Cuối năm, các loại quảng cáo, rao vặt xuất hiện nhiều nhất là: cho vay tài chính không thế chấp, hỗ trợ tài chính… bùng phát nhan nhản trên khắp mọi tuyến phố Hà Nội. “Không thế chấp, chỉ cần hồ sơ phô tô”; “Lãi suất thấp nhất hiện nay, giải ngân chỉ trong 2 ngày” hay “Cấp vốn sinh viên: Chỉ cần có thẻ sinh viên và Chứng minh nhân dân hoặc giấy phép lái xe”…
Ảnh minh họa.
Đó là những lời quảng cáo mĩ miều hấp dẫn người đang có nhu cầu vay tiền lớn nhưng ngại chờ lâu và “mong” trả ít lãi.
Điều đáng nói những quảng cáo hoạt động “cho vay lãi suất thấp, cho vay trả góp, vay không thế chấp” này xuất hiện khắp các tường rào, hộp điện công cộng, cột điện, thùng thư... không chỉ gây mất mĩ quan đô thị mà còn khiến cho nhiều người rơi vào “bẫy” dẫn đến cảnh nợ nần chống chất, thậm chí là gánh thêm nợ vào người.
Trước đây, có rất nhiều nạn nhân đã phải tìm đến lực lượng chức năng để kêu cứu khi bị lừa đảo do tìm đến các địa chỉ, số điện cho vay không thế chấp lấy từ các tờ rơi trên đường phố.
Tuy nhiên, hiện nay các tờ rơi và số điện thoại đấy vẫn xuất hiện dày đặc trên khắp mọi tuyến phố chứng tỏ nguy cơ sẽ có người tiếp tục “sa bẫy” như vậy.
Lần theo một số điện thoại có trên tờ rơi, phóng viên gọi thì được chủ cho vay giới thiệu mình đến từ ngân hàng quốc tế nhưng hẹn đến gặp để làm thủ tục cũng như nộp phí giao dịch tại… tiệm cầm đồ nằm trên phố Đê La Thành. Hơn nữa, cho vay không thế chấp, hay trả góp nhưng lãi suất thì rất “giật mình”.
Lãi suất tùy thuộc vào số tiền và thời gian vay, khoảng 3.000-5.000 đồng/1 triệu đồng/ngày, còn nếu vay lãi nóng thì có thể lên 5.000 — 7.000 đồng/1 triệu đồng/ngày.
Rất nhiều trường hợp người vay bị số tiền lãi vượt ngưỡng số tiền gốc vay vì cứ nộp lãi chậm sẽ bị phạt tiền rất nặng.
Đáng tiếc hơn nữa là nhiều người vì quá vội vàng và mù quáng đã đóng một khoản có tên gọi là “phí dịch vụ làm hồ sơ” để rồi “tiền mất mà cũng chả được vay”.
Vì lẽ đó, đã đến lúc chúng ta nên cảnh giác hơn với những kiểu cho vay lừa đảo đội lốt “ngân hàng”, “quỹ tín dụng” bởi khi triển khai các chương trình tín dụng mới, họ đều quảng cáo thông qua băng-rôn, áp-phích được in ấn cẩn thận, trên đó có ghi rõ lãi suất cho vay.
Đặc biệt, những băng-rôn, áp-phích này cũng chỉ được treo tại điểm giao dịch của ngân hàng chứ không treo, dán vô tội vạ trên các bờ tường, cột điện.
Hoàng Lâm (Pháp luật plus)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.