Nếu giả định mức tăng năng suất vừa phải, tăng trưởng GDP ước tính lên tới 3,5% nhờ CPTPP
Đó là thông tin Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố vừa công bố trong báo cáo “Tác động kinh tế và phân bổ thu nhập của Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương: Trường hợp của Việt Nam.
Báo cáo này đánh giá tác động kinh tế và phân bổ thu nhập của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Tác động tiềm tàng của CPTPP được so sánh với Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và TPP-12 đối với Việt Nam.
Tuy vậy, báo cáo cũng chỉ ra rằng, so với hiệp định TPP-12 kinh tế Việt Nam ít hưởng lợi hơn. Theo đó, TPP-12 có thể giúp kinh tế Việt Nam tăng thêm 3,6% tính đến năm 2030. Nếu giá định mức tăng năng suất vừa phải, tăng trưởng GDP sẽ được cộng thêm 6,6%.
Theo tính toán của WB, với CPTPP, xuất khẩu dự báo sẽ tăng thêm 4,2%, nhập khẩu tăng thêm 5,3% và sẽ tăng cao hơn lần lượt ở các mức 6,9% và 7,6% với kịch bản có năng suất tăng.
Trong khi đó thuế xuất nhập khẩu bình quân gia quyền áp dụng cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường CPTPP sẽ giảm từ 1,7% xuống 0,2%. Hàng rào phi thuế quan áp dụng đối với Việt Nam tại các thị trường CPTPP dự kiến sẽ giảm bình quân 3,6 điểm phần trăm.
Với CPTPP, mức tăng trưởng cao nhất về sản lượng dự tính sẽ thuộc về các ngành thực phẩm, đồ uống, thuốc lá; may mặc, hàng da; dệt may cùng với tăng trưởng vừa phải ở một số tiểu lĩnh vực sản xuất công nghiệp và dịch vụ. Xuất khẩu tăng dự kiến sẽ đạt cao nhất ở các ngành thực phẩm, đồ uống, thuốc lá; may mặc, hàng da; hóa chất, sản phẩm da và nhựa; thiết bị, phương tiện vận tải; máy móc, thiết bị khác. Nhập khẩu dự kiến sẽ tăng ở tất cả các ngành.
Đến năm 2030, CPTPP dự kiến sẽ giúp giảm 0,6 triệu người nghèo ở mức chuẩn nghèo 5,50 USD/ngày so với kịch bản cơ sở. Tất cả các nhóm thu nhập dự kiến sẽ được hưởng lợi, nhưng mức lợi ích đạt được sẽ cao hơn ở nhóm lao động trình độ cao thuộc tốp 60% nhóm phân bổ thu nhập cao nhất.