhiệm vụ chính trị thì cần căn nhắc vấn đề này. Lâu nay người ta nghĩ đơn phương UBND tỉnh và bản thân ông Hiến làm. Đến khi báo cáo lại người ta rõ hết rồi!"- ông nói
Ông Nguyễn Chí Hiến khi còn làm phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên. Ảnh: PLO
. Có ý kiến cho rằng phương án đấu giá không đúng quy định pháp luật như không quy định điều kiện, năng lực tài chính của người tham gia đấu giá, không nêu thời gian xây dựng, hoàn thành các công trình… Ông có ý kiến thế nào?
+ Cái đó là đúng quy trình, quy định. Đây là loại hình đấu giá trên 200 tỉ đồng nên có hội đồng đấu giá đặc biệt. Phó giám đốc Sở Tư pháp là thường trực hội đồng đấu giá đặc biệt này. Hội đồng chỉ định Trung tâm Đấu giá của Sở Tư pháp đứng ra tổ chức thực hiện. Công khai, minh bạch chuyện đó hết!
Đấu giá đất nền thì phải có hạ tầng. Lúc đó tỉnh nợ mà không có tiền trả. Trong khi đó, sản phẩm này hình thành đất nền phải sau 16 tháng đầu tư hạ tầng. Do chưa có quy định nên mới xin chủ trương bán đấu giá để lấy tiền trả nợ.
Lúc đó là thực hiện nhiệm vụ chính trị theo nghị quyết HĐND tỉnh đầu tư khu đô thị Nam Tuy Hòa với mục tiêu là để trả nợ. Sau khi khấu trừ chi phí, trả nợ thì tiếp tục đầu tư phát triển đô thị. Mình làm đúng nghị quyết HĐND tỉnh thôi. Đó là chính sách địa phương mà!
Tỉnh Phú Yên bán sỉ cả một khu đất cho tư nhân đầu cơ. Ảnh: TẤN LỘC
. Có ý kiến cho rằng dù phương án đấu giá, phiên đấu giá vi phạm Luật Đầu tư, Luật Nhà ở nhưng UBND tỉnh Phú Yên vẫn ra quyết định công nhận kết quả đấu giá và giảm giá cho người trúng giá. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?
+ Quy trình, quy định đều đảm bảo. Cho nên vấn đề chính hiện nay người ta nói là chính sách địa phương giảm 5% không ổn. Kiểm toán Nhà nước có yêu cầu lãnh đạo tỉnh lúc đó giải trình là có tham khảo các tỉnh hay không. Lúc đó, tỉnh Phú Yên tham khảo Đà Nẵng.
Khi Kiểm toán Nhà nước gửi dự thảo gửi đến UBND tỉnh, UBND tỉnh giải trình những vấn đề đó xuất phát từ nhiệm vụ chính trị và công khai trong đấu giá. Kiểm toán Nhà nước xác định đã đấu giá công khai, thực hiện chính sách địa phương nên không kiến nghị thu hồi 5% tiền giảm giá. Vấn đề đã rõ ràng rồi!
Nếu Kiểm toán Nhà nước kiến nghị thu hồi là chuyện khác nữa! Nếu sai sót thì Kiểm toán Nhà nước đã có ý kiến rồi!
Cuối năm đó, tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã kiểm điểm vấn đề này theo yêu cầu của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Từng thành viên Ban Thường vụ phát biểu ý kiến là công khai, minh bạch trong đấu giá. Soát xét lại chưa thấy dấu hiệu vụ lợi mà xuất phát từ nhiệm vụ chính trị nên thôi xem xét trách nhiệm cá nhân. Và đã khép lại hồ sơ hồi cuối năm 2019 hết rồi.
*Xin cảm ơn ông!
Ai xây dựng phương án đấu giá?Trao đổi với PLO, ông Ngô Quang Phú, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Phú Yên, thành viên Hội đồng đấu giá đặc biệt cho biết Trung tâm Phát triển quỹ đất thuộc Sở TN&MT soạn thảo phương án đấu giá rồi trình cho hội đồng đấu giá đặc biệt. Lãnh đạo Sở Tư pháp- thành viên thường trực hội đồng đấu giá đặc biệt đã thẩm định phương án đấu giá. Vì sao phương án đấu giá không quy định điều kiện năng lực tài chính của người tham gia đấu giá, không quy định thời gian xây dựng, hoàn thành công trình trên đất đấu giá? Ông Phú giải thích: “Mục tiêu nhà nước xây dựng hạ tầng rồi bán đất cho người dân xây dựng nhà chứ không phải dự án phát triển nhà ở nên không đặt vấn đề năng lực tài chính. Trước đây, hội đồng đấu giá đặc biệt có bàn rồi. Bán cho hộ gia đình cá nhân nên không quy định thời gian. PV đã liên lạc với bà Nguyễn Thị Nở, cựu Phó giám đốc Sở Tài chính tỉnh Phú Yên, người trực tiếp tham mưu UBND tỉnh ra quyết định giảm 5% tiền bán đấu giá quyền sử đất để tìm hiểu các vấn đề liên quan. Tuy nhiên, bà Nở từ chối trả lời với lý do “Công an đang làm việc”. Giảm giá trái luật khi bán sỉ 262 lô đấtTheo hồ sơ, tháng 10-2016, tỉnh Phú Yên khởi công dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Nam TP Tuy Hòa giai đoạn 1 (gọi tắt là dự án Nam Tuy Hòa) trên diện tích hơn 38 ha đất nhằm xây dựng hạ tầng, bán đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ) ở. Tỉnh đầu tư gần 319 tỉ đồng để làm hạ tầng, phân thành 458 lô nhà ở, trong đó có 262 lô nhà ở liên kế, còn lại là các lô biệt thự. Trong đợt 1, UBND tỉnh tổ chức đấu giá bán sỉ theo từng khu của dự án, không đấu giá từng lô riêng lẻ. Chính vì thế, bà Ngô Thị Điều (chủ một doanh nghiệp ở TP Quy Nhơn, Bình Định) đã mua toàn bộ 262 lô nhà ở liên kế của khu số 1 với giá trúng đấu giá 162,4 tỉ đồng, cao hơn giá khởi điểm chỉ 1,6 tỉ đồng, tương đương gần 1%. Dù phương án đấu giá, phiên đấu quyền sử dụng đất vi phạm Luật Đầu tư, Luật Nhà ở nhưng ngày 6-6-2017, UBND tỉnh Phú Yên vẫn ra quyết định công nhận kết quả đấu giá QSDĐ với người trúng giá bà Ngô Thị Điều. Đặc biệt, UBND tỉnh Phú Yên còn ban hành quyết định hỗ trợ người trúng đấu giá 5% trên tổng giá trị mỗi khu đất đưa ra đấu giá. Theo đó, UBND tỉnh đã dùng ngân sách Nhà nước hỗ trợ bà Điều hơn 8 tỉ đồng. Do đó, bà Điều chỉ còn nộp vào ngân sách Nhà nước 154,4 tỉ đồng. |
-
Khởi tố vụ đất vàng bị bán đấu giá “kỳ lạ” ở Phú Yên
CafeLand – Thay vì tổ chức bán đấu giá cho người dân đang có nhu cầu về chỗ ở, tỉnh Phú Yên lại bán sỉ 262 lô đất thuộc dự án khu đô thị mới Nam Tuy Hòa cho một cá nhân trái quy định. Điều đáng nói, số tiền ngân sách thu về từ vụ đấu giá thấp hơn nhiều tỉ đồng so với giá khởi điểm.
-
Thị xã Sông Cầu sắp trở thành thành phố trực thuộc tỉnh Phú Yên
HĐND tỉnh Phú Yên vừa thông qua nghị quyết thành lập các phường thuộc thị xã Sông Cầu và thành lập Thành phố Sông Cầu.
-
Nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam sẽ xây nhà máy tại Phú Yên để làm đường ray cho tàu tốc độ 350km/h
Cơ cấu sản phẩm của Khu liên hợp sản xuất gang thép mà Hòa Phát đang xúc tiến triển tại Phú Yên sẽ tập trung vào các dòng thép chất lượng cao phục vụ cơ khí chế tạo như thép đường ray, thép tấm, thép kết cấu, thép hình, thép thanh tròn trơn (SBQ)…...
-
Tỷ phú Trần Đình Long tiết lộ việc Hòa Phát nghiên cứu sản xuất thép đường ray tàu cao tốc, đã triển khai được 3 năm
Chủ tịch Trần Đình Long tiết lộ, trong 3 năm gần đây, Hòa Phát đã nghiên cứu về dòng sản phẩm thép ray. Do đó, việc sản xuất thép ray cho đường sắt cao tốc hoàn toàn trong khả năng của doanh nghiệp này....