Phối cảnh Dự án Khu du lịch sinh thái Biển Rạng - Chu Lai (Quảng Nam)
Số phận Dự án Khu du lịch sinh thái Biển Rạng - Chu Lai (Quảng Nam) cuối cùng đã được định đoạt: chấm dứt đầu tư. Quyết định này đã được đưa ra sau buổi làm việc giữa Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai và nhà đầu tư Philand Việt Nam (Mỹ) cách đây ít ngày.
“Nhà đầu tư đã không thể đưa ra những lý do thuyết phục về việc bao giờ tiếp tục triển khai Dự án”, ông Đỗ Xuân Diện, Phó trưởng ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai cho biết.
Nhận giấy chứng nhận đầu tư từ tháng 12/2007, Dự án Biển Rạng được khởi công xây dựng vào cuối tháng 7/2011, với tổng vốn đầu tư 30 triệu USD. Khi đó, theo kế hoạch, Dự án được xây dựng trên diện tích 42 ha, sau đó mở rộng lên 120 ha.
Một loạt hạng mục dự kiến được xây dựng tại đây, như biệt thự, khách sạn, sân khấu ngoài trời, trung tâm thương mại, công viên giải trí… Và điều quan trọng hơn, năm 2014, Dự án sẽ được đưa vào hoạt động.
Vậy nhưng cho đến thời điểm này, khu vực Dự án vẫn là một bãi đất trống. Dự án chậm triển khai, Philand đã từng giới thiệu một nhà đầu tư khác vào cùng phát triển, nhưng không được chấp thuận, vì kế hoạch đưa ra không phù hợp với quy hoạch phát triển ở khu vực đó.
“Họ đã đầu tư để đền bù, giải phóng mặt bằng. Do vậy, chúng tôi sẽ cùng tính toán lại phần chi phí đã đầu tư của Philand, để sau này, khi có nhà đầu tư mới, họ sẽ thỏa thuận với nhau về việc thanh toán khoản đầu tư này”, ông Diện nói và cho biết, Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai chưa có kế hoạch giao dự án này cho nhà đầu tư khác.
Chưa bị chấm dứt đầu tư như Biển Rạng, song hai dự án Khu du lịch sinh thái đảo Hòn Nưa và Khu khách sạn và điểm du lịch ven biển TP. Tuy Hòa (Phú Yên) của nhà đầu tư Varella đang thuộc diện bị cảnh báo do không triển khai dự án.
Theo một thông báo vừa được UBND tỉnh Phú Yên phát ra, thì Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Yên phải chịu trách nhiệm yêu cầu nhà đầu tư triển khai dự án. Nếu đến cuối năm 2013, nhà đầu tư không đủ điều kiện, năng lực thực hiện dự án, Sở sẽ trình UBND tỉnh thu hồi và chấm dứt thực hiện.
Thông báo này cũng có hiệu lực đối với cả Dự án Nhà hàng Bia tươi Đức của nhà đầu tư Envico, vốn đầu tư 1,5 triệu USD.
Cả ba dự án FDI trên đã được cấp chứng nhận đầu tư từ khá lâu, trong đó, Khu du lịch Hòn Nưa, 37,5 triệu USD, được cấp từ tháng 3/2008; Khu khách sạn ven biển Tuy Hòa, 11 triệu USD, từ tháng 10/2009 và Nhà hàng Bia tươi Đức từ tháng 6/2008.
“Phú Yên kiên quyết thu hồi giấy chứng nhận đầu tư các dự án cố tình kéo dài, nhưng không triển khai, nhằm tạo môi trường đầu tư thông thoáng và tạo điều kiện thuận lợi, cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư khác có tiềm lực đầu tư vào tỉnh”, ông Phạm Đình Cự, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên nhấn mạnh.
Cũng theo ông Cự, cùng với việc “dọn dẹp” dự án FDI chậm tiến độ, Phú Yên sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra các dự án FDI để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và chấn chỉnh những sai phạm trong quá trình triển khai dự án.
Động thái này, trên thực tế, đã được nhiều địa phương áp dụng. Tỉnh Quảng Ngãi cũng đang trong quá trình rà soát và tìm hướng xử lý với một loạt dự án đầu tư chậm tiến độ. Kết quả của việc này sẽ được báo cáo UBND tỉnh ngay trong tuần này.
Trong khi đó, Bình Định gần đây cũng đã chấm dứt đầu tư đối với Dự án Hòn ngọc Việt Nam của nhà đầu tư ALT (Nga), với vốn đầu tư 125 triệu USD. Được cấp chứng nhận đầu tư từ năm 2010, Dự án dự kiến xây dựng một khu du lịch - nghỉ dưỡng trên diện tích 125 ha, với các hạng mục, như khách sạn, biệt thự… tại Khu kinh tế Nhơn Hội, nhưng đến nay, Dự án vẫn chưa được triển khai xây dựng.