Theo báo cáo và kiến nghị của Bộ TN&MT trình Chính phủ thì 10 năm qua (từ năm 2001 đến nay), tại Hà Nội và TP.HCM có 333 nghìn căn hộ chung cư và nhà liền kề được phê duyệt xây dựng, trong đó các chủ đầu tư (CĐT) đã bán đến tay người dân khoảng 99,9%. Tuy nhiên, chỉ có 19,3% người mua nhà được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà và tài sản kèm theo. Riêng tại Hà Nội, tỷ lệ này còn thấp hơn nhiều lần, chỉ đạt 9,3%. Vậy nguyên nhân của sự chậm trễ này từ đâu?

Cuối năm dân chung cư ngóng sổ đỏ


Chủ đầu tư chối bỏ trách nhiệm


Nguyên nhân của tình trạng chậm trễ này phần lớn do các CĐT sau khi đã nhận đủ tiền của người mua thì đem con bỏ chợ, mặc kệ người dân chịu thiệt thòi. Qua kiểm tra của Bộ TN&MT tại 9 dự án ở Hà Nội thì CĐT đã bàn giao giấy tờ cho 557 chủ căn hộ (chiếm 26,4% số căn hộ đã bán) và nộp hồ sơ cho 710 trường hợp (chiếm 23,7%). Tại KĐT Ciputra (Tây Hồ, Hà Nội), dù CĐT - Cty Phát triển đô thị Nam Thăng Long đã hoàn thành chuyển nhượng 640 căn nhà liền kề và 1.050 căn chung cư song DN này mới hoàn thành giấy tờ cho 354 căn liền kề trong số 390 căn ở giai đoạn 1. Còn lại 386 căn liền kề và hơn 1.000 căn vẫn chưa có giấy chứng nhận.


Hay dự án nhà chung cư, tái định cư và trung tâm thương mại tại địa chỉ số 14 ngõ 376 đường Bưởi (Ba Đình), CĐT đã tăng thêm 155m2 diện tích xây dựng, xây vượt 3 tầng so với giấy phép; Dự án chung cư kết hợp văn phòng, dịch vụ tại 101 Láng Hạ thì chưa thực hiện thủ tục chuyển mục đích và chưa nộp tiền sử dụng đất đã triển khai xây dựng và bán nhà ở; Dự án khu nhà ở Đại Mỗ thấp tầng (Đại Mỗ, Từ Liêm) CĐT phân chia diện tích lô không đúng với quy hoạch, diện tích xây dựng cũng không đúng với giấy phép đã được cấp (vượt từ 32 - 56m2/căn)...


Đã 4 năm qua, gia đình chị Nguyễn Thu Hương mua căn hộ chung cư số 807 toà nhà A2 tại 151A Nguyễn Đức Cảnh - Hà Nội đỏ mắt chờ sổ đỏ. Chờ mãi không được, gia đình đã tìm đến CĐT thì mới hay sau khi bán xong hàng trăm căn hộ, CĐT đã giải thể, bán cổ phần cho DN khác. Tìm đến pháp nhân mới, chị Hương nhận được câu trả lời: “Chúng tôi không biết”. Khi liên hệ với Q.Hoàng Mai - Văn phòng đăng ký đất nhà, chị Hương mới hay do sai phạm của CĐT trong chuyển nhượng dự án nên căn hộ của chị chưa đủ điều kiện làm sổ đỏ mặc dù chị đã nộp đầy đủ các khoản tiền cho CĐT và thuế.


Các vi phạm trên bằng cách nào đó đã “qua mắt” được cơ quan chức năng trong suốt cả thời gian dài thực hiện, để đến khi đã bán nhà ở cho người dân mới “lòi” ra hàng loạt vi phạm. Lúc đó CĐT tiền đã nhận đủ, nên cũng chẳng vội vàng gì trong việc làm thủ tục. Thậm chí dù không vướng mắc gì thì một số CĐT cũng chậm trễ trong việc nộp hồ sơ để làm thủ tục cho người mua.


Người dân lãnh đủ


Chậm cấp sổ đỏ tại Hà Nội không phải là chuyện mới nhưng khi số căn hộ không được cấp sổ lên tới cả chục vạn căn thì đó là con số báo động. Một giám đốc Trung tâm môi giới BĐS tại Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết: Mỗi ngày trung tâm nhận được hàng chục trường hợp nhờ đăng ký giấy tờ nhà với giá trên dưới 20 triệu đ/căn. Mỗi CĐT làm nhiều dự án khác nhau nên thường khá bận rộn, dự án này chưa làm xong đã lo chạy vạy làm dự án khác. Vì vậy, họ ít quan tâm đến trách nhiệm hoàn tất thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cho khách hàng. Mặc dù, biết thiệt thòi nhưng người dân ít nghĩ đến chuyện kiện CĐT vì sợ phiền hà, rắc rối. Nhưng cũng có nhiều trường hợp, lỗi cũng thuộc về khách hàng. CĐT muốn làm sổ hồng, nhưng lại không thể liên lạc được với chính chủ hợp đồng, do nhà đã buôn bán trao tay hoặc mua để đó nhưng không ở.


Theo đánh giá của Bộ TN&MT, tiến độ cấp giấy chứng nhận còn quá chậm, kết quả cấp giấy chứng nhận đạt thấp, thời gian thực hiện thủ tục thường vượt quá quy định. Chủ yếu do tình trạng vi phạm quy định về quản lý đất đai, quản lý xây dựng trong quá trình thực hiện dự án. Tình trạng mua đi bán lại nhà ở các dự án rất lớn nhưng không làm theo thủ tục quy định tạo nên thị trường ngầm ngoài kiểm soát của nhà nước, gây khó khăn phức tạp cho việc cấp giấy chứng nhận và nguy cơ tiềm ẩn gây tranh chấp nhà ở sau này và cuối cùng người mua vẫn phải chịu nhiều rủi ro.


Ông Trần Viết Ngôn - Phó chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội: Hiện tại ở Hà Nội phổ biến nhất là tình trạng CĐT xây dựng không đúng số tầng, số căn hộ theo thiết kế được duyệt; phân chia diện tích lô không đúng với quy hoạch hoặc xây dựng nhà vượt diện tích so với giấy phép; chuyển đổi mục đích sử dụng tầng hầm hoặc thay đổi công năng, vị trí phòng sinh hoạt cộng đồng. Bên cạnh đó, nhiều CĐT chưa làm xong thủ tục pháp lý về đất đai nhà ở nhưng đã xây dựng và bán xong nhà ở nên không đủ căn cứ để cấp giấy chứng nhận.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn - Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho hay, theo Quyết định số 23 của UBND TP Hà Nội, tại các dự án ĐTM, CĐT phải có trách nhiệm hoàn tất thủ tục pháp lý làm sổ hồng, sổ đỏ cho người dân. Việc mua bán chung cư là giao dịch dân sự giữa người bán và người mua nên phải căn cứ vào hợp đồng. Cũng có trường hợp CĐT không làm đúng cam kết trong hợp đồng, để người dân phải chịu nhiều thiệt thòi. Trong trường hợp đó, người dân có thể gửi kiến nghị lên Sở Xây dựng Hà Nội. Sở sẽ yêu cầu CĐT và đề nghị UBND cấp địa phương hỗ trợ công tác cấp sổ hồng, sổ đỏ cho người dân.
Theo Hiệp Bắc (Báo Xây dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.