Dự án Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp sau 5 năm triển khai vẫn án binh bất động khiến nhiều người dân lâm vào cảnh khó khăn.
Đầu tư xây dựng Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp tập trung nhằm giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, tại huyện miền núi Vũ Quang tỉnh Hà Tĩnh, việc xây dựng Cụm công nghiệp lại đang trở thành nỗi lo thất nghiệp với nhiều người.
Dự án “treo”trên mảnh đất vàng.
Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỷ thuật Cụm công nghiệp-Tiểu thủ công nghiệp tập trung ở huyện Vũ Quang được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt tại Quyết định số 1734/QĐ-UBND ngày 01/06/2011 với quy mô thiết kế 42,17ha, tổng mức đầu tư gần 158 tỷ đồng. Trong quá trình triển khai xây dựng, do gặp phải những khó khăn, vướng mắc về huy động nguồn vốn, huyện Vũ Quang đã xin UBND tỉnh điều chỉnh lại quy mô dự án với diện tích 10,8ha, tổng mức đầu tư trên 66 tỷ đồng.
Để phục vụ cho việc xây dựng hạ tầng kỷ thuật, chủ đầu tư là UBND huyện Vũ Quang đã tiến hành kiểm kê áp giá bồi thường đất sản xuất nông nghiệp, đất vườn cho 109 hộ dân và di dời hệ thống điện với tổng số tiền bồi thường trên 9 tỷ đồng. Cùng với đó huyện cũng đã tổ chức đấu thầu thi công gói san nền với tổng mức đầu tư gần 30 tỷ đồng.
Hoang phế Nhà máy tuyển quặng sắt Vũ Quang tại xã Sơn Thọ.
Sau gần 5 năm kể từ ngày khởi động dự án, trên mảnh đất vàng được quy hoạch xây dựng Cụm công nghiệp- Tiểu thủ công nghiệp tập trung này vẫn hết sức ngổn ngang, nham nhở. Đất đắp nền nơi thì bị sạt lở, bồi lấp ruộng đồng lại có không ít nơi nước đọng thành ao, thành hồ nhiều năm nay. Dự án nằm "án binh, bất động" khiến cho không ít hộ dân rơi vào thảm cảnh thiếu đất sản xuất, đời sống, việc làm hết sức khó khăn.
Ông Võ Viết Thanh ở xóm 1 xã Sơn Thọ than vãn: "Gia đình có đến 8 sào đất ở, đất sản xuất nông nghiệp (chủ yếu trồng lúa, hoa màu và cây mía) đã bị thu hồi. Chủ trương thu hồi đất phục vụ dự án nhân dân sẵn sàng hưởng ứng, nhưng đã thu hồi đất thì phải xây dựng nhà máy, xí nghiệp để nhân dân và con em quê hương có cơ hội tìm kiếm việc làm. Trong khi đó, dự án vẫn chưa thấy, người lao động ngồi trông chờ với biết bao mối lo về cơm, áo, gạo, tiền kể cả việc học tập của con em".
Cùng quan điểm với ông Thanh, ông Nguyễn Đức Thiết ở xóm 1 xã Sơn Thọ cho biết, việc thu hồi đất của người dân nhưng lại để thành dự án treo là không chấp nhận được. Trong khi người dân nông thôn thiếu đất sản xuất, thiếu việc làm, nhà máy lại không được xây dựng khiến tương lai của người dân gặp nhiều khó khăn.
Được tận mắt chứng kiến những bất cập phát sinh, nhiều người dân không khỏi nghi ngờ về tính khả thi của dự án. Bởi thực tế dự án chưa trở thành hiện thực, nhưng giờ đây nỗi lo về thiếu lương thực, thiếu việc làm lại đang trở thành hiện thực với rất nhiều hộ gia đình nông dân nghèo ở xã Sơn Thọ.
Chủ đầu tư…"lực bất tòng tâm"!
Dự án Cụm công nghiệp-Tiểu thủ công nghiệp tập trung ở huyện miền núi Vũ Quang được xác định là công trình trọng điểm nhằm mục tiêu phát triển kinh tế theo hướng công- nông kết hợp, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn.
Mục tiêu là vậy, song thực tế ở huyện miền núi Vũ Quang điều kiện kinh tế, xã hội còn khó khăn, giao thông cách trở, các cơ sở sản xuất, kinh doanh cơ khí, chế biến nông, lâm sản…quy mô lại rất nhỏ lẽ, manh mún. Còn giải pháp thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp ngoài huyện vào đầu tư để sớm thay đổi diện mạo cụm công nghiệp có thể được xem là quá xa vời.
Ông Nguyễn Đình Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Thọ cho biết, sau khi thu hồi đất sản xuất, cuộc sống, sinh hoạt của người dân trên địa bàn trở nên khó khăn hơn trước rất nhiều. Trước đây nhân dân Sơn Thọ chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, nhưng nay đất vàng bị thu hồi, không ít hộ đã phải tận dụng đất hoang hoá, bạc màu ven khe suối để sản xuất. Cây trồng phát triển èo uột, năng suất, sản lượng sụt giảm một cách nghiêm trọng. Tầm của xã chỉ trông chờ vào huyện, hạ tầng kỷ thuật lại xây dựng chưa xong, việc kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư với chúng tôi là hoàn toàn không thể thực hiện.
Không còn đất sản xuất, người dân Sơn Thọ phải đối mặt với nhiều khó khăn, phải trồng cỏ chăn nuôi ngay trên nền của mặt bằng dự án.
Theo ông Phạm Quốc Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang, thời gian qua huyện đã nhận được nhiều ý kiến thắc mắc, phản hồi của người dân về dự án. Huyện Vũ Quang cũng đã nhiều lần tổ chức họp dân, giải thích những khó khăn, vướng mắc xung quanh dự án này. Theo đó, trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay, chủ đầu tư mong muốn người dân vùng bị ảnh hưởng tiếp tục chia sẻ, đồng hành. Thời gian tới, huyện sẽ cố gắng hết mức để kêu gọi, xúc tiến các doanh nghiệp vào đầu tư nhằm đưa dự án trở thành hiện thực.
“Tấc đất, tấc vàng”, những trăn trở, lo lắng của người dân xã Sơn Thọ về dự án xây dựng Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp tập trung là hoàn toàn có cơ sở. Bởi ngay ở mảnh đất này hàng trăm công nhân lao động là con em địa phương đã từng bị thất nghiệp khi Nhà máy tuyển quặng sắt Vũ Quang với số vốn đầu tư trên 150 tỷ đồng, công suất 500.000 tấn/ năm đã ngừng hoạt động hơn 4 năm nay./.
Văn Chương (VOV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.