13/08/2020 2:20 PM
Được phê duyệt từ năm 2002, tuyến đường Vành đai 2,5 đoạn từ Đầm Hồng-Định Công tới Giải Phóng (thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội) theo hình thức BT vẫn ngổn ngang không biết ngày hoàn thành.

Điều đáng nói trải qua 6 đời Chủ tịch phường Định Công nhưng đến nay công tác giải phóng mặt bằng vẫn chưa xong, trong khi những khu đất đối ứng đã được chủ đầu tư bán thu tiền của khách từ lâu.

6 đời Chủ tịch phường vẫn không GPMB xong

Dự án đường Vành đai 2,5, đoạn Đầm Hồng – Quốc lộ 1A được UBND TP. Hà Nội phê duyệt quy hoạch từ năm 2002. Đây là một trong những dự án giao thông trọng điểm của Hà Nội, được đầu tư theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao). Liên danh Công ty CP Kinh doanh phát triển nhà và đô thị Hà Nội cùng Công ty Xây dựng công trình Hoàng Hà làm chủ đầu tư, sau đó, hai nhà đầu tư đã lập ra Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Hoàng Mai trực tiếp quản lý dự án.

Tuyến đường BT này có chiều dài khoảng 2,1km, mặt cắt đường 40m, ban đầu tổng mức đầu tư được xác định chỉ là 688,6 tỷ đồng, đến năm 2012 được điều chỉnh là hơn 1.300 tỷ đồng. Dự kiến, tuyến đường sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng vào tháng 12/2016.

Đường nghìn tỷ chi chít 'ổ trâu, ổ gà' ở Hà Nội: Qua 6 Chủ tịch phường không GPMB xong

Được phê duyệt từ năm 2002, tuyến đường Vành đai 2,5 đoạn từ Đầm Hồng-Định Công tới Giải Phóng (thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn ì ạch, ngổn ngang không biết ngày hoàn thành. Hiện mặt đường nhiều đoạn trở thành "hố bom, ổ trâu, ổ gà" gây khó khăn cho người dân tham gia giao thông.

Để phục vụ xây dựng và mở rộng tuyến đường này tổng diện tích đất phải thu hồi là 67.125m2, trong đó riêng quận Hoàng Mai là 54.411m2 (phường Định Công: 51.333m2, phường Thịnh Liệt: 7.079m2). Tương ứng có 557 hộ gia đình với đủ loại công trình, nhà ở, đất đai nằm trong diện di dời.

Tuy nhiên, do vướng mắc trong khâu GPMB cũng như bồi thường nên dự án vẫn ì ạch chưa biết ngày nào xong. Theo ghi nhận của PV, đoạn gần cầu L3 và từ cầu L3 đến ngõ 115 phố Định Công (phường Định Công) và các hộ thuộc địa bàn phường Thịnh Liệt đến nay vẫn chưa thể GPMB.

Nhiều khu vực trên tuyến đường Vành đai 2,5 trở thành bãi tập kết rác thải, nơi đổ trộm rác thải xây dựng trông rất nhếch nhác, gây mất mỹ quan đô thị. Đoạn đường Vành đai từ khu đô thị Định Công đến Đầm Hồng cũng vẫn đang dang dở, ngổn ngang. Nhiều đoạn vẫn chỉ mới được đổ đá dăm, khu vực này cũng xuất hiện nhiều hố công trình sâu, ngập nước khiến người dân qua đây gặp nhiều khó khăn khi trời mưa thì ngập nước, trời nắng thì bụi mịt mù.

Đường nghìn tỷ chi chít 'ổ trâu, ổ gà' ở Hà Nội: Qua 6 Chủ tịch phường không GPMB xong

Nhiều khu vực trên tuyến đường Vành đai 2,5 trở thành bãi tập kết rác thải, nơi đổ trộm rác thải xây dựng trông rất nhếch nhác, gây mất mỹ quan đô thị.

Đường nghìn tỷ chi chít 'ổ trâu, ổ gà' ở Hà Nội: Qua 6 Chủ tịch phường không GPMB xong

Đoạn đường Vành đai từ khu đô thị Định Công đến Đầm Hồng cũng vẫn đang dang dở, nhiều đoạn chi chít "hố bom, ổ trâu, ổ gà" làm ảnh hưởng việc đi lại của người dân.

Xác nhận với PV, vị cán bộ UBND phường Định Công cho biết, dự án đường vành đai 2,5 đoạn qua địa bàn phường vẫn chưa thể hoàn thiện do còn nhiều hộ dân chưa đồng thuận với phương án đền bù, tái định cư. Mặc dù, UBND Quận Hoàng Mai đã điều chỉnh kế hoạch đền bù GPMB, nhưng việc thực hiện theo tiến độ trong kế hoạch là rất khó khăn...

“Từ khi dự án được phê duyệt quy hoạch đến nay đã trải qua 6 đời Chủ tịch phường Định Công nhưng dự án vẫn chưa hoàn thành đưa vào sử dụng do còn vướng GPMB. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, các cuộc họp nhiều người dân nêu ý kiến về việc chậm tiến độ của dự án tuyến đường này. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ phối hợp với các đơn vị để tuyên truyền, vận động các hộ này bàn giao để có mặt bằng triển khai tiếp dự án”, vị này nói.

Đường ngổn ngang nhưng đất đối ứng đã phân lô, bán nền

Theo hợp đồng BT, nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư tuyến đường, bù lại được UBND TP Hà Nội giao thực hiện dự án khác (Khu đô thị mới mở rộng phía Bắc và Tây Bắc Đại Kim - Định Công) theo quy hoạch để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận theo thỏa thuận hợp đồng. Được biết, phê duyệt quy hoạch chi tiết mở rộng phía Bắc và Tây Bắc khu đô thị mới Đại Kim - Định Công, tỷ lệ 1/500 từ năm 2005 tổng diện tích quy hoạch khoảng 135ha.

Điều đáng nói, dù chưa được dù chưa được thành phố giao đất, chưa có giấy phép nhưng liên danh Công ty CP Kinh doanh phát triển nhà và đô thị Hà Nội và Công ty Xây dựng công trình Hoàng Hà đã huy động vốn, phân lô bán nền thu tiền của khách hàng từ lâu.

Đường nghìn tỷ chi chít 'ổ trâu, ổ gà' ở Hà Nội: Qua 6 Chủ tịch phường không GPMB xong

Đường nghìn tỷ chi chít 'ổ trâu, ổ gà' ở Hà Nội: Qua 6 Chủ tịch phường không GPMB xong

“Hợp đồng hợp tác đầu tư” và phiếu thu mà Công ty TNHH Xây dựng công trình Hoàng Hà đã ký và thu tiền của khách từ năm 2015 để huy động vốn tại dự án đối ứng Khu đô thị mới mở rộng phía Bắc và Tây Bắc Đại Kim - Định Công.

Theo tài liệu của PV có được, từ năm 2015 đến nay chủ đầu tư đã huy động vốn, thu tiền của nhiều khách thông qua hình thức thức “Hợp đồng hợp tác đầu tư”, “Hợp đồng góp vốn”…

Cụ thể, tại “Hợp đồng hợp tác đầu tư”mà Công ty TNHH Xây dựng công trình Hoàng Hà do ông Hoàng Văn Lâm Giám đốc công ty đã ký với khách hàng hồi tháng 9/2015 nêu rõ. “Bên A (người mua) đồng ý hợp tác với bên B (Công ty TNHH Xây dựng công trình Hoàng Hà) để đầu tư xây dựng nhà ở tại dự án Khu đô thị mới mở rộng phía Bắc và Tây Bắc Đại Kim - Định Công theo quy hoạch được duyệt tại ô đất nhà vườn căn số 5 có diện tích tạm tính là 117m2- phía Tây lô mặt đường 2,5 với giá hơn 7 tỷ đồng với tiến độ thanh toán chia thành 4 đợt…

Hiện các sản phẩm của dự án vẫn tiếp tục được bán công khai rầm rộ tại một số trang web về bất động sản. Trong vai khách hàng có nhu cầu đầu tư vào dự án Khu đô thị mới mở rộng phía Bắc và Tây Bắc Đại Kim - Định Công PV được một môi giới tư vấn cho biết, dự án này bán từ năm 2015, rất nhiều khách hàng đã đầu tư vào đây rồi.

“Hiện em đang có mấy lô mặt đường vành đai 2,5 có diện tích khoảng 117m2 khách gửi bán với giá 120 triệu đồng/m2. Nếu anh muốn đầu tư phải ký hợp đồng góp vốn, giá trong hợp đồng là 60 triệu đồng/m2 và anh phải nộp ngoài 60 triệu còn lại. Khu vực này giá tăng từng ngày anh ạ. Nếu đường vành đai 2,5 thông xe giá phải lên đến hơn 200 triệu đồng/m2”, nhân viên này mời chào.

Trao đổi với PV, lãnh đạo UBND quận Hoàng Mai cho biết, hồi tháng 5/2020 dự án mới được bàn giáo mốc giới ngoài thực địa. Sau khi hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan nhà đầu tư mới có thể tiến hành san lấp mặt bằng, làm cơ sở hạ tầng cho dự án; còn việc nhà đầu tư huy động vốn sai quy định sẽ phải chịu trách nhiệm.

Năm 2019, Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm toán chuyên đề việc thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức BT (giai đoạn 2014-2018). Tại các dự án BT của Hà Nội, kết quả kiểm toán cho thấy nhiều Dự án xác định tổng mức đầu tư ban đầu không chính xác.

Cụ thể, tại Hà Nội hầu hết các dự án xác định tổng mức ban đầu lớn hơn nhiều so với giá trị thực tế triển khai, như Dự án xây dựng đường 2,5 đoạn Đầm Hồng - QL1A giảm 250 tỷ đồng. Dự án cải tạo và xây dựng hệ thống cống nối thông hồ Vục, hồ Đầu Băng và hồ Tư Đình (quận Long Biên) giảm 26 tỷ đồng, chi phí đền bù GPMB giảm xấp xỉ 60 tỷ đồng...

Đình Phong - Lâm Vỹ (TPO)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.