Chi phí đầu vào cho sản xuất tăng mạnh, khiến giá các vật liệu xi măng, thép, cát , gạch…trong xây dựng đội giá, khiến các chủ đầu tư đối mặt với nhiều khoá khăn và có nguy cơ lỗ vốn.
Nguyên vật liệu đội giá chóng mặt

Tính từ đầu năm 2011 đến nay, giá thép đã tăng gần 3 triệu đồng/tấn. Riêng trong tuần đầu tiên của tháng 3 vừa qua, một loạt các công ty thép như: Công ty Cổ phần Gang Thép Thái Nguyên, Thép Vina Kyoei, Thép Việt, Pomina... cũng điều chỉnh tăng giá từ 300 - 600 nghìn đồng/tấn.


Giá thép giao tại Công ty Cổ phần Gang Thép Thái Nguyên (Tisco) có giá bán dao động từ 15.75 - 16.55 triệu đồng/tấn tùy loại, chưa có thuế VAT. Sau khi điều chỉnh thêm 600 nghìn đồng thì thép cuộn phi 6 - phi 8 tròn trơn nâng lên 16.1 triệu đồng/ tấn; thép cây vằn phi 10 bán với mức giá 16.35 triệu đồng/tấn; thép phi 12 và phi 14 cây vằn giá bán lần lượt là 16.2 triệu đồng và 16.1 triệu đồng/tấn.



Ảnh minh họa

Cũng trong tháng 3/2011, Công ty thép Thép Vina Kyoei đã điều chỉnh giá tăng 500,000 đồng/tấn, lên trên 17 triệu đồng/tấn (giá chưa thuế VAT). Thép của công ty Pomina được điều chỉnh tăng 400,000 đồng/tấn, lên 17.06 triệu đồng/tấn (giá chưa thuế VAT).

Tổng Công ty Thép Việt Nam văn phòng tại TPHCM điều chỉnh giá bán tăng 600,000 đồng/tấn, với giá thép giao tại nhà máy lên 16.71 triệu - 16.92 triệu đồng/tấn (chưa thuếVAT).


Tăng đồng thời cùng giá thép, trong hai tháng vừa qua, giá xi măng tại các nhà máy cũng tăng đáng kể. Từ ngày 1/4, nhiều thương hiệu xi măng bắt đầu tăng giá thêm 150,000 đồng/tấn. Cụ thể, giá xi măng giao tại nhà máy của Hà Tiên 1 giữ mức 1.56 triệu đồng/tấn, Nghi Sơn khoảng 1.57 triệu đồng/tấn, Fico khoảng 1.5 triệu đồng/tấn... Hà Tiên 1 tăng giá bán xi măng rời chưa đóng bao thêm 120,000 đồng/tấn, giá bán giao tại nhà máy cho loại xi măng này ở mức 1,48 triệu đồng/tấn. Hiện giá xi măng bán lẻ ngoài thị trường tự do cũng đã tăng 83,000-85,000 đồng/bao.


Qua khảo sát tại một số đại lý tại địa bàn Hà Nội, hiện giá xi măng như Hoàng Thạch, xi măng Quốc phòng, xi măng Quốc phòng đang được bán trong mức 1.5 -1.6 triệu đồng/tấn tùy theo từng các thương hiệu. Còn giá thép các thương hiệu như Pomihoa, thép Thái Nguyên, Công ty Thép Vina Kyoei được bán lẻ dao động khoảng từ 18 – 19 triệu đồng/ tấn.


Ngoài xi măng và thép, một số các vật liệu xây dựng khác như gạch ngói, cát, đá, sơn, giá cũng đều tăng giá từ 10 đến 30%.


Ngoài vật liệu xây dựng thì xăng, điện cũng đang trong đà tăng giá mạnh. Tính đến thời điểm hiện nay, giá xăng đã tăng thêm 33%, điện tăng 15.3%. Trong tuần cuối tháng 3 vừa qua, còn có thông tin giá than cũng sẽ tăng 40%. Theo ông Nguyễn Văn Thiện, Chủ tịch Hiệp hội XMVN “Việc giá điện, than, xăng dầu, tỉ giá VND/USD và lãi suất đều tăng, khiến giá các loại nguyên vật liệu bị đội giá lên khá nhiều. Điển hình là giá xi măng đã tăng thêm từ 22-30%, tuỳ quy mô của từng nhà máy. Nếu không tăng giá để bù các chi phí năng lượng sản xuất thì ngành xi măng sẽ khó trụ vững”


Nhà đầu tư gặp khó


Giá nguyên vật liệu tăng khiến các chủ đầu tư xây nhiều khó khăn vì chi phí đầu vào tăng cao. Mỗi công trình xây dựng, giá nguyên vật liệu thường chiếm từ 40 - 70% tổng dự toán. Theo nhận định của Viện Kinh tế Xây dựng, sự thay đổi giá các vật liệu xi măng, thép xây dựng, đá, cát và gạch sẽ làm chi phí xây dựng tăng từ 1.25 đến 1.4 lần.


Theo Giám đốc một công ty xây dựng tư nhân tại Hà Nội: “Công ty của tôi hiện đang xây dựng 2 công trình nhưng đứng trước nguy cơ lỗ vốn . Vì khi ký hợp đồng với khách hàng vào tháng 6/2010, giá thép chỉ 12 triệu đồng/tấn, còn đến thời điểm hiện nay đã lên trên 16 triệu đồng/tấn. Nếu không đàm phán lại với một đơn giá thi công mới, chắc chắn công ty sẽ lỗ”.


Một giám đốc công ty Xây dựng khác cũng cho biết “khi đầu tư xây dựng chúng tôi đều hy vọng có thể lãi từ 15 – 20% nhưng với tình hình vật liệu tăng gần 15% như hiện nay thì chắc chắn sẽ lỗ, nếu may mắn lắm thì hoà vốn”



Ảnh minh họa

Giá vật liệu tăng, sẽ khiến các dự án đang xây dựng bị trượt giá do thời gian thi công thường kéo dài từ 3-5 năm. Đây là một thực tế khó khăn mà nhiều chủ đầu tư đang phải đối mặt. Sự biến động mạnh giá nguyên vật liệu so với dự toán tạo ra một sức ép đáng kể lên mỗi dự án. Nhiều công ty xây dựng hoặc đang thi công cầm chừng hoặc đang “đắp chiếu” công trình.

Khảo sát hàng loạt công trình chung cư mini đang thực hiện xây dựng ở địa bàn Hà Nội cho thấy, các chung cư đang thi công cầm chừng và phải lên phương án tiếp tục tăng giá bán để bù giá.


Ông Nam, chủ đầu tư dự án chung cư mini tại xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, Hà Nội cho biết, khi bắt đầu xây dựng, giá dự tính khi hoàn thành khoảng 4.2 triệu đồng/m2, nhưng hiện nay đã tăng lên khoảng hơn 5 triệu đồng/m2. Đến lúc hoàn thành, mỗi căn hộ sẽ tăng giá thêm từ 40-60 triệu đồng/căn cho diện tích từ 35-55 m2. Trong thời điểm thị trường bất động sản đang khó khăn như hiện nay, việc chung cư mini bán với giá cao để lấy vốn tiếp tục thi công là điều rất khó khăn.


Theo Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, giá thành xây dựng tăng ảnh hưởng lớn đến các công trình xây dựng nhưng chỉ có các công trình nhỏ và vừa do các nhà thầu nhỏ mới gặp khó khăn. Những nhà thầu lớn không bị thiệt hại nhiều do đã ký hợp đồng có điều chỉnh giá theo biến động của thị trường.
Cafeland.vn - Theo VTC News
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland