Đây là tháng hiếm hoi trong hơn một năm qua, cả 10 nhóm hàng trong rổ tính chỉ số giá tiêu dùng đều đồng loạt leo thang so với tháng trước. CPI TP HCM tháng 9 tăng 0,97%.

Số liệu Cục thống kê TP HCM vừa công bố, giáo dục dẫn đầu mức tăng, với 5,57%, sau nhiều tháng liền chỉ lên dao động 0,02-0,44%.

Việc điều chỉnh khung học khí ở hầu hết bậc học, trường, cơ sở dạy nghề (tăng ít nhất 3,45% và nhiều nhất: 13,95%) là nguyên nhân khiến chỉ số giáo dục tăng cao trong mùa tựu trường năm nay. So với cùng kỳ và tháng 12 năm trước, chỉ số giá nhóm này đã lên 6,94%, 6,41%.

Sau hai tháng liên tục đi xuống, CPI thành phố tháng 9 đã quay đầu tăng trở lại với mức tăng gần 1%, cao nhất trong 6 tháng qua. Tính từ đầu năm đến nay, chỉ số giá tiêu dùng TP HCM lên 5,54% và nhìn về cùng kỳ, con số này đã cao thêm 7,59%. Bình quân một tháng trong 9 tháng qua, giá hàng hóa thành phố lên xấp xỉ 0,6%, thấp hơn một chút so với trung bình 9 tháng đầu năm ngoái (0,62%).

Nhiều loại gia vị, dầu mỡ ăn, đậu hạt, trứng... tăng giá nhẹ so với tháng trước. Ảnh minh họa: B.H.

TP HCM đang thực hiện tháng khuyến mãi lớn nhất trong năm và chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu, song vẫn không chặn nổi đà tăng giá ở nhiều nhóm hàng. Thịt gia cầm, thủy sản, trứng, đường, bột mì, bún, miếng... đồng loạt tăng giá so với tháng trước. Theo phân tích Cục Thống kê, tác động của chương trình bình ổn giá cộng với các chương trình khuyến mãi tại siêu thị, trung tâm mua sắm, đã phần nào kìm hãm đà tăng giá nhóm này.

Không có sự phân hóa như các tháng trước, giá cả 10 nhóm hàng đều đồng loạt leo thang. Ngoài giáo dục có mức tăng vượt trội, 9 nhóm hàng còn lại đắt hơn tháng 8 chỉ từ 0,02 đến 1,51%, nên CPI tháng 9 tăng dưới 1%.

Kỳ nghỉ dài dịp lễ 2/9 khiến nhu cầu vui chơi, giải trí du lịch của người dân tăng vọt, đẩy chỉ số giá nhóm văn hóa giải trí du lịch đắt đỏ hơn tháng trước 1,51%, thay vì chỉ tăng dưới 1% như nửa năm qua.

Hàng ăn và dịch vụ ăn uống sau khi giảm nhẹ tháng 8 cũng hòa vào điệp khúc tăng giá tháng 9. Lương thực đắt thêm 1,62%, thực phẩm vượt 1,18% và ăn uống ngoài gia đình cao hơn tháng trước 0,22%.

Không còn diễn biến trái chiều, chỉ số giá vàng và USD đồng loạt đi lên trong tháng 9, thậm chí tăng khá cao, lần lượt ở 3,79% và 1,42%. Không nằm trong nhóm tính CPI, song việc giá vàng, đô la tăng cao đã ảnh hưởng trực tiếp đến chi tiêu, thanh toán của người dân.


Cafeland.vn - Theo Vnexpress
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland