28/08/2012 2:20 PM
Khác với 2 tháng trước đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 đã tăng trở lại ở mức 0,63% so với tháng trước. Đây có phải là tín hiệu tích cực của nền kinh tế?. PV báo Kinh tế Việt Nam đã ghi lại những ý kiến của các chuyên gia để làm rõ vấn đề này.
CPI tăng, vì đâu?
Theo ông Đỗ Thức, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Nguyên nhân làm cho CPI tháng 8 tăng trở lại là do giá xăng dầu tăng 3 lần vào các ngày 20/7, 1/8 và 13/8. Tổng cộng 3 lần tăng đó, xăng đã tăng 2.300 đ/lít, dầu hỏa tăng 800 đ/lít, dầu diesel tăng 900 đ/lít. Như vậy, riêng nhóm xăng, dầu đã làm cho chỉ số giá của nhóm này tăng 0,24%, cùng với đó là giá gas, sau một loạt các đợt giảm giá, thì tháng 8 này đã tăng đột ngột lên khá cao ở mức 8,02%.
Nguyên nhân thứ hai và được xem là tác nhân chủ yếu làm CPI tháng 8 tăng đó là nhóm y tế và dịch vụ y tế. Thực hiện Thông tư 04 liên Bộ Tài chính - Y tế, một số tỉnh, thành đã tăng giá dịch vụ y tế. Tháng trước cũng đã có một số tỉnh tăng nhưng số lượng ít. Sang tháng 8 có 10 tỉnh, thành phố trên cả nước tăng dịch vụ y tế chủ yếu là dịch vụ khám chữa bệnh nội trú, ngoại trú với mức tăng khá cao. Một nửa mức tăng CPI của tháng 8 này là do tăng giá của các dịch vụ y tế.
Ngoài ra, còn có một số tác nhân khác như giá điện tăng từ ngày 1/7 cũng có tác động lùi lại tới CPI tháng 8. Một số tỉnh phía Bắc tăng giá nước sinh hoạt trên 10% cũng có tác động đến CPI tháng này.
Chưa hẳn là dấu hiệu tích cực!
Theo ông Lê Đình Ân nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư: CPI tháng 8 đảo chiều tăng 0,63% so với tháng trước là mức tăng khá cao, vượt ra ngoài dự đoán của nhiều chuyên gia. Tuy nhiên, đây chưa hẳn là dấu hiệu cho thấy sự tích cực của nền kinh tế.
CPI tháng 8 tăng chủ yếu là do tăng viện phí, giá xăng dầu, điện, gas, còn lại tất cả những vấn đề hàng hoá ăn uống thuộc về nhu cầu tiêu dùng, cho đến chỉ số lạm phát cứng đều không ảnh hưởng nhiều đến mức tăng CPI lần này. Điều đó có nghĩa, CPI chưa thể hiện được sự vững vàng, ổn định của nền kinh tế, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn đang gặp nhiều khó khăn, bởi nhu cầu tiêu dùng của người dân không tăng.
Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn từ hàng hoá tồn kho cho đến hoạt động sản xuất, thị trường xuất nhập khẩu còn khó khăn do kinh tế thế giới giảm sút, nên những khó khăn của nền kinh tế chưa khắc phục được nhiều. Từ nay đến cuối năm phải khẩn trương hỗ trợ doanh nghiệp để làm sao có được sản xuất tăng lên và đề phòng lạm phát cao trở lại vào những tháng cuối năm.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng cho rằng, CPI tháng 8 tăng lên 0,63% không phải là dấu hiệu tích cực của nền kinh tế. Vì đây là tác động của việc tăng giá xăng dầu, điện, y tế chứ không phải là tăng do sức mua của người dân tăng. Nếu CPI tăng do sức mua của người dân thì mới là dấu hiệu tích cực, còn đây CPI tăng lên là do tác động của việc nâng giá xăng, dầu thì không phải là dấu hiệu tích cực.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội cho biết: Nếu như cách đây 2 tháng chúng ta liên tiếp âm CPI cũng không thể gọi là tiêu cực được, nhưng việc tăng ngược trở lại thì cũng không thể gọi là tích cực. Thứ nhất, vì tăng CPI lần này không phải là tăng do hàng hoá bán chạy mà là do chi phí đẩy tăng lên, một loạt các mặt hàng đầu vào quan trọng như điện, than, xăng dầu tăng lên, kích đẩy các đầu vào của chi phí sản xuất. Thứ 2 nữa là tăng do lượng tiền đưa vào lưu thông đang ngày càng nhiều, nên CPI tăng đang là cộng hưởng của lạm phát chi phí đẩy và lạm phát tiền tệ, chứ không có dấu hiệu của lạm phát do tổng cầu kéo tăng lên./.
CPI tháng 8 tăng 0,63% so với tháng 7
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2012 đã tăng 0,63% so với tháng trước. So với cuối năm 2011, CPI tăng 2,86%.
Trong số 11 nhóm hàng hoá thì có 9 nhóm hàng hoá tăng so với tháng trước. Trong đó, hàng hoá tăng cao nhất vẫn là thuốc và dịch vụ y tế tăng 5,44% so với tháng trước. Tiếp đến là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 2,03%; nhóm giao thông 1,07%; nhóm văn hoá giải trí và du lịch tăng 0,95%... 2 nhóm hàng hoá giảm, bao gồm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, giảm 0,18% và bưu chính viễn thông, giảm 0,01%.
Chỉ số giá vàng tăng 0,41% và USD giảm 0,15% so với tháng trước. Tuy nhiên, hai mặt hàng này lại không nằm trong các mặt hàng tính chỉ số giá.
Theo Nguyễn Hòa (VEN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.