Khu vực đường thành Cổ Loa bị người dân chiếm dụng để ở và kinh doanh
Ông Nguyễn Hữu Sáng, Chủ tịch UBND xã Việt Hùng cho biết, chính quyền đã cho kiểm tra, xử lý các nhà xưởng sai phạm mà Tiền Phong nêu. Cụ thể, khu vực Hồ Ga thôn Đông, khu bãi than, khu 327 có một số nhà xưởng sản xuất than, ép gỗ, vật liệu xây dựng gây ô nhiễm môi trường đã bị cơ quan chức năng cắt điện, sẽ tiến hành các phương pháp cưỡng chế trong thời gian tới.
Nhà xưởng khu vực bãi than di chuyển hết nguyên liệu, chuẩn bị tháo dỡ
“Khu đất sát thành Cổ Loa, do chỉ có một đường độc đạo duy nhất vào khu dân cư nên một số hộ chiếm dụng để ở và bán hàng. Trước mắt chúng tôi cử cán bộ đến từng hộ để yêu cầu ký vào cam kết sẽ trả lại toàn bộ phần diện tích, không được yêu cầu bồi thường khi dự án cải trang thành Cổ Loa diễn ra”, ông Sáng nói.
Tại hộ gia đình ông Tuấn, khu vực bãi Miễu thôn Đông (theo phản ánh của người dân là có người nhà đang làm việc tại UBND huyện Đông Anh) nhận thầu đất nông nghiệp nhưng lại cho xây dựng hai dãy nhà xưởng rộng hàng trăm mét vuông, cho người khác thuê lại. Dù nằm trong diện phải cưỡng chế, nhưng theo quan sát của PV các nhà xưởng vẫn tồn tại.
Hai dãy nhà xưởng trên đất nông nghiệp của gia đình ông Tuấn vẫn tồn tại
Theo ông Sáng, do đây là khu đất đã được quy hoạch rộng gần 3 ha để xây dựng trường học nên sẽ yêu cầu tháo dỡ trong thời gian tới. “Chúng tôi báo cáo lên UBND huyện Đông Anh để có phương an cụ thể từng khu vực. Trong thời gian tới sẽ thực hiện quyết liệt để không để xảy ra tình trạng chiếm dụng đất làm nhà xưởng”, ông Sáng nói thêm.
Trước đó, ngày 28/7, báo Tiền Phong có bài viết “Nhà xưởng 'nhảy dù' đất ruộng, chính quyền bất lực”. Bài phản ánh tại xã Việt Hùng có rất nhiều nhà ở, lán xưởng xây dựng trên đất nông nghiệp, nhả khói ô nhiễm môi trường. Chính quyền nhiều lần xử lý nhưng không dứt điểm, gây tâm lý bức xúc cho người dân