Ngôi trường với kỳ vọng mỗi năm sẽ đào tạo nghề cho hơn 2.000 học viên được đầu tư 60 tỉ đồng nhưng bỏ hoang.

Ngày 27-11, tại cuôc giao ban báo chí thường kỳ do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở TTTT và Hội Nhà báo tỉnh Bình Thuận tổ chức, Trường Trung cấp nghề Kinh tế-Kỹ thuật Công đoàn Bình Thuận đã có văn bản giải trình xung quanh thông tin ngôi trường bị bỏ hoang nhiều năm.

Cựu hiệu trưởng giải trình trường nghề ở Bình Thuận 'bỏ hoang' - ảnh 1

Nhiều hạng mục của Trường Trung cấp nghề Kinh tế-Kỹ thuật Công đoàn Bình Thuận đã xây xong mọc cỏ um tùm. Ảnh: PN

Văn bản này do bà Nguyễn Thị Thu Hà, Hiệu trưởng (vừa nhận nhiệm vụ) và ông Trần Quang Duyệt, nguyên Hiệu trưởng nhà trường đồng ký tên.

Theo đó, năm 2012, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình Trường Trung cấp nghề Kinh tế-Kỹ thuật Công đoàn Bình Thuận (Tiến Lợi, Phan Thiết) với tổng mức đầu tư 60 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ là 42 tỉ đồng, ngân sách địa phương 15 tỉ đồng và 3 tỉ đồng còn lại từ các nguồn huy động khác.

Công trình được khởi công cuối năm 2014, xây dựng trên khu đất rộng khoảng 4ha mặt tiền đường Âu Cơ, xã Tiến Lợi. Công trình gồm các hạng mục khối nhà hành chính, nhà thực hành, ký túc xá, căn tin, tường rào, sân tập lái ôtô… Ngày 4-11-2014, công trình được khởi công xây dựng.

Tuy nhiên do gặp nhiều khó khăn do nguồn gốc đất UBND tỉnh cấp có nguồn gốc là nghĩa trang nên phải di dời hơn 1.600 ngôi mộ đến cuối năm 2017 mới thực hiện xong. Riêng 11 hộ gia đình ở trên đất không chấp nhận tiền đền bù hỗ trợ để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Đến tháng 5-2018 có 10/11 hộ dân chấp nhận di dời bàn giao mặt bằng. Riêng hộ ông Bùi Văn Khiêm không chấp hành và khởi kiện ra TAND tỉnh Bình Thuận yêu cầu UBND TP Phan Thiết bồi thường và trả lại đất.

Cựu hiệu trưởng giải trình trường nghề ở Bình Thuận 'bỏ hoang' - ảnh 2

Cổng vào trường. Ảnh: PN

Tháng 11-2018, TAND tỉnh Bình Thuận tuyên xử chấp nhận yêu cầu người khởi kiện, buộc UBND TP Phan Thiết bồi thường và trả lại đất cho ông Khiêm. Tuy nhiên đến tháng 12-2018, VKSND tỉnh Bình Thuận có quyết định kháng nghị, đề nghị TAND Cấp cao xét xử phúc thẩm.

Tháng 9-2019, TAND Cấp cao tại TPHCM tuyên xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Khiêm. Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, chủ đầu tư phối hợp với các cơ quan ở địa phương buộc ông Khiêm bàn giao mặt bằng để thi công kịp tiến độ đưa vào sử dụng vào quý III -2020.

Khi dự án tiếp tục triển khai thì tình hình dịch bệnh COVID-19 việc thi công dự án bị gián đoạn.

Cựu hiệu trưởng giải trình trường nghề ở Bình Thuận 'bỏ hoang' - ảnh 3

Ông Trần Quang Duyệt, cựu hiệu trưởng giải thích lý do chậm trễ. Ảnh: PN

Theo cam kết giữa chủ đầu tư và các nhà thầu cũng như cam kết của nhà trường với Tỉnh ủy và Tổng LĐLĐ Việt Nam thì đến quý I, 2021 sẽ hoàn thành công trình, nghiệm thu; bàn giao và đưa vào sử dụng.

Trước đó, nhiều thông tin cho biết, ngôi trường này dù đã xây xong các hạng mục chính nhưng đã bỏ hoang 2 năm nay vô cùng lãng phí. Cụ thể toàn bộ khối nhà giảng đường học lý thuyết hướng ra sân tập lái xe ôtô đã hoàn thiện nhưng do bỏ hoang lâu ngày nên xuống cấp, cỏ mọc um tùm.

Thậm chí có ba chiếc ôtô biển số xanh phục vụ dạy nghề lái xe cũng nằm phơi nắng, mưa, hư hỏng. Ngoài ra, hai dãy nhà thực hành số 1 và số 2, ký túc xá 200 chỗ (1 trệt, 2 lầu) và khu căng tin nằm ở phía sau đã hoàn thiện từ lâu nhưng cũng trong tình cảnh tương tự.

Cựu hiệu trưởng giải trình trường nghề ở Bình Thuận 'bỏ hoang' - ảnh 4

Khu vực xây hệ thống dạy lái xe bỏ dang dở. Ảnh: PN

Theo ông Trần Quang Duyệt, vì nhiều lý do vừa nêu nên chủ đầu tư đã có tờ trình xin gia hạn thời gian thực hiện dự án đến quý III, 2020 và tháng 12-2019 đã được Tổng LĐLĐ Việt Nam đồng ý.

Tuy nhiên căn cứ hợp đồng xây dựng, từ tháng 12-2018 đến tháng 5-2020, chủ đầu tư ít nhất có 5 văn bản gởi đơn vị thi công là Liên doanh Công ty Cổ phần IDC Đông Dương-HUT nhưng nhà thầu vẫn không thi công và không nêu lý do.

Được biết, UBND tỉnh Bình Thuận cũng đã có văn bản yêu cầu LĐLĐ Bình Thuận kiểm tra cụ thể, báo cáo Tổng LĐLĐ Việt Nam và UBND tỉnh trước ngày 30-11.

Phương Nam (Pháp Luật TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.