Theo nhiều chuyên gia kinh tế, nền kinh tế thế giới đã có những tín hiệu hồi phục khá tích cực trong thời gian gần đây, đặc biệt ở những quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Nhật và châu Âu. Tuy nhiên, nó cũng đặt ra nhiều thách thức và cơ hội cho các nền kinh tế đang phát triển, đặc biệt từ khi Ngân hàng Trung ương (NHTW) Mỹ ra tín hiệu có thể giảm gói nới lỏng định lượng.
“Ngay lập tức, thị trường tài chính của các nước mới nổi và đang phát triển, đặc biệt ở khu vực châu Á như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Thái Lan... đã phản ứng tiêu cực với thông tin này. Các nhà đầu tư nước ngoài đã rút một lượng lớn vốn ra khỏi các thị trường mới nổi và đang phát triển, tạo ra những biến động lớn trên thị trường tài chính và ngoại hối của những nước này, làm cho đồng nội tệ mất giá mạnh so với đồng USD”, ông Phạm Hồng Hải phân tích.
Ví dụ, đồng rupee của Ấn Độ đã mất giá khoảng 12% so với đồng USD tính từ cuối tháng 5 đến nay (có thời điểm, đồng rupee mất giá khoảng 20% so với đồng USD). Sở dĩ có hiện tượng trên vì về cơ bản, khi NHTW Mỹ giảm gói nới lỏng định lượng thì lãi suất đồng USD sẽ tăng, chi phí sử dụng vốn đồng USD sẽ tăng lên, đồng USD sẽ tăng giá tương đối so với các đồng tiền khác, làm cho giá trị tài sản đầu tư ở các nước đang phát triển giảm khi quy đổi về đồng USD.
Bên cạnh đó, sự biến động mạnh trên thị trường tài chính và ngoại tệ của các nước mới nổi và đang phát triển vừa qua không chỉ do NHTW Mỹ có khả năng giảm và tiến tới chấm dứt gói QE mà còn đến từ những vấn đề nội tại của các nước đó. Ở nhiều nước châu Á, chất lượng tăng trưởng đã giảm nhiều trong thời gian qua, nhưng tăng trưởng được bù đắp bởi dòng vốn rẻ do gói QE của Mỹ và một số nước phát triển khác đem đến. Điều này đã làm cho mọi người quên đi việc cần phải tái cấu trúc nền kinh tế để có thể sử dụng nguồn vốn, nguồn lực hiệu quả hơn và nâng cao năng suất lao động.
Ông Hải nhận định: “Việt Nam trong những tháng vừa qua đã không chịu nhiều biến động như những nước khác trong khu vực do các nhà đầu tư nước ngoài - đầu tư gián tiếp - không còn đầu tư ồ ạt vào Việt Nam như trong giai đoạn 2006 - 2008. Đây là một điều may mắn cho chúng ta trong thời gian vừa qua, tránh được những biến động do các dòng vốn nóng của các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng đồng thời cũng mở ra câu hỏi: liệu Việt Nam đã đánh mất đi phần nào sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài như những năm trước đây?”.
Thực tế cho thấy, khi nền kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi tích cực hơn thì nhu cầu nhập khẩu hàng hóa, tiêu dùng của các nước phát triển sẽ tăng lên. Đây là cơ hội cho Việt Nam mở rộng và tăng cường xuất khẩu. Đặc biệt, khi Nhật Bản đang đẩy mạnh gói kích thích kinh tế và tiêu dùng trong nước, các nhà đầu tư Nhật đang tìm kiếm cơ hội đầu tư ở nước ngoài, Việt Nam cần phải nắm bắt cơ hội thu hút dòng vốn đầu tư, công nghệ để đổi mới và đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam. Để từ đó tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, giá trị gia tăng nhiều hơn, giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thể đáp ứng những nhu cầu nhập khẩu ngày càng cao của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế khuyến nghị, bên cạnh mặt tích cực, thì việc các nền kinh tế lớn phục hồi sẽ làm cho giá cả hàng hóa như xăng dầu, nguyên vật liệu trên thế giới tăng lên, tạo áp lực lên lạm phát. Do đó, Việt Nam cần phải tiếp tục tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô và từng bước tiến hành tái cấu trúc nền kinh tế.
“Kinh tế Việt Nam đã có những chuyển biến và dấu hiệu tích cực trong thời gian gần đây. Tỷ lệ nợ xấu đã được cải thiện và hiện chỉ còn 4,58%. Tăng trưởng tín dụng khoảng 6,45% tính đến cuối tháng 8/2013. Tuy nhiên, lạm phát tháng 8 là 7,5% (so với cùng kỳ năm trước) và dự đoán tháng 9 vẫn sẽ khá cao. Do đó, việc kiềm kế lạm phát và ổn định vĩ mô vẫn là một trong những ưu tiên hàng đầu. Theo tôi, cuối năm nay, Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng GDP khoảng 5,1%, lạm phát khoảng 6,5 - 7,5%”, ông Hải dự báo.
Nhìn từ kinh tế vĩ mô, khó khăn của hệ thống ngân hàng trong những tháng cuối năm sẽ là gì? Liên quan đến vấn đề tỷ giá, thị trường ngoại hối khá ổn định trong mấy tháng gần đây. Nếu so sánh tỷ giá ở khoảng 21.185 đồng/USD sau khi NHNN điều chỉnh tỷ giá ở cuối tháng 6 và ở mức tỷ giá liên ngân hàng hiện tại là khoảng 21.120 đồng/USD thì tỷ giá đã giảm nhẹ khoảng 0,3%. Trong một vài ngày đầu của tháng 9, tỷ giá có tăng nhẹ lên mức 21.150-170 trên thị trường liên ngân hàng nhưng sau đó đã nhanh chóng giảm lại về mức 21.110-130 do nguồn cung thị trường khá dồi dào, từ FDI, FII và các hoạt động M&A.
“Theo số liệu của Tổng cục Thống kê thì đến cuối tháng 8, Việt Nam nhập siêu chỉ khoảng 300 triệu USD, trong khi chỉ riêng FDI giải ngân đã khoảng 7,6 tỷ USD, chưa tính đến kiều hối. Về mặt cung cầu thì nguồn cung hiện vẫn rất tốt, tuy nhiên để hỗ trợ xuất khẩu, chúng tôi cho rằng, tỷ giá sẽ tăng nhẹ lên mức 21.250 đồng/USD”, ông Hải nhận định. “Mặc dù lạm phát, về cơ bản, đã được kiểm soát, nhưng với khuynh hướng tăng dần vào những tháng cuối năm, NHNN cần phải giữ lãi suất ở mức thích hợp để vừa kiềm chế lạm phát, vừa hỗ trợ ổn định tỷ giá. Bên cạnh đó, vấn đề của nền kinh tế hiện không còn là lãi suất cao mà là khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp. Do đó, tôi cho rằng, NHNN sẽ điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt tùy theo tình hình thị trường để có thể đạt được các mục tiêu đã đề ra”.