Cho rằng giá xăng dầu điều chỉnh hồi tháng 3 có thể tác động đến chỉ số giá tiêu dùng tháng 4, song Vụ trưởng vụ Chính sách Thị trường trong nước khẳng định, CPI tháng này chỉ tăng nhẹ và không có sự đột biến.
Tại cuộc họp báo chiều 3/4 do Bộ Công Thương tổ chức, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng vụ Chính sách Thị trường trong nước cho hay, chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 tăng 0,16% và giảm liên tiếp từ tháng 8/2011 làm cho CPI bình quân quý I cũng ở mức thấp nhất trong vòng 8 năm trở lại nay. CPI quý I/2012 chỉ tăng 2,55% so với tháng 12 năm 2011.

Bộ Công Thương đánh giá, chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 có mức tăng khá thấp sau khi giá xăng, dầu, gas được điều chỉnh. Nguyên nhân là nhóm lương thực, thực phẩm (nhóm chiếm tỷ trọng cao) giảm khá sâu lần lượt là 1,21% và 1,25%; giá xăng dầu mới chỉ tác động đến tuần cuối cùng của tháng; sức mua hàng hóa chững lại nên các mặt hàng khó điều chỉnh tăng giá.



CPI tháng 4 có thể tăng nhẹ. Ảnh: Hoàng Lan

Ông Quyền cho hay, tháng 4 cũng có những yếu tố tác động đến CPI. Trong đó, theo dữ liệu của IMF, chỉ số giá hàng hóa thiết yếu trên thị trường thế giới tháng 1 và tháng 2 đang tăng cao với mức trên 2% và 3%. Ngoài ra, giá xăng dầu tăng từ 7/3 cũng đã tác động đến một số các hàng hóa, dịch vụ trong tháng 3. Giá xăng dầu đã tác động trực tiếp vào rổ hàng hóa và tác động tới tâm lý người dân.


Tuy nhiên, ông Quyền cũng cho biết, giá gas giảm mạnh và giá thực phẩm cũng dần hạ nhiệt sẽ làm CPI có chiều hướng giảm. "Chúng tôi thấy là CPI tháng 4 sẽ không có yếu tố tăng đột biến, chỉ có thể tăng nhẹ. Dự kiến tháng này, doanh nghiệp cũng sẽ không có yếu tố bất ổn trong cung cầu", ông Quyền nói.


Bộ Công Thương cũng cho biết, 3 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 4,1% và là mức tăng trưởng thấp so với cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp khai thác mỏ tăng 3,2%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,2% và sản xuất, phân phối điện, ga, nước tăng 13,7%.


Ngành công nghiệp chế biến vẫn là ngành gặp nhiều khó khăn nhất, chỉ số sản xuất 3 tháng đầu năm của ngành này thấp hơn nhiều so với mức tăng 13,4% của cùng kỳ năm trước. Trong số 32 nhóm hàng công nghiệp chế biến chính thì có đến 18 nhóm hàng có chỉ số sản xuất giảm như: xi măng, sắt thép, sản xuất sợi và dệt vải, sản xuất giày dép...

Theo VnExpress
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland