Lãng phí nhà thi đấu đa năng
Sáng 16.12, chúng tôi đến Nhà thi đấu đa năng TP.Cần Thơ (số 2, đường Lê Lợi, Q.Ninh Kiều), trong sân nhà thi đấu rộng khoảng 1.500 m2, mái che cao gần 20 m có 4 sinh viên đang chơi cầu lông. Một người tên Nguyễn Văn Nghĩa, sinh viên Trường đại học Cần Thơ cho biết: “Thỉnh thoảng cuối tuần tụi em rủ nhau xuống sân này chơi. Sân đẹp lại ít người nên cười đùa thoải mái”.
Công trình Nhà thi đấu đa năng TP.Cần Thơ được xây dựng từ 1999, khánh thành tháng 4.2004 có tổng vốn đầu tư gần 30 tỉ đồng. Nhà thi đấu có tổng diện tích sử dụng là 8.640 m2, khán đài có sức chứa 2.500 người. Hệ thống thiết bị (điện, ánh sáng, độ thông thoáng và âm thanh) của nhà thi đấu này đạt tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế. Đây cũng là nhà thi đấu TDTT quy mô lớn nhất ĐBSCL. Tuy nhiên, hiện tại, toàn bộ sân nhà thi đấu đa năng hoành tráng này lại bị chia nhỏ thành 7 sân cầu lông chỉ để cho thuê!
Ngồi ở quầy thu tiền phía ngoài, anh Vinh, quản lý Nhà thi đấu đa năng TP.Cần Thơ cho biết nhà thi đấu này do Trung tâm thể dục thể thao, thuộc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch quản lý. “Hiện tại thu mỗi giờ thi đấu 20.000 đồng vào ban ngày và tối là 25.000 đồng. Nhưng thường buổi tối ít người chơi trong khi chi phi tiền điện khá nhiều bởi mỗi lần mở đèn là cả giàn đèn lớn 6 bóng đều sáng” - anh Vinh nói. Cũng theo anh Vinh, trước đây nhà thi đấu là một sân bóng futsal, kết hợp với sân bóng rổ. Tuy nhiên, sân bóng khai thác không hiệu quả nên đã dẹp bỏ khung thành, trong khi chơi bóng rổ rất bất tiện vì mỗi khi di chuyển trụ rổ rất khó khăn và dễ làm hư nền. Hiện hai trụ bóng rổ chuyên dụng đã phải bỏ ra bên ngoài phơi nắng, phơi mưa.
Hai trụ bóng rổ bị dẹp ra bên hông Nhà thi đấu đa năng TP.Cần Thơ - Ảnh: Đ.Tuyển
Anh Vinh cũng cho biết tại nhà thi đấu đa năng này, thỉnh thoảng có cho thuê để tổ chức sự kiện, chương trình ca nhạc... mỗi sô như vậy cũng thu được vài chục triệu đồng. Ngoài ra, phía trên Nhà thi đấu đa năng TP.Cần Thơ có cho một CLB tập thể hình thuê nhưng hiện cũng ít khách vì có nhiều CLB mở ra cạnh tranh.
Công trình HKPĐ “đóng khung”
Cũng như nhà thi đấu đa năng, các công trình nhà thi đấu được xây dựng để phục vụ Hội khỏe Phù Đổng (HKPĐ) vừa diễn ra tại TP.Cần Thơ hiện cũng đang khai thác kém hiệu quả. Theo danh mục các công trình đầu tư để phục vụ HKPĐ toàn quốc lần thứ 8 năm 2012, TP.Cần Thơ đã duyệt kinh phí gần 877 tỉ đồng để xây dựng, cải tạo 28 địa điểm thi đấu; trong đó có gần 18 nhà thi đấu đa năng trải khắp quận huyện. Tuy nhiên, sau khi HKPĐ kết thúc, nhiều công trình chỉ còn là nơi học sinh tập thể dục và cho thuê ngoài giờ.
Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa (Q.Bình Thủy) là một trong những nơi được chọn xây dựng nhà thi đấu đa năng với mức đầu tư gần 11,5 tỉ đồng và chia thành 4 sân cầu lông. Theo ông Phan Trữ, Hiệu trưởng, bình thường nhà thi đấu là nơi học sinh học thể dục và làm hội trường lớn của trường. Ngoài giờ học, trường tận dụng cho thuê thêm. Ông Trữ nói: “Ngoài giờ học trường cho thuê sân chơi cầu lông, sáng từ 5 giờ đến 7 giờ 30; chiều từ 17 giờ đến 21 giờ mỗi ngày, mỗi giờ là 18.000 đồng”. Mới đây trường này cũng cho thuê làm CLB tập aerobic với giá 1 triệu đồng/tháng nhưng cũng còn ít người đến tham gia.
Tương tự là nhà thi đấu của Trường THCS Mỹ Khánh (H.Phong Điền) có diện tích trên 860 m2, nền được lót thảm mền, tổng mức đầu tư trên 8,4 tỉ đồng, nhà thi đấu Trường THPT Nguyễn Việt Dũng, (Q.Cái Răng) kinh phí xây dựng trên 8,4 tỉ đồng... sau HKPĐ cũng gần như “trùm mền” khi chỉ để hoạt động ngoại khóa, tránh nắng trong các tiết học thể dục...
Không ai phủ nhận chủ trương đầu tư xây dựng các nhà thi đấu đa năng trong các trường học nhằm mục đích phục vụ HKPĐ và sau đó tiếp tục sử dụng để giáo dục thể chất cho học sinh. Thế nhưng, trong thời điểm cần thắt chặt đầu tư công cũng như còn rất nhiều công trình dân sinh đang “đói vốn” thì việc đầu tư xây dựng những công trình thể thao lớn nhưng lại chưa khai thác hết công năng hoặc sử dụng một cách lãng phí rõ ràng đó là do sự quản lý yếu kém của ngành TDTT Cần Thơ.