Sau nửa năm trì trệ dường như tín dụng đang tăng tốc trở lại
Tăng tốc
Ông Nguyễn Tiến Đông - Vụ Trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế cho biết tại hội thảo “Tăng trưởng tín dụng các ngân hàng thương mại Việt Nam hiện nay - Thực trạng và giải pháp”, tính đến cuối tháng 8/2014, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam đạt 5,82% so với cuối năm 2013. Tuy nhiên, ông Đông cũng cho rằng tăng trưởng tín dụng trong 8 tháng như vậy là chưa đạt như kỳ vọng, vẫn còn khá khiêm tốn chứng tỏ tín dụng vẫn chưa được khơi thông trong nền kinh tế.
Con số 5,82% xem ra vẫn còn thấp so với mục tiêu mà hệ thống ngân hàng đặt ra đến cuối năm là 12-14%. Tuy nhiên nếu so với con số 4,17% hồi của tháng 7 thì đây là một sự tăng trưởng đáng kể. Con số này càng có ý nghĩa nếu so với con số chỉ khoảng 1% vào 5 tháng đầu năm. Như vậy, sau nửa năm trì trệ dường như tín dụng đang tăng tốc trở lại.
Trong thời gian qua tín dụng tăng trưởng thấp bất chấp lãi suất cho vay doanh nghiệp hiện nay dao động khoảng 10%/năm đối với vay ngắn hạn và 12%/năm cho các kỳ vay trung hạn. Trong khi đó nhiều nhà băng còn đẩy mạnh chương trình cho vay ưu đãi để “kích” doanh nghiệp vay vốn với lãi suất thậm chí còn ở mức 0%. Trung bình lãi suất cho vay hiện nay được xem là mức lãi suất thấp nhất trong lịch sử ở Việt Nam.
Bên cạnh việc hạ lãi suất thì các nhà băng cũng không ngừng nỗ lực tiếp cận khách hàng bằng cách tung ra các gói lãi suất thấp được tiếp thị một cách khá rầm rộ. Điển hình trong số đó là Sacombank dành 2.500 tỷ đồng cho vay ưu đãi đối với khách hàng doanh nghiệp trong các lĩnh vực xuất nhập khẩu, nông lâm thủy sản, dược phẩm, y tế…. Ngoài ra, ngân hàng này cho biết hay họ đã triển khai tổng cộng 12 gói cho vay ưu đãi trị giá 16.990 tỷ đồng và 170 triệu USD dành cho các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau trên cả nước.
Các ngân hàng như HDBank cũng đưa ra gói tín dụng 5.000 tỷ đồng lãi suất 6,7 - 7,79%/năm; VietA Bank dành 500 tỷ đồng lãi suất 7,5%/năm cho doanh nghiệp có nhu cầu sản xuất - kinh doanh trong mùa cuối năm. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng cũng tung ra các gói cho vay tiêu dùng cá nhân từ cho vay từ mua nhà, mua xe thậm chí đến cho vay sửa nhà, lo cho đám cưới và cả vay để chuẩn bị sinh con.
Có thể nói tiền ngân hàng trong giai đoạn này đang chạy hết tổng lực để đi vào từng ngóc ngách của người tiêu dùng. Mục tiêu cũng cốt yếu sao cho đẩy mạnh dòng tín dụng vốn đang dư thừa trong hệ thống.
Về đích?
Số liệu từ báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm, các ngân hàng như Vietcomank, BIDV, MBB, Sacombank, Techcombank đều có tổng huy động tăng trưởng trên 10%, hoặc như SHB còn tăng trưởng hơn 20%. Trong khi đó tăng trưởng cho vay của phần lớn ngân hàng là đều khá thấp. Chẳng hạn như Vietinbank tăng trưởng cho vay nửa đầu năm chỉ đạt 0,45%, BIDV là 3,97%, ACB là 3,32%... thậm chí như Eximbank còn âm 3,69%.
Nhiều lãnh đạo ngân hàng cũng than thở họ không phải không muốn cho vay nhưng nhiều khi còn “đốt đuốc tìm doanh nghiệp để cho vay”. Bởi lẽ đơn giản là doanh nghiệp không còn hăng hái vay vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh nữa.
Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng, trong thời buổi hiện nay những doanh nghiệp làm ăn có lãi đang trở thành những khách hàng rất “chảnh”. Trong khi đó, thành phần không nhỏ còn lại là nhóm doanh nghiệp đang gặp khó khăn và đang mắc kẹt với nợ xấu, tệ hơn là những doanh nghiệp đã “chết lâm sàng”.
Đối với những doanh nghiệp tốt để cho vay thì rõ ràng các nhà băng phải săn đón họ nhưng không phải lúc nào họ cũng có nhu cầu vay vốn. Còn đối với doanh nghiệp đang khó khăn có nhiều nợ xấu thì nhu cầu chính của họ là “đảo nợ” chứ ít có nhu cầu vay mới. Ngay cả khi có nhu cầu thì các ngân hàng cũng rất e dè cho vay. Tiến sĩ Trần Du Lịch cũng cho rằng nếu không giải quyết tốt vấn đề nợ xấu về lâu sẽ là điểm nghẽn khiến nền kinh tế không hấp thu được vốn. Điều này đồng nghĩa với tín dụng khó tăng trưởng trong thời gian tới.
Đầu năm 2014, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng từ 12-14%. Để hoàn thành mục tiêu này thì trong 4 tháng cuối năm mỗi tháng tín dụng phải tăng được 2%. Nhiều chuyên gia cho rằng trong bối cảnh hiện nay đây dường như là một “nhiệm vụ bất khả thi”. Tuy nhiên, có người lạc quan thì cho rằng tín dụng vẫn có thể cán đích một cách đầy bất ngờ như năm 2013.
Còn nhớ, mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2013 là 12% nhưng theo thông tin chính thức từ NHNN thì đến tận ngày 20/11/2013 tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt 7,21%. Vào thời điểm đó phần lớn chuyên gia đều cho rằng tăng trưởng tín dụng không thể “về đích”. Tuy nhiên, thật bất ngờ là vào những ngày cuối tháng 12, tăng trưởng tín dụng được thông báo đạt trên 10, rồi chỉ mấy ngày cuối tháng con số tăng trưởng tín dụng được thông báo hàng ngày và cuối cùng đạt 12,52% vào những ngày cuối cùng của năm.
Trở lại với vấn đề tín dụng năm 2014, hiện nay lãi suất huy động đã giảm dần để tiến đến giảm lãi suất cho vay. Đây được xem là một động thái tích tích cực để những doanh nghiệp lên kế hoạch vay vốn. Tại một hội thảo khi bàn về tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại, đại diện Ngân hàng Vietinbank cho rằng mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12-14% không phải không có cơ sở để thực hiện. Theo quy luật thị trường, tín dụng thường tăng trưởng rất mạnh và nhanh trong những tháng cuối năm cùng với các giải pháp hỗ trợ lãi suất, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp của các ngân hàng thương mại.
Như vậy, cuộc đua tăng trưởng tín dụng đang đến hồi gây cấn. Thời gian từ nay đến cuối năm chỉ còn lại 1/4 nhưng quảng đường còn lại lên đến 1/3. Việc cán đích đúng thời hạn sẽ rất khó khăn nhưng không phải là điều không thể. Tuy nhiên, điều quan trọng mà nhiều người băn khoăn không phải là “đích đến” mà là “chất lượng” của cuộc đua.