Dù Luật Xây dựng có quy định rõ các biện pháp bảo đảm an toàn trong thi công, xây dựng công trình trong khu dân cư, nhưng do việc quản lí thiếu chặt chẽ, các công trình thi công xây dựng thường làm lún, nứt, gây nguy hiểm, thậm chí làm đổ sập công trình lân cận vẫn xảy ra khắp nơi.
An toàn... trên giấy
Hơn 20 hộ dân ở đường Ung Văn Khiêm (P.25, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đến nay vẫn còn “ớn lạnh” khi nhắc đến sự cố đã xảy ra khoảng ba tháng trước tại công trình (CT) xây dựng (XD) tòa nhà Vinacomin (do Tập đoàn Than - khoáng sản Việt Nam làm chủ đầu tư). Sự cố xảy ra vào giữa đêm khiến 22 căn nhà của người dân quanh CT bị lún, nứt, nhiều căn còn bị xé toạc. Rất may người dân chạy thoát kịp, không xảy ra thương vong. Đây là CT đang thi công phần móng, đã có giấy phép của các cơ quan chức năng. Cách đó khoảng 1km, dự án Soho Riverview do Tổng công ty XD Sài Gòn thi công, sau khi làm xong phần móng, cũng khiến gần chục nhà dân lân cận te tua. Nhiều nhà tường bị nứt toác lòi cả sắt, nền nhà sụt lún, bong tróc gạch. Một số nhà nghiêng hẳn sang một bên vô cùng nguy hiểm. Các hộ dân lo sợ phải dọn đi nơi khác lánh nạn.
Suốt gần hai năm thi công dự án Saigonres Plaza (đường Nguyễn Xí, P.26, Q.Bình Thạnh) do Công ty cổ phần địa ốc Sài Gòn Nam Đô làm chủ đầu tư, người dân ở đây phải mất ăn, mất ngủ. Nhà cửa quanh CT này theo nhau nghiêng, lún, nứt. Nhà anh Nguyễn Mạnh Hùng (202/4 Nguyễn Xí, P.26) còn liên tục “hứng” vật liệu từ CT của dự án rơi xuống. Có lần một thanh sắt lao thẳng vào phòng ngủ nhà anh, đâm thủng cửa sổ, may lúc đó không có ai nên không xảy ra tai nạn.
Theo Luật XD năm 2014, chủ đầu tư các CT muốn được cấp giấy phép XD phải thông qua quá trình thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, bản vẽ thi công… Việc thẩm định thiết kế XD sẽ có sự tham gia của các tổ chức, cá nhân do cơ quan chuyên môn về XD mời hoặc do chủ đầu tư lựa chọn đơn vị có đủ điều kiện hành nghề đã được các cơ quan chức năng cấp phép. Quy định là vậy, nhưng thực tế CT thi công gây mất an toàn vẫn xuất hiện khắp nơi.
Do quản lý kém, chế tải không nghiêm?
Theo lãnh đạo một công ty XD có trụ sở ở Q.1, để đảm bảo an toàn cho các CT lân cận và việc bồi thường khi xảy ra sự cố theo quy định, trước khi khởi công XD, hầu hết chủ đầu tư các CT đều chụp ảnh, ghi nhận cụ thể hiện trạng các CT lân cận, có chữ ký xác nhận của chủ hộ. Tuy nhiên, theo kỹ sư Lê Quang Danh, cá n bộ Công ty XD Trường Phát, nhiều chủ đầu tư khảo sát, ghi nhận hiện trạng chủ yếu chỉ là để có cơ sở cho việc bồi thường hơn là nhằm tập trung vào công tác đảm bảo an toàn khi thi công. Làm như vậy, họ tiết kiệm được chi phí đảm bảo an toàn và đẩy nhanh được tốc độ thi công. Hậu quả là nguy cơ xảy ra sự cố với các CT lân cận cũng cao hơn.
Theo luật sư Nguyễn Văn Trường (Đoàn Luật sư TP.HCM), Nghị định 180 ban hành năm 2007 nêu rõ, trường hợp CT XD gây lún, nứt, thấm dột hoặc có nguy cơ làm sụp đổ các CT lân cận phải ngừng thi công XD để bồi thường thiệt hại. Việc bồi thường do hai bên tự thỏa thuận. Trường hợp các bên không thỏa thuận được, bên thiệt hại có quyền khởi kiện đòi bồi thường tại tòa. CT chỉ được phép tiếp tục thi công khi các bên thỏa thuận xong việc bồi thường thiệt hại. “Đây là quy định khá nghiêm khắc đối với các CT thi công XD, nhưng thực tế quy định này đã không được thực hiện nghiêm chỉnh”, luật sư Trường nói.