Ảnh minh họa.
CPI tháng 2 tăng ở 10/11 nhóm trong rổ hàng hóa và dịch vụ chung với mức tăng từ 0,05-1,15%. Trong đó, mức tăng lớn nhất thuộc về nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống và tăng thấp nhất là nhóm thuốc và dịch vụ y tế. Tuy nhiên, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,64%.
Vụ trưởng Vụ Thống kê giá TCTK Nguyễn Đức Thắng cho biết, CPI tháng 2 năm nay tăng khá thấp là do tình hình thời tiết thuận lợi nên lượng nông sản dồi dào, giá lương thực, thực phẩm chỉ tăng nhẹ trong những ngày cận Tết. Bên cạnh đó, tình hình kinh tế vẫn còn khó khăn, người tiêu dùng đã cân nhắc hơn trong chi tiêu và tập trung vào các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống.
Theo ông Thắng, mặc dù nguồn cung về lương thực ổn định nhưng chỉ số giá lương thực vẫn tăng nhẹ so với tháng trước là do nhu cầu tiêu dùng mặt hàng gạo tẻ ngon và gạo nếp tăng mạnh; giá gạo tẻ tăng 0,65- 0,88%; và gạo nếp tăng 1,41% so với tháng trước.
Nhu cầu du xuân cũng đã ảnh hưởng đến giá các mặt hàng ăn uống ngoài gia đình. Cụ thể: giá mặt hàng cơm bình dân tăng 1,87% và uống ngoài gia đình tăng 0,7%. Bên cạnh nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao, giá dịch vụ giao thông công cộng tăng do nhu cầu đi lại tăng mạnh, tăng cao nhất là giá vé xe khách, bình quân tăng 10%; giá vé tàu hỏa cũng được Tổng công ty đường sắt điều chỉnh tăng trên 6%.
Giá vàng trong nước biến động theo giá vàng thế giới, trong tháng có ngày Thần Tài (10/1/2014 âm lịch) nên giá vàng tăng hơn các ngày khác. Giá vàng bình quân tháng quanh mức 3.530.000 đ/chỉ, tăng 1,87% so với tháng trước. Giá đô la Mỹ khá ổn định, nhu cầu cuối năm tăng nhưng do được bù đắp từ lượng kiều hối gửi về cuối năm, giá bình quân ở thị trường tự do tháng này ở mức 21.120 đồng.
Dự báo về sự biến động của chỉ số CPI trong tháng 3, ông Nguyễn Đức Thắng cho rằng sẽ không tăng cao, các mặt hàng thiết yếu như: lương thực, thực phẩm, nhà ở và vật liệu xây dựng, thuốc và dịch vụ y tế cũng chỉ tăng nhẹ. Dự kiến, CPI trong tháng 3 sẽ tăng nhẹ khẳng từ 0,55 - 0,6% so với tháng 2.