Công tác phát triển đô thị trong thời gian qua đã cho thấy những thiếu sót lớn còn tồn tại trong công tác quản lý. Thời BĐS còn nóng sốt cứ có đất là chúng ta vẽ dự án, dự án đô thị phát triển mang tính tự phát thiếu quy hoạch và kế hoạch – Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhận định.

Sáng 14/5 tại Hà Nội, Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội nghị triển khai Nghị định số 11/2013/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 11) về quản lý đầu tư phát triển đô thị và Nghị định 15/2013/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 15) về Quản lý chất lượng công trình xây dựng khu vực phía Bắc.

Nghị định 11 về quản lý đầu tư phát triển đô thị thay thế cho Nghị định 02/2006/NĐ-CP ngày 05/01/2006 của Chính phủ về việc ban hành quy chế khu đô thị mới (gọi tắt là Nghị định 02) và một số nội dung có liên quan đến phát triển đô thị trước đây được quy định tại một số văn bản QPPL khác.

Bộ Xây dựng, chính sách, quy hoạch đô thị, khu đô thị mới, nghị định 02

Nghị định 15 được ban hành thay thế Nghị định 209/2004/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình xây dựng nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý các hoạt động xây dựng, phù hợp với quan điểm và thực tiễn phát triển kinh tế-xã hội của đất nước cũng như của ngành xây dựng.

Trao đổi tại hội nghị về công tác phát triển đô thị thời gian qua, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nêu ý kiến hệ thống các đô thị Việt Nam đã phát triển nhanh chóng về cả số lượng, chất lượng và quy mô, tuy nhiên cũng cho thấy những thiếu sót lớn còn tồn tại trong công tác quản lý. Thời kỳ BĐS còn nóng sốt cứ có đất là chúng ta vẽ dự án. Trong khi đó, nhiều dự án đô thị phát triển mang tính tự phát thiếu quy hoạch và kế hoạch, ảnh hưởng tới diện mạo đô thị và sự phát triển lành mạnh của thị trường BĐS.

Nhiều khu đô thị mới (KĐTM) được hình thành nhưng lại có sự chia cắt. Thực tế có những KĐT rất gần nhau mà KĐT nào cũng có sân tennis nhưng các dự án hạ tầng chung như trường học, bệnh viện…thì lại thiếu.

Quá trình phát triển dự án ồ ạt thiếu quy hoạch kế hoạch cũng khiến nhiều dự án bỏ hoang. Vấn đề bỏ không dự án là do sự phát triển quá so với nguồn lực của chúng ta nên việc dự án không thể triển khai, phải dừng lại là tất yếu – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cùng với sự phát triển nhanh, mạnh của quá trình phát triển đô thị Bộ trưởng cũng cho rằng Nghị định 02 cũng như một số quy định có liên quan đến lĩnh vực phát triển đô thị của một số văn bản hiện hành chưa thể bao quát hết được mọi vấn đề trong quản lý và phát triển đô thị.

Trên cơ sở nhận định những tồn tại trong công tác phát triển đô thị, Bộ trưởng khẳng định Nghị định 11 thay thế cho Nghị định 02 sẽ đáp ứng được toàn diện cho mọi công tác đầu tư xây dựng trong đô thị từ xây dựng mới đến cải tạo, tái thiết, bảo tồn… đảm bảo là một công cụ quản lý tương đối đầy đủ và toàn diện trong lĩnh vực phát triển đô thị.

Bàn về vấn đề quản lý các hoạt động xây dựng Bộ trưởng cho rằng cơ chế quản lý đầu tư xây dựng được tiến hành theo hướng hậu kiểm. Nhưng trong quá trình thực hiện cơ chế này cũng bộc lộ nhiều hạn chế gây thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng, làm giảm chất lượng công trình, giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.

Gắn vào quá trình quản lý xây dựng, Nghị định 15 sẽ quy định rõ các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành phải có trách nhiệm kiểm soát về chất lượng công trình và chi phí xây dựng ngay từ giai đoạn đầu, “tiền kiểm”, thông qua việc thẩm tra thiết kế kỹ thuật, thẩm tra dự toán (với công trình có sử dụng vốn ngân sách).

Dự kiến trong tháng 6 tới, Bộ Xây dựng sẽ ban hành thông tư hướng dẫn chi tiết cho các nội dung của Nghị định, để nghị định sớm đi vào thực tiễn và phát huy hiệu quả.

Hồng Khanh (VietNamNet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.