Tăng trưởng cung tiền (M2) của Việt Nam trong những năm qua luôn ở mức cao so với mức tăng trưởng GDP thực nền kinh tế. Độ chênh lệch giữa 2 biến số ngày càng tăng cao trong đại dịch COVID-19 và những tác động nghiêm trọng của nó đến hoạt động sản xuất kinh doanh, thị trường. Chính sách mở rộng cung tiền cần được cân đối ra sao với tăng trưởng GDP và biến số lạm phát tới đây, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trao đổi với Tiến Sĩ Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài Chính).
Tiến Sĩ Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài Chính)
- Xin ông cho biết, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng cung tiền của Việt Nam ở mức cao hơn so với mức tăng trưởng GDP thực của nền kinh tế?
TS. Nguyễn Đức Độ: Có thể thấy, Chính phủ hằng năm luôn đưa ra mục tiêu tăng trưởng tương đối cao đối với nền kinh tế, chẳng hạn như kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016 -2020 là 6,5 -7%. Trong những năm tới, cũng sẽ đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn nữa, như vậy, Ngân hàng Nhà Nước phải cố gắng duy trì lãi suất thấp, điều này dẫn đến cung tiền tăng lên.
Về bản chất, việc tăng cung tiền thì tiền sẽ chảy vào nền kinh tế gây ra lạm phát và chảy vào tài sản, làm cho giá tài sản tăng cao. Chính vì thế, con số tăng trưởng cung tiền mức 14-15% một phần là do mục tiêu tăng trưởng của chúng ta đặt ở mục tiêu cao.
Nhìn lại, có một thời gian do nợ công của Việt Nam cao khi Chính phủ phát hành trái phiếu, các ngân hàng thương mại mua trái phiếu và Ngân hàng Nhà nước lại mua lại trái phiếu đó. Nếu Chính phủ không tăng cung tiền thì lãi suất trái phiếu sẽ tăng và gây khó khăn cho việc trả nợ.
- Điều này sẽ tạo ra tác động như thế nào, thưa ông?
Tăng trưởng cung tiền quá cao thì không ổn vì sẽ gây ra lạm phát và có thể tạo ra bong bóng tài sản, nhưng nếu cung tiền tăng trưởng quá thấp thì sẽ kìm hãm nền kinh tế phát triển. Còn tùy thuộc vào từng giai đoạn, bối cảnh của đất nước nhưng về lâu dài, tăng trưởng cung tiền sẽ tương đương với tốc độ tăng trưởng kinh tế thực cộng với lạm phát.
Tuy nhiên, cung tiền đã chảy vào GDP và có nhiều yếu tố như tăng trưởng thực khoảng 6- 6,5 %, lạm phát khoảng 3,5- 4 %, cộng lại đã là 10%, số còn lại sẽ chảy vào các thị trường tài sản như thị trường trái phiếu, cổ phiếu, thị trường bất động sản,... Đó là câu chuyện về lâu dài, còn có những thời điểm có thể cao hơn hoặc thấp hơn, không duy trì con số 14-15% vì không phù hợp, dễ dẫn đến lạm phát cao.
Nếu như lạm phát mỗi năm 3% thì phải có một lượng tiền chảy vào thị trường tài sản và thị trường tài sản tăng tương ứng, nhưng nếu tăng nhiều thì thị trường tài sản sẽ tăng mạnh hơn. Điều này tốt hay xấu là rất khó đánh giá, bởi trước đây, Việt Nam đã có những thời kỳ nợ xấu mãi không giải quyết được do giá tài sản xuống thấp. Những năm gần đây, giá tài sản tăng lên, người đi vay có thể bán tài sản để thu tiền trả nợ thì nợ xấu mới giảm đi.
Nhưng nếu giá tài sản tăng quá mạnh, người dân giàu lên một chút sẽ tăng chi tiêu, doanh nghiệp sản xuất tốt lên, nhưng giá tài sản tăng quá thành bong bóng thì nó nổ và sinh ra nợ xấu. Đây thực sự là một vòng tuần hoàn và mọi thứ đều có giới hạn, nhất là trong giai đoạn khủng hoảng như hiện nay. Tuy nhiên, nếu không có tiền thì không thể có bong bóng được.
-Theo ông, Chính phủ nên có chính sách điều hành ra sao để đưa các chỉ số về mức hợp lý?
Để phù hợp, chúng ta còn cần phụ thuộc vào bối cảnh kinh tế và về lâu dài, lãi suất phải đảm bảo thực dương. Trước tình hình suy thoái kinh tế như giai đoạn COVID-19 vừa qua, nếu duy trì mức lãi suất cao thì nhiều doanh nghiệp không chịu nổi, nên Chính phủ phải hạ lãi suất, để giảm gánh nặng tài chính và khuyến khích đầu tư cho đến khi tình hình ổn định trở lại.
Trong năm 2021, NHNN định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 12%; mức tăng trưởng tín dụng khoảng 12% và sẽ được điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Hiện nay, quý 1, tăng trưởng của Việt Nam vẫn thấp vì đợt COVID-19 hồi đầu năm, sang quý 2 dự báo sẽ khả quan hơn. Nếu Chính phủ thấy tăng trưởng tương đối ổn định và triển vọng kinh tế thế giới tốt thì sẽ để lãi suất tăng lên một chút.
Về điều hành chính sách, GDP vẫn là quan trọng nhất, nếu lạm phát mà tăng nhanh, Ngân hàng Nhà nước sẽ nâng lãi suất. Nhưng theo tôi, trong nửa đầu năm nay, lạm phát chưa tăng nhanh vì kinh tế cũng chưa phục hồi hoàn toàn, tuy nhiên vẫn có thể có một số ngân hàng sẽ tăng nhẹ lãi suất trong giai đoạn này.
Có nhiều tín hiệu khả quan cho tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021 khi thế giới đã phổ biến vắc xin, không còn áp dụng giãn cách xa hội, việc thông thương được đảm bảo. Đồng thời, trong nước cũng phòng chống dịch tốt, nên không quá ảnh hưởng đến nền kinh tế, mức tăng trưởng 6% là có thể đạt được.
Xin cảm ơn ông!
-
Vì sao sau khi vừa tăng các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất huy động?
CafeLand - Trong 1 tuần vừa qua, hàng chục ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất huy động sau khi vừa tăng vào tuần trước đó. Phần lớn các ngân hàng đều giảm từ 0,1 - 0,2 % điểm.