Sự sụt giảm tồi tệ
Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) dự báo nền kinh tế Anh đang chuẩn bị đối mặt sự sụt giảm tồi tệ nhất trong hơn 3 thế kỷ qua do đại dịch Covid-19. BOE hôm qua cho biết tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế xứ sở sương mù có thể giảm 14% trong năm nay.
Đó sẽ là mức giảm hàng năm lớn nhất kể từ khi kinh tế nước này giảm 15% vào năm 1706 (dựa trên thống kê của BOE). Thống đốc Andrew Bailey cho biết BOE sẽ làm mọi biện pháp hỗ trợ cần thiết cho nền kinh tế Anh đối phó với sự lây lan của dịch bệnh, nhưng hiện tại đã dừng công bố các biện pháp kích thích kinh tế mới.
Trong một báo cáo BOE về tác động của đại dịch tới nền kinh tế, GDP của nước Anh đã giảm 3% trong quý I và dự báo giảm 25% trong quý II. Sự suy giảm này khiến cho quy mô nền kinh tế nước Anh năm nay sẽ giảm 30% so với cuối năm 2019. Tỉ lệ thất nghiệp dự kiến sẽ tăng lên 9%.
BOE dự kiến kinh tế Anh sẽ phục hồi nhanh chóng vào năm 2021, nhưng tổ chức này cũng cảnh báo rằng dựa trên giả thiết việc nới lỏng dần các biện pháp giãn cách xã hội và các biện pháp kích thích tài chính và tài khóa "rất lớn", những ước tính này phụ thuộc vào "diễn biến của đại dịch, và cách chính phủ, hộ gia đình và doanh nghiệp ứng phó với dịch bệnh này".
Lãnh đạo BOE cũng không quên cảnh báo rằng những dự báo trên đang dựa trên những giả định tích cực hơn là tiêu cực.
Các nhà kinh tế tại Ngân hàng Commerzbank dự báo kinh tế xứ sương mù sẽ hứng chịu nhiều thiệt hại hơn và tốc độ phục hồi sẽ chậm hơn. Dữ liệu trong quá khứ cho thấy tình trạng kinh tế giảm sút và tỉ lệ thất nghiệp cao sẽ kéo dài hơn.
"Chúng ta chưa bao giờ trải qua 1 dịch bệnh đáng sợ như hiện tại và tất cả các nhà dự báo đang gặp nhiều khó khăn trong việc xác định hiện trạng kinh tế, chứ chưa nói đến những gì sẽ xảy ra tiếp theo. Nhưng 1 điều chắc chắn là vài tháng tới, chúng ta sẽ chứng kiến nền kinh tế lao dốc với tốc độ lớn nhất trong lịch sử", ông Peter Dixon, nhà kinh tế của Commerzbank nói.
Nước Anh hiện có hơn 200.000 ca nhiễm Covid-19 và hơn 30.000 người đã tử vong vì dịch bệnh này. Đã xuất hiện nhiều lời đồn rằng chính phủ đang cân nhắc việc nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội áp dụng từ cuối tháng 3 từ thứ 2 tuần này, nhưng một vị bộ trưởng cho biết chưa có quyết định nào được đưa ra.
"Chính phủ chưa đưa ra quyết định cuối cùng nào về vấn đề nới lỏng lệnh giãn cách xã hội. Tôi chỉ muốn nói với mọi người rằng không nên chủ quan với dịch bệnh," Bộ trưởng Bộ Bắc Ireland Brandon Lewis nói.
Mở cửa lại nền kinh tế?
Một số nước châu Âu đã thực hiện từng bước mở lại nền kinh tế khi các quan chức EU dự báo kinh tế khu vực này sẽ chứng kiến sự sụt giảm lớn nhất kể từ Đại Khủng hoảng. Hội đồng Châu Âu dự báo nền kinh tế khối năm nay sẽ giảm tốc độ tăng trưởng ở mức 7,5%, và sự sụt giảm kỉ lục này sẽ diễn ra đồng thời tại 19 quốc gia sử dụng chung đồng euro.
BOE đã áp dụng một số biện pháp để hỗ trợ nền kinh tế sau nhiều tuần phong tỏa và hoạt động kinh tế trì trệ như giảm lãi suất xuống mức thấp kỷ lục trong tháng 3 và công bố 1 chương trình mua trái phiếu trị giá 200 tỷ bảng Anh (tương đương 248 tỉ USD).
Đồng thời, chính phủ còn tung ra 1 chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp bao gồm giảm thuế với tổng trị giá 30 tỷ bảng Anh (37 tỷ USD) và các khoản vay không tính lãi suất trong tối đa 12 tháng.
Chính phủ cũng đang trả lương cho hơn 6 triệu nhân viên trong thời gian ban đầu 3 tháng.
Trong những tháng tới, chính phủ sẽ triển khai các biện pháp hỗ trợ tiếp theo. Hai thành viên của ủy ban chính sách tiền tệ thuộc BOE đã bỏ phiếu thông qua kế hoạch bơm thêm vào nền kinh tế 1 chương trình cứu trợ 100 tỷ bảng Anh (tương đương 124 tỷ USD).
Các nhà kinh tế hi vọng các thành viên khác của ủy ban sẽ thông qua chương trình cứu trợ mới này khi tình hình dịch bệnh được cải thiện.
Nếu đại dịch Covid-19 tiếp tục lây lan và chính phủ buộc phải gia hạn hoặc tái áp dụng lệnh phong tỏa, nước Anh có thể cần nhận được khoản kích thích kinh tế lớn hơn 100 tỷ bảng Anh. "BOE sẽ phải hỗ trợ nền kinh tế nhiều hơn nữa," trích dẫn nhận định của các nhà nghiên cứu tại hãng Capital Economics.
-
Châu Âu chật vật tìm tiếng nói chung để giải cứu nền kinh tế
CafeLand - Khả năng phục hồi sau cú sốc kinh tế tồi tệ nhất của châu Âu kể từ cuộc “đại suy thoái” đang bị đe dọa bởi việc khơi lại các vết thương cũ về chính trị và các vấn đề về pháp lý. Điều này có thể đe dọa đến hàng nghìn tỉ Euro tiền kích thích.