Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 10 đã “hạ nhiệt” rõ rệt so với mức tăng đột biến của tháng 9 nhưng vẫn là mức tăng khá cao so với các tháng 10 kể từ năm 1995 lại đây khi CPI tháng 10/2012 chỉ xếp sau mức tăng cao nhất 1,05% của CPI tháng 10/2010.

Khách hàng mua sắm tại Siêu thị Big C Thăng Long. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố ngày 24/10 cho thấy, CPI tháng 10 này đã tăng 0,85% so với tháng 9, tăng 7% so với cùng kỳ 2011, đưa CPI 10 tháng qua tăng 6,02% so với tháng 12/2011 và tăng 9,66% so với bình quân cùng kỳ 2011.

CPI tháng 10 tăng ở 10/11 nhóm trong Rổ hàng hóa chung với mức tăng từ 0,17%- 5,94%; trong đó, tăng cao nhất là nhóm thuốc và y tế, tăng thấp nhất là nhóm đồ uống và thuốc lá, riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,02%.

Theo Vụ trưởng Vụ Giá Tổng cục Thống kê Nguyễn Đức Thắng, CPI tháng 10 đã hạ nhiệt nhưng vẫn tăng khá cao là do tác động tăng giá của nhiều nhóm hàng hóa và dịch vụ thiết yếu, nhất là sự tăng giá rất lớn của nhóm thuốc và dịch vụ y tế và nhóm giáo dục - hai nhóm này chiếm tỷ trọng khoảng 10% trong Rổ hàng hóa chung.

Cụ thể, nhóm thuốc và dịch vụ y tế, trong đó dịch vụ y tế đã tăng tới 7,78% do một số tỉnh thực hiện tăng giá dịch vụ y tế theo Thông tư liên tịch số 04/TTLT-BYT-BTC như: Hà Giang, Yên Bái, Hưng Yên, Thái Nguyên, Phú Yên, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tầu, Trà Vinh. Với mức tăng cao này, riêng nhóm dịch vụ y tế đã góp phần làm CPI cả nước tăng khoảng 0,31%. Tiếp theo là nhóm giáo dục với mức tăng 1,88%, trong đó dịch vụ giáo dục tăng 2,1% do có nhiều tỉnh, thành phố thực hiện tăng mức phí giáo dục.

Cùng với hai nhóm trên, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng cũng đã tăng tới 1,09%, đóng góp đáng kể vào mức tăng CPI chung do giá gas và chất đốt đã tăng 3,7% so với tháng trước khi các doanh nghiệp kinh doanh gas tăng giá bán theo giá gas thế giới. Kể từ ngày 1/10/2012, giá gas bán trong nước đã tăng khoảng 16.000 đồng/bình 12kg, tính bình quân chung trong tháng giá gas đã tăng 4,71% so với tháng trước.

Trong tháng, nhóm giao thông đã tăng 0,62% do ảnh hưởng của tăng giá xăng dầu từ các tháng trước. Trong khi đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống-nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất trong Rổ hàng hóa chung đã có mức tăng 0,29%; trong đó, lương thực tăng 0,37%, còn thực phẩm tăng 0,28% sau bốn tháng liên tục giảm so.

Theo các chuyên gia kinh tế, để kiểm soát lạm phát cả năm 2012 ở mức một con số, các cơ quan quản lý nhà nước cần nâng cao năng lực dự báo để làm tốt hơn công tác điều hành giá cả theo thị trường, có sự quản lý của nhà nước. Điều đáng ngại hơn cả là sau một chu kỳ giảm giá là chủ yếu suốt từ đầu năm đến nay, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (bao gồm lương thực, thực phẩm)- nhóm hàng hóa chiếm tỷ trọng lớn nhất gần 40% trong Rổ hàng hóa chung đang có xu hướng tăng giá.

Đây là vấn đề cần đặc biệt lưu ý bởi nhóm thực phẩm thường chịu sự chi phối mạnh của quy luật tiêu dùng nóng trong những tháng cuối năm cũng như chịu sức ép tăng giá khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao và tình hình dịch bênh bùng phát.

Bên cạnh đó, để tránh các tác động tiêu cực tới mức tăng CPI chung, các bộ ngành trung ương, địa phương cần tăng cường sự phối hợp chặt chẽ khi thực hiện lộ trình điều chỉnh giá theo cơ chế thị trường với một số mặt hàng, dịch vụ thiết yếu; tránh điều chỉnh tăng giá đồng loạt như vừa qua.

Đặc biệt, ở cấp độ điều hành vĩ mô, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa cần phối hợp nhịp nhàng; trong đó chính sách tiền tệ đã được nới lỏng để cứu doanh nghiệp thì cần siết chặt chính sách tài khóa để không làm ảnh hưởng tới lạm phát trong năm sau. Ngoài ra, các bộ ngành, địa phương cần chủ động rà soát cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bảo đảm đủ hàng hóa phục vụ các dịp lễ, tết cuối năm, tránh để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá.

Theo Vietnam+
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.