Từ nay đến cuối năm tỷ giá USD vẫn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố
Động thái quan trong chính sách điều hành tỷ giá có khả năng khiến kịch bản tỷ giá sẽ lên tới hơn 23.000VND/USD sẽ khó thành. Tuy vậy, cũng có những ý kiến khác cho rằng, áp lực về dự trữ ngoại hối sẽ ảnh hưởng tới tỷ giá vào cuối năm nay.
Báo cáo quý I/2011 của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong quý I vừa qua, NHNN đã rất tích cực trong việc triển khai một số biện pháp chỉ đạo điều hành tiền tệ, tín dụng và quản lý ngoại hối, vàng.
Một trong số đó là việc ban hành một số văn bản quy định về cơ chế điều hành lãi suất, phí, ngoại tệ, như Thông tư quy định lãi suất huy động bằng VND của các tổ chức tín dụng (TCTD) không vượt quá 14%/năm; Thông tư quy định tổ chức tín dụng áp dụng lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của tổ chức tín dụng (TCTD) theo từng đồng tiền trong trường hợp tổ chức, cá nhân rút tiền gửi trước hạn; Thông tư quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay là người cư trú.
Song song đó, NHNN đã thực hiện các biện pháp hỗ trợ để quản lý thị trường ngoại hối, tỷ giá và ổn định thị trường vàng qua việc giám sát và theo dõi các TCTD thực hiện lãi suất tiền gửi tối đa bằng USD của tổ chức kinh tế tại TCTD; Thậm chí còn theo dõi và dự báo sát tình hình biến động giá vàng quốc tế, cung - cầu vàng trong nước để có biện pháp kịp thời nhằm ổn định giá vàng. Cũng trong quý I, NHNN đã phối hợp với các bộ, ngành có liên quan kiểm tra , xử lý các trường hợp đầu cơ, găm giữ, kinh doanh trái pháp luật vàng, ngoại tệ.
Dù đã phát huy bằng nhiều biện pháp nhưng qua tổng kết hoạt động một số tình hình tiền tệ, tín dụng, ngoại hối trong quý I/2011, cho thấy tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ quý I đã khá mạnh so với tín dụng bằng VND.
Tính đến hết ngày 16/3/2011, tổng phương tiện thanh toán ước tăng 2,07% so với cuối năm 2010, vốn huy động ước tăng 1,56%, tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 3,67% . Tín dụng bằng VND tăng 1,43%, trong khi đó tín dụng bằng ngoại tệ tăng tới 12,06%.
Cũng theo dữ liệu của NHNN, lãi suất huy động vốn VND ít biến động so với cuối năm 2010 và phổ biến ở mức 13,5-14%/năm, lãi suất cho vay tăng khoảng 1-1,5%/năm và hiện ở mức bình quân là 16,23%/năm, lãi suất cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và xuất khẩu ở mức 14-16%/năm, lĩnh vực phi sản xuất là 18-22%/năm.
Lãi suất huy động USD lại có xu hướng tăng. ãi suất huy động USD bình quân là 4,65%/năm, cho vay là 6,83%. Lãi suất thị trường nội tệ liên ngân hàng trong những ngày giáp Tết Nguyên đán Tân Mão từ 14%-17%/năm, từ đầu tháng 2 giảm và ổn định ở mức 10,5-13%/năm. Trong những ngày cuối Quý I/2011, lãi suất thị trường liên ngân hàng tăng và hiện giao dịch ở mức khoảng 16-18%/năm, chủ yếu kỳ hạn dưới 1 tháng; lãi suất 1 tuần ở mức 18-20%/năm.
Sức nóng âm ỉ của thị trường ngoại hối khó nhận hơn so với sự sôi động của lãi suất thị trường nội tệ, do vậy, mới đây (9/4) NHNN có biện pháp chặn những nguy cơ ảnh hưởng tới kiềm chế lạm phát bằng quyết định điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ đối với các tổ chức tin dụng và áp trần lãi suất huy động tiền gửi USD (có hiệu lực từ ngày 13/4/2011). Theo đó, tỷ lệ dự trữ bắt buộc áp dụng cho tất cả các ngân hàng thương mại (trừ Agribank) với tiền gửi kỳ hạn dưới 12 tháng từ 4% lên 6%, tiền gửi trên 12 tháng từ 2% lên 4%. Đối với Agribank và các quỹ tín dụng nhân dân thì tiền gửi bằng ngoại tệ kỳ hạn dưới 12% là 5%, trên 12 tháng là 3%.
Bước điều chỉnh này góp phần ổn định tỷ giá và tăng dự trữ ngoại hối. Theo quy định mới, nếu trần lãi suất bằng ngoại tệ dưới 3% , thì cuộc đua lãi suất huy động bằng USD đang “nóng” ở mức tới hơn 6%/năm hiện nay sẽ sớm bị chấm dứt . Khi đó, so với lãi suất huy động VND, lãi suất ngoại tệ sẽ mất sức hấp dẫn.
Theo các chuyên gia kinh tế, lượng dự trữ ngoại hối hiện đang tăng lên, do gần đây NHNN đã tăng cường mua ngoại tệ vào. Việc điều chỉnh tăng dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ có khả năng làm giảm sự đầu cơ và nắm giữ ngoại tệ, đồng thời sẽ giúp lượng ngoại tệ trong dân chuyển đổi sang VND nhiều hơn, tạo nguồn USD dịch chuyển mạnh trở lại ngân hàng.
Đây cũng là một trong những biện pháp thắt chặt tiền tệ khi tăng dự trữ bắt buộc sẽ làm giảm tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ. Tuy vậy, động thái thắt chặt này cũng sẽ khiến các ngân hàng thêm khó khăn trong thời điểm cần vốn để kinh doanh như hiện nay. Những ngân hàng có tỷ lệ tín dụng bằng ngoại tệ chiếm tỷ lệ lớn sẽ bị ảnh hưởng mạnh bởi chi phí vốn tăng.
Theo tính toán, hiện nay lãi suất giữa tiền VND và USD chênh lệch khoảng 11%, do vậy đồng USD chỉ hấp dẫn hơn VND khi VND mất giá hơn 11% so với USD trong năm nay. Như vậy,với dự điều chỉnh tăng dự trữ bắt buộc của NHNN, một số chuyên gia đã thay đổi con số dự đoán từ đầu năm, rằng có thể tỷ giá USD vào cuối năm nay khó có thể lên tới hơn 23.000 VND/USD.
Tuy vậy, vẫn còn nhiều dự đoán khác khi căn cứ vào thâm hụt thương mại trong quý I/2011 (âm 3,13 tỷ USD, so với năm 2010). Con số thâm hụt này vẫn là áp lực lớn đối với thị trường ngoại hối.
Theo lãnh đạo Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín, (Sacombank), NHNN Việt Nam đã gắn chặt tốc độ thắt chặt tiền tệ với nỗ lực kiềm chế lạm phát. Với tình hình hiện nay, chu kỳ thắt chặt tiền tệ kỳ vọng sẽ tiếp diễn ít nhất trong suốt quý II và đây là một sự quyết liệt cần thiết để có thể đạt được mục tiêu bình ổn hơn trong trung hạn.
Tuy nhiên, dưới một góc nhìn ngắn hạn hơn, có thể quan sát thấy tác dụng phụ , khi NHNN nhanh chóng vắt kiệt thanh khoản của hệ thống liên ngân hàng, tạo nên sự biến dạng trên thị trường tiền tệ với mức lãi suất dừng ở mức 20-22%. Những căng thẳng kết hợp với chi phí vay cao hơn rõ ràng đang gây áp lực lớn hơn đối với ngân hàng.
Đồng quan điểm này, có ý kiến nhận định, nếu căn bệnh kinh niên về thâm hụt thương mại chưa được giải quyết, khả năng nhu cầu cần ngoại tệ tăng mạnh vào cuối năm sẽ gây áp lực tăng tỷ giá.