Sửa đổi thiết kế, chuyển căn hộ to thành căn hộ nhỏ; rồi thay vì bán nay chuyển qua cho thuê…, giới địa ốc đang tìm mọi cách để tồn tại qua khủng hoảng.

“Cùng tắc biến” với thị trường bất động sảnTheo đó, thay vì phổ biến các căn hộ “Penthouse” (biệt thự trên cao), nhiều chủ đầu tư bắt đầu thay đổi chiến lược khi yêu cầu thiết kế lại dự án theo hướng làm cho căn hộ có diện tích nhỏ hơn so với thiết kế trước đây.


Các dự án cao cấp có diện tích căn hộ trên 100m2, nay điều chỉnh xuống còn 70 - 80m2 để phù hợp với sức mua của thị trường. Tuy nhiên, việc thay đổi này có thể khiến chủ đầu tư phải chấp nhận mất một số diện tích sàn thương mại, nhưng bù lại căn hộ sẽ có tính thanh khoản cao hơn. “Chúng tôi phải chấp nhận giảm lợi nhuận từ những tiện ích khi thay đổi thiết kế”, một chủ đầu tư chia sẻ.


Tại Hà Nội, trên thực tế đã có một số dự án được điều chỉnh thiết kế. Ví dụ, Trung tâm thương mại và căn hộ The Pride, tại Khu đô thị mới An Hưng, quận Hà Đông, do Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát làm chủ đầu tư. Hiện hầu hết các căn hộ tại The Pride đã được chủ đầu tư xin điều chỉnh từ loại 2 - 3 phòng ngủ xuống 1 - 2 phòng ngủ. Với tổng mức đầu tư dự kiến 3.260 tỷ đồng, dự án sẽ cung cấp khoảng 1.668 căn hộ.


Theo TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, việc chia nhỏ căn hộ trong các dự án là một trong những giải pháp có thể giúp thị trường thoát khỏi khó khăn, tăng tính thanh khoản, đặc biệt là trong thời điểm thị trường BĐS đang ảm đạm như lúc này. Ông Liêm cho biết, hai năm trước đây, chính ông là người nêu ý tưởng nên chia nhỏ căn hộ. “Tôi nghĩ không phải tất cả thị trường đều ế ẩm, mà chỉ phân khúc nhà cao cấp mới khó bán khi kinh tế khó khăn, chứ nếu chuyển sang phân khúc nào nhiều khách hàng tiêu thụ, hay hạ giá bán, hạ mức lợi nhuận đặt ra trước đó thì thị trường sẽ lại có thanh khoản", ông Liêm, cho hay.


Về phía nhà đầu tư, thấy được ý tưởng nhưng quá trình triển khai không phải thực sự dễ dàng. Ông Nguyễn Văn Kha, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Phát triển Đô thị Từ Liêm, cho biết doanh nghiệp mong muốn được điều chỉnh thiết kế dự án để có những sản phẩm phù hợp với người tiêu dùng hơn, nhưng hiện rất khó khăn, có khi 3 - 4 năm không thực hiện được.


Trong khi đó, trước xu hướng là thích thuê nhà để có thể dễ dàng thay đổi chỗ ở theo nhu cầu của công việc của nhóm khách hàng trẻ tuổi, nhiều doanh nghiệp cũng đã chuyển hướng sang làm căn hộ dịch vụ, căn hộ cho thuê.


Điển hình như Công ty cổ phần Quốc tế C&T đã thuê một khu đất trên đường Cộng Hòa, quận Tân Bình triển khai một dự án xây 318 căn hộ có diện tích từ 30 - 65m2 được cho thuê với 2 hình thức thanh toán là trả tiền trước khi giao nhà và thuê trả tiền sau nhưng đóng tiền theo quý.


Và tại Bình Dương, dự án IJC Aroma do Công ty Becamex IJC làm chủ đầu tư cũng hướng đến đối tượng khách thuê là các chuyên gia đang làm việc tại Bình Dương, nhưng hiện đang phải thuê nhà ở TP.HCM. Phân khúc này ở Bình Dương có tiềm năng lớn bởi nhu cầu rất cao với khoảng 15.000 chuyên gia và nhà đầu tư đang làm việc tại đây.

Theo N.Trang – P. Diệp (PLVN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.