Một rẻo đất dư được đại diện Công ty giày An Lạc (số 3 đường Tên Lửa, phường An Lạc A, Q.Bình Tân, TPHCM) lập ba hợp đồng (HĐ) bán cho một người

Rẻo đất có quán cà phê Phượng Cali tràn ra lòng đường

Điểm "nóng" từ rẻo đất dư

Khoảng năm 1993, Công ty giày An Lạc (xin viết tắt là công ty) nhận sang nhượng đất của nhiều người ở xã Bình Trị Đông, huyện Bình Chánh (nay là phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân) để làm nhà ở cho công nhân viên (CNV). Ngày 22-6-1993 được UBND thành phố giao hơn 1,08 hécta đất, công ty phân 46 nền nhà và tiếp tục nhận sang nhượng thêm một số diện tích khác, sau đó phân thành 50 nền cấp cho CNV. Ngoài ra, ở những góc giáp với các trục đường còn có một số rẻo đất trống, không đủ làm nền nhà nên công ty sang nhượng cho những người ở cạnh các rẻo đất đó.

Trong 50 nền được chia có nền 50A, được bố trí cho ông Nguyễn Tiến Thắng. Về sau, ông Thắng sang nhượng lại cho ông Phạm Tuấn Anh (SN 1972, ở quận 7). Ngày 14-6-2002, ông Anh được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nền 50A. Bên cạnh đó có rẻo đất dư hình tam giác, khoảng 80m2, sau khi liên hệ với công ty để mua, năm 2005 ông Anh xây nhà trên nền 50A, xong cho người khác thuê mở hai quán cà phê “lùm” mang tên Phượng Cali và Thanh Tuyền.

Năm 2007, quận Bình Tân lấp kênh nối đường Vành Đai Trong, rẻo đất bên cạnh nền 50A nằm ở giao lộ đường Vành Đai Trong - Đỗ Năng Tế, gần giống hình chữ nhật, diện tích 105m2. Cuối năm 2007, chủ các quán cà phê trên rào lưới B40, che mái trên rẻo đất dư, bị người dân phản ứng.

Ngày 23-11-2012, ông Hồ Lê Nguyên Khôi (trú 122/7 Tên Lửa, P.Bình Trị Đông B) gửi đơn lên phường đề nghị không cấp sổ đỏ rẻo đất trống cho ông Anh và các quán cà phê phải tháo dỡ những phần xây dựng trái phép quanh đó. Ngày 24-1-2013, Thanh tra xây dựng (TTXD) quận Bình Tân có văn bản số 15/TTrXD xác nhận ông Anh chưa được cấp sổ hồng có rẻo đất dư bên cạnh nền 50A. Việc xây dựng trên đó khi chưa có sự cho phép của cơ quan chức năng là vi phạm. Sau văn bản này, ông Anh cung cấp một “hợp đồng (HĐ) sang nhượng đất” lập ngày 15-10-2002 giữa ông và ông Dương Văn Khánh, lúc bấy giờ là Giám đốc Công ty giày An Lạc, đứng bán rẻo đất bên cạnh nền 50A, năm 2002 có diện tích khoảng 80m2, nhưng trong HĐ được đôn lên thành 105m2, giá 190 triệu đồng.

Lập lờ đánh lận con đen

“Hợp đồng sang nhượng đất” giữa ông Khánh và ông Anh có nhiều điểm lạ lùng. Mặc dù chỉ có ông Khánh đứng ra đại diện sang nhượng nhưng lỡ xảy ra tranh chấp, ông này lại “đẩy” trách nhiệm cho công ty khi chêm vào cuối HĐ dòng chữ “Nếu có ai tranh chấp, khiếu nại, công ty hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật”. Lúc ông Khánh sang nhượng đất cho ông Anh, quận Bình Tân chưa thành lập, nhưng trên HĐ này, con dấu Công ty giày An Lạc được cấp bởi quận Bình Tân - tức công ty có con dấu được quận Bình Tân cấp trước khi thành lập quận (!). “Khi tôi phát hiện việc lập HĐ bán đất “lạ” có sử dụng con dấu “đi trước thời đại” của công ty, TTXD quận Bình Tân mời tôi lên làm việc. Cán bộ quận nói ông Anh đã có giấy tờ sang nhượng rẻo đất bên hông nền 50A nên nó thuộc về ông ấy. Tôi phân tích những điểm phi lý trong HĐ thì họ im lặng”, ông Khôi nói.

Ngày 3-7-2013, TTXD quận Bình Tân mời ông Anh đến làm việc. Ông này trưng ra “HĐ sang nhượng đất” thứ hai giữa ông với Công ty giày An Lạc về rẻo đất bên cạnh nền 50A. Người đại diện cho công ty vẫn là ông Khánh và sử dụng con dấu giống HĐ thứ nhất. Để phù hợp với thời điểm quận Bình Tân đã được thành lập, thời gian trong HĐ thứ hai bị “hô biến” từ ngày 15-10-2002 thành 20-2-2004! Ông Anh ghi vào biên bản làm việc với TTXD quận: “HĐ ghi ngày 15-10-2002 không có thật. HĐ công ty xác nhận đúng là HĐ ghi ngày 20-2-2004”. Ngày 9-1-2013, trong buổi làm việc trực tiếp, TTXD quận đề nghị phường xác định thời điểm xây dựng căn nhà ngoài ranh giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà của ông Anh để có cơ sở xử lý. Riêng phần đất ông Anh cung cấp hai HĐ sang nhượng với công ty vào năm 2002 và 2004, đề nghị UBND phường kiểm tra, xác minh đề xuất hướng xử lý hoặc báo cáo UBND quận để có chỉ đạo tiếp theo”.

Trong khi kiến nghị của người dân chưa được giải quyết thấu đáo thì ngày 2-4-2014, phường Bình Trị Đông B mời ông Khôi lên làm việc với nội dung... “hòa giải tranh chấp dân sự về đất đai”. Do không đúng nội dung nên ông Khôi không đi. Ngày 18-4-2014, phường lại mời ông Khôi lên làm việc để xác minh nguồn gốc đất. Trong cuộc họp này, ông Anh tiếp tục chìa ra “HĐ sang nhượng” thứ ba đối với rẻo đất cạnh nền 50A, nội dung tương tự hai HĐ trước, nhưng thời điểm lập được quay trở lại trùng với thời gian lập HĐ thứ nhất mà ông Anh đã tự ghi ý kiến bác bỏ khi làm việc với TTXD quận Bình Tân. Tại HĐ thứ ba, con dấu của Công ty giày An Lạc không còn của quận Bình Tân mà do huyện Bình Chánh cấp. Ông Khôi đặt câu hỏi: “Chỉ với một rẻo đất nhưng có tới ba HĐ được lập của cùng một người bán cho một người mua là điều quá bất thường”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Khánh - hiện là cố vấn Hội đồng quản trị Công ty giày An Lạc - cho biết: “Ông Anh là nhân viên công ty. Thấy ông này gặp khó khăn về nhà ở nên công ty cố gắng tạo điều kiện cho được mua đất. Quá trình làm HĐ, do không chú ý kỹ nên có sai sót trong việc đóng dấu”. Bà Phạm Thị Hà - Giám đốc Tài chính công ty giày An Lạc - cho biết thêm: “Trong ba HĐ trên, có hai HĐ được lập ngày 15-10-2002 là do tôi soạn. HĐ đầu tiên có dấu của Công ty giày An Lạc, được huyện Bình Chánh cấp. Thấy việc cấp đất kéo dài nên anh Khánh gặp tôi nhờ: “Chị nói sếp ký giúp HĐ khác để em giao dịch vụ làm cho nhanh”. Vì thế tôi có soạn HĐ thứ hai đưa cho Khánh ký. Anh này giao dịch vụ làm sao đó mà việc đóng dấu vào HĐ mới và phát sinh thêm HĐ là chưa đúng pháp luật. Trong việc này có một phần lỗi do tôi”.

Hải Văn (Công an TPHCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.