Báo cáo với Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nhân chuyến thị sát công trình hầm Đèo Cả mới đây, ban quản lý dự án này cho biết, đây là một trong 4 hầm đường bộ lớn nhất hiện nay tại Việt Nam.
Dự án được thực hiện theo hình thức BOT và BT, với tổng mức đầu tư ban đầu trên 15.600 tỷ đồng, khởi công từ tháng 11/2012. Công trình gồm hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã và đường dẫn với tổng chiều dài hơn 13 km, được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc, vận tốc 80 km/giờ.
Hiện hầm Cổ Mã đã thông và hoàn thành bê tông vỏ hầm từ giữa tháng 6/2015, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 8/2015, nhanh hơn kế hoạch một tháng.
Đáng chú ý, sau một thời gian triển khai, với việc thay đổi phương thức thu xếp tài chính, hình thức thực hiện dự án, tổng mức đầu tư của dự án giảm xuống còn 11.378 tỷ đồng, ít hơn 4.200 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được phê duyệt.
Như vậy, đây có thể xem là một trong số hiếm hoi dự án của ngành giao thông có "cú ngược dòng" về vốn đầu tư, bởi trước đó, hầu hết các dự án, công trình đường, sá, cầu cống... trên cả nước đều bị đội vốn đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Hiện hầm Đèo Cả đang triển khai thi công 3 ca liên tục, đến nay đã đào 3.050/8.250 m hầm, dự kiến thông hầm trong tháng 9/2016 và hoàn thành đồng bộ vào tháng 7/2017.
Thị sát tại công trường, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá: “Lo nhất là vấn đề chất lượng công trình, nhưng như đơn vị giám sát nói, thì cũng yên tâm phần nào”.
“Tuy nhiên, không được lơ là. Cần phải tuân thủ nghiêm quy trình kỹ thuật, nhất là giai đoạn nước rút, vội vã dễ dẫn đến lơ là. Nếu không sẽ phải trả giá. Phải làm thế nào thể hiện đúng đồng tiền mà người dân đóng phí”, ông nói.