Không còn sốt vàng, cũng không còn cảnh người dân vác bao tải tiền đi mua vàng, rồi xếp hàng rồng rắn trước các cửa hàng vàng. Nhu cầu mua vàng của người dân vẫn có, vì đây là hoạt động bình thường, nhưng sức cầu không lớn, nên không tạo ra những cơn sốt như trước đây.

Những năm trước đây, cứ đến khoảng thời gian cuối năm Dương lịch, trước Tết Nguyên đán, giá vàng thế giới lại liên tục tăng, trong khi thị trường vàng trong nước chưa được kiểm soát nên sức nóng của thị trường vàng được đẩy lên khá cao. Giá vàng lên, người đi mua lại càng nhiều, phản ứng “không giống ai” đó của người dân khiến cầu lớn hơn cung – thị trường vàng càng nóng.


Ảnh minh họa

Ngoài tâm lý kỳ vọng giá vàng còn tăng nữa (nên họ tích cực mua vào) thì dịp cuối năm bao giờ cũng là thời điểm người Việt Nam quan tâm tới vàng. Có người mua vì muốn “quy“ một phần khoản tích cóp cả năm thành vàng làm của để dành, phòng thân; lại có người mua vàng vì muốn đánh quả, đầu cơ chờ giá lên kiếm lời.

Phong tục mua sắm của nguời Việt Nam xưa gắn liền với câu “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” nay, có lẽ đã đổi thành “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vàng” để mô tả về sự quan tâm tới vàng có phần thái quá của nhiều người.

Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và NHNN khi ban hành hai Nghị định là Nghị định 95/2011/NĐ-CP về xử phạt hành chính lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng; và Nghị định 24/2012/NĐ-CP (Nghị định 24) thay thế Nghị định 174/1999/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng, ngoài tác động trực tiếp là dần thiết lập trật tự thị trường, thì còn tác động đến tâm lý nắm giữ vàng của người dân.

Về khách quan, một phần cũng do những năm trước, nền kinh tế tăng trưởng khá, các ngân hàng, DN đang “thịnh”, thu nhập, lương thưởng nhiều nên người dân có nhu cầu mua vàng vào cuối năm nhiều. Còn năm nay, kinh tế khó khăn hơn, DN sản xuất cầm chừng... Nhiều ngân hàng, DN thay vì công bố tiền thưởng tết lại gửi “tâm thư” cho nhân viên về việc không có thưởng Tết.

Chính vì thế nhu cầu về vàng dịp cuối năm dự báo không cao. Bên cạnh đó, khoảng cách giữa giá vàng thế giới và giá vàng trong nước đang ở mức khá cao nên mua vàng vào thời điểm này khá rủi ro.

Mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng khẳng định, trong Nghị định 24 không đặt vấn đề giá vàng trong nước và giá vàng thế giới phải sát nhau, mà đặt vấn đề bình ổn thị trường vàng. Bình ổn phải hiểu dưới góc độ kinh tế vĩ mô. “Nếu chúng ta đặt lại vấn đề giá vàng trong nước phải sát với giá vàng thế giới, thì những thành công của Nghị định 24 trong thời gian qua mặc nhiên bị xóa sạch”, Thống đốc nhấn mạnh.

Không còn sốt vàng, cũng không còn cảnh người dân vác bao tải tiền đi mua vàng, rồi xếp hàng rồng rắn trước các cửa hàng vàng. Nhu cầu mua vàng của người dân vẫn có, vì đây là hoạt động bình thường, nhưng sức cầu không lớn, nên không tạo ra những cơn sốt như trước đây.

Vậy ai mua vàng, mà chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới cao vậy? Thống đốc cho biết, các TCTD đang phải mua vàng vào để tất toán trạng thái vàng của mình đúng thời hạn NHNN yêu cầu. Như vậy, còn nhu cầu, mà đây là cầu lớn thì chênh lệch giá vàng thế giới và trong nước còn cao, nhưng sẽ giảm nhanh trong thời gian tới.

Đại diện phòng kinh doanh của Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI cũng cho biết, thị trường vàng có sôi động trong vài ngày qua. Nói chung khách hàng có nhu cầu mua vàng nhiều hơn bán. Song khách đến cửa hàng cũng lẻ mẻ, mua lắt nhắt vài ba chỉ, hoặc mua vàng trang sức để làm quà tặng, trang sức trong cưới hỏi...

Theo Chí Kiên (TBNH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.