Theo cơ chế “danh sách trắng dự án”, chính quyền 35 thành phố trên khắp Trung Quốc đang chuẩn bị giới thiệu cho các ngân hàng những dự án nhà ở cần hỗ trợ tài chính. Các nhà phát triển đang gặp khó khăn hy vọng cơ chế mới sẽ hiệu quả khi một số dự án của họ được đưa vào danh sách trắng.
Cơ chế này được thiết kế để đẩy nhanh việc cấp vốn vay cho dự án nhà ở từ các ngân hàng. Thông qua đó, Bắc Kinh muốn tăng cường nỗ lực để giảm bớt tình trạng thắt chặt thanh khoản trong lĩnh vực nhà đất và thúc đẩy niềm tin của người mua nhà. Theo báo cáo, giá nhà mới tại Trung Quốc trong tháng 12/2023 đã giảm mạnh nhất trong gần 9 năm.
Tuy nhiên, biện pháp hỗ trợ tài chính mới nhất này có thể khó thành công do các ngân hàng miễn cưỡng cấp tín dụng mới cho các công ty bất động sản đang gặp khó khăn. Nhiều ngân hàng lo ngại điều này sẽ tác động xấu đến chất lượng tài sản của họ.
Quyết định thanh lý tài sản của tập đoàn bất động sản China Evergrande Group mà tòa án Hồng Kông đưa ra trong tuần này cũng làm mờ thêm triển vọng về doanh số bán nhà và gia tăng sự thận trọng của các ngân hàng.
Một nhà quản lý cho vay doanh nghiệp tại một ngân hàng cổ phần cho biết các ngân hàng sẽ ưu tiên kiểm soát rủi ro theo cơ chế “danh sách trắng dự án” mới thay vì đưa “các khoản nợ xấu đáng kể” vào sổ sách của họ.
Người quản lý này cho biết, các dự án dân cư được ưu tiên nhận hỗ trợ tài chính trong danh sách trắng hầu hết đang được phát triển bởi các doanh nghiệp nhà nước. Chúng được coi là ván cược an toàn hơn với các ngân hàng nhờ túi tiền dồi dào của các doanh nghiệp này.
Số lượng các dự án nhà ở chưa hoàn thành tại Trung Quốc rất lớn. Tập đoàn tài chính Nomura ước tính có 20 triệu căn nhà đã được bán theo hình thức nhà ở hình thành trong tương lai nhưng chưa được khởi công hoặc đang xây dựng dở dang, với mức kinh phí thiếu hụt là 3.200 tỷ Nhân dân tệ.
Chính quyền Trung Quốc trong năm 2023 đã liên tục kêu gọi các ngân hàng gia hạn các khoản vay “hợp lý” cho các nhà phát triển sau một loạt các vụ vỡ nợ.
Tuy nhiên, theo Reuters, những nỗ lực trên không đạt được nhiều thành công trong việc xoa dịu cuộc khủng hoảng nợ bắt đầu vào năm 2021.
Việc các ngân hàng Trung Quốc không muốn nới rộng tín dụng mới cho lĩnh vực bất động sản đang suy yếu xuất hiện cùng lúc với thất bại trong việc thanh lý tài sản tại Evergrande, cho thấy sự thất vọng của nhà đầu tư nước ngoài trước mức nợ của Trung Quốc và khiến các nhà phát triển của quốc gia này bị loại khỏi thị trường cho vay toàn cầu.
Dữ liệu từ ngân hàng trung ương Trung Quốc cho thấy, các khoản cho vay phát triển bất động sản ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tăng 1,5% so với cùng kỳ lên 12.880 tỷ Nhân dân tệ vào cuối năm 2023, so với 3,7% một năm trước đó.
“Chúng tôi đang cố gắng tránh các dự án bất động sản”, một giám đốc tại chi nhánh ngân hàng quốc doanh ở tỉnh Hà Bắc, cho biết.
Thậm chí, người này cho biết các dự án khu dân cư nằm trong danh sách trắng do chính quyền thành phố biên soạn chỉ mang tính chất tham khảo, còn các ngân hàng sẽ tự đánh giá và xác định số tiền cho vay, nếu có.
Bên cạnh các doanh nghiệp nhà nước, một số dự án nhà ở nằm trong danh sách trắng được công khai cho đến nay đều được triển khai bởi các nhà phát triển tư nhân có nền tảng tài chính lành mạnh.
Cơ quan quản lý nhà ở của thành phố Trùng Khánh ở phía Tây Nam Trung Quốc cho biết, danh sách trắng đầu tiên của họ bao gồm 314 dự án, với tổng số vốn cần thiết là 83 tỷ Nhân dân tệ và 22 tổ chức tài chính tham gia.
Những dự án này bao gồm các khu dân cư của các nhà phát triển tư nhân Longfor Group và Huayu Group, cũng như China Vanke do nhà nước hậu thuẫn. Chính quyền thành phố không nêu tên các tổ chức tài chính có liên quan.
Trả lời yêu cầu bình luận của Reuters, Longfor cho biết họ sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để thực hiện cơ chế tài trợ và giữ cho hoạt động của mình “ổn định”.
Giám đốc điều hành tại một nhà phát triển tư nhân lớn đang vỡ nợ cho biết các dự án bất động sản của họ cũng đã được đưa vào danh sách trắng đầu tiên của Trùng Khánh, cùng với một số công ty cùng ngành khác vốn đang gặp khó khăn.
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu công ty này có nhận được hỗ trợ tài chính từ các ngân hàng hay không mặc dù có tên trong danh sách.
Các nhà phát triển khác cho biết họ đã cố gắng đăng ký tất cả các dự án đủ điều kiện của mình với chính quyền thành phố địa phương kể từ khi chính sách này được công bố vào ngày 26/12.
Các nhà phát triển và nhà đầu tư cho biết mọi khoản vay phát triển nhà ở được cấp chỉ có thể được sử dụng để đảm bảo hoàn thành những dự án đã chọn, chứ không thể giúp công ty trả các khoản nợ khác và lấy lại sự ổn định tài chính.
Li Gen, Chủ tịch Trung tâm quản lý quỹ tư nhân Beijing G Capital, một công ty chuyên đầu tư tín dụng, cho biết biện pháp mới nhất chưa thể nâng cao tâm lý thị trường.
Ông nói: “Việc ban hành các chính sách từng phần như trên đang đẩy nhiều người (nhà đầu tư) ra bên lề. Họ sẽ chờ đợi các biện pháp tốt hơn được thực hiện trong tương lai. Do đó, những chính sách này không thúc đẩy mọi người quay trở lại đầu tư vào bất động sản ngay ở thời điểm hiện tại”.
“Chúng tôi vẫn cho rằng Trung Quốc là một thị trường năng động và kiên cường, nhưng chính phủ cần có chính sách kích thích mạnh mẽ và triệt để để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư”.
-
Bất động sản Trung Quốc có thể gây thiệt hại tới 4.000 tỷ USD cho ngành ngân hàng
Khủng hoảng bất động sản Trung Quốc đang cho thấy tác động tiêu cực lớn hơn lên hệ thống tài chính quốc gia, bao gồm cả các ngân hàng chính thức và ngân hàng ngầm.
-
Thêm nhà phát triển bất động sản hàng đầu Trung Quốc trên bờ vực vỡ nợ
Cuộc khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc sắp bước sang năm thứ 5, nhưng rắc rối nợ nần của các doanh nghiệp có vẻ vẫn ngày càng chồng chất. Trái phiếu đồng USD của các công ty địa ốc đang bị giảm sâu trên thị trường, việc phát hành nợ mới trở nên...
-
Trung Quốc đẩy mạnh hỗ trợ tỷ giá nhân dân tệ dưới sức ép từ đồng USD
Theo Nikkei Asia Review, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) vừa phát tín hiệu về việc tăng cường hỗ trợ nhân dân tệ để ngăn đà suy yếu nhanh của đồng tiền này sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự báo giảm lãi suất ít hơn trong năm 2025 khiến ...
-
Thái Lan trở thành điểm nóng của các nhà đầu tư bất động sản Trung Quốc
Người Trung Quốc là những nhà đầu tư nước ngoài có nhiều giao dịch bất động sản nhất tại Thái Lan, chiếm gần 46% tổng số căn hộ chung cư do người nước ngoài đã mua vào năm 2023.