Trong hơn 10 năm qua ngành thể thao đã liên tục đầu tư lớn để xây dựng những công trình phục vụ các sự kiện quốc tế và sắp tới đây, với việc đăng cai Asiad 2019 cũng sẽ đổ ra thêm hàng trăm triệu USD cho cơ sở vật chất.
Tại Hà Nội, để đăng cai tổ chức SEA Games 22 (năm 2003), ngành thể thao đã chi mạnh hàng ngàn tỉ đồng xây dựng Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình. Đây cũng là công trình thể thao được đầu tư lớn nhất từ trước đến nay. Hoành tráng nhất tại liên hợp này là Sân vận động (SVĐ) Mỹ Đình, có tổng mức đầu tư lên tới 53 triệu USD với sức chứa 40.000 chỗ ngồi phục vụ cho môn bóng đá. Nhưng sau 9 năm đưa vào sử dụng, công trình thể thao lớn nhất nước này đã bị xâm hại đến đau lòng.
Nhà tập bắn cung biến thành vũ trường - Ảnh: Hải Sâm
Sân vận động... lẩu gà, massage
Theo quan sát của Thanh Niên, hiện tại mặt tiền SVĐ này mọc lên rất nhiều dịch vụ không liên quan đến hoạt động thể thao. Phía trái SVĐ là khu “ẩm thực phố cổ” rộng hàng ngàn mét vuông với những dãy nhà cấp 4 phục vụ ăn uống. Từ bên ngoài đi vào, ngay dưới tấm biển “Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình” là băng rôn quảng cáo “Lẩu gà 3 chén, lẩu dê...”. Trưa hoặc chiều, ô tô xếp đuôi nhau thành dãy dài tại đây, thực khách cụng ly “zô zô” vang cả một góc sân.
Trước mặt tiền SVĐ, tầng 2 và 3 thuộc khán đài A được trưng dụng thành điểm massage với ánh đèn màu nhấp nháy đặc trưng. Khách đến massage được phi thẳng xe vào trước sân. Tại tầng hai, các phòng ốc của SVĐ được cải tạo để biến thành bể sục, phòng xông hơi khô, xông hơi ướt. Tại tầng 3 đội ngũ tiếp viên massage trang phục ngắn cũn cỡn ra chào khách, nhân viên lễ tân tại đây nháy mắt đầy ẩn ý “nếu không vừa mắt các anh cứ đổi vô tư”. Theo một nhân viên tại đây, chủ dịch vụ thuê lại của Ban Quản lý khu liên hợp nhiều năm nay với giá 13 triệu đồng/tháng. “Ngoài phục vụ khách bên ngoài, chúng tôi còn phục vụ cho các vận động viên với giá ưu đãi hơn, chỉ 50% so với bên ngoài”, một nhân viên ở đây cho biết. Trong khi đó, nhân viên massage, một cô gái nói giọng miền Tây Nam bộ trạc 20 tuổi cho biết, chủ yếu đấm bóp cho khách bên ngoài, còn cầu thủ thì “hiếm khi mới thấy”.
Khu ẩm thực trong khuôn viên sân Mỹ Đình
Bên cạnh điểm massage này còn có cả quầy bar và rạp chiếu phim. Tuy nhiên, do vắng khách nên rạp chiếu phim đã đóng cửa.
“Cung dưới nước” thành quán nhậu, sửa xe
Đối diện SVĐ Mỹ Đình là Cung Thể thao dưới nước, có 3 bể bơi với tổng vốn xây dựng khoảng 240 tỉ đồng. Tuy nhiên, từ ngoài đường Lê Đức Thọ nhìn vào thì “cung” này đã bị hàng chục loại hình dịch vụ kinh doanh che lấp.
Trước tiên phải kể đến nhà hàng Landscape rộng hàng ngàn mét vuông. Những khoảng trống tạo tiểu cảnh trước mặt tiền “cung” và đường Lê Đức Thọ đã bị biến thành điểm phục vụ ăn uống, tổ chức tiệc cưới. Cạnh đó là ga ra sửa chữa ô tô, dịch vụ vui chơi trẻ em... Còn phía sau thì được Trường phổ thông Newton thuê làm địa điểm giảng dạy.
Nhà hàng thủy sản trước khu thể thao dưới nước
Trái với vẻ sầm uất bên ngoài, trong “cung” vắng hoe. Người bảo vệ tại đây cho biết, mỗi năm chỉ tổ chức một vài giải đấu bơi và nhảy cầu, thời gian còn lại thì bỏ không. Từ năm ngoái, “cung” cũng mở dịch vụ dạy bơi cho trẻ em nhưng chỉ hoạt động được vào mùa hè, còn mùa đông đóng cửa.
Phía trong khuôn viên, ô tô các loại đỗ la liệt. Giải thích điều này, nhân viên bảo vệ nói “cung” còn mở cả dịch vụ trông giữ xe ô tô giá mềm. “Xe ô tô 5 chỗ ngồi chỉ khoảng 600.000 đồng/tháng, rẻ bằng một nửa nơi khác”, anh này quảng cáo thêm.
Nhà tập bắn cung thành vũ trường
Tại Hải Phòng, để chuẩn bị cho giải Asian Indoor Games 3 năm 2009, nhà nước đã đầu tư 16 tỉ đồng xây dựng nhà khởi động tập luyện bộ môn bắn cung cùng hệ thống đường, điện, âm thanh, ánh sáng tại Cung Văn hóa thể thao thanh niên (đường Lạch Tray, Q.Ngô Quyền). Trong đó, nhà tập bắn cung rộng 800 m2 với kinh phí hơn 3 tỉ đồng.
Vườn cây cảnh nghệ thuật Mỹ Đình - Ảnh: Ngô Nguyễn
Tuy nhiên bước sang năm 2010, đơn vị được giao quản lý công trình này đã hợp tác với một doanh nghiệp có trụ sở tại Q.Long Biên (Hà Nội) là Công ty TNHH thương mại xuất nhập khẩu Duyên Hà biến nhà tập bắn cung thành vũ trường. Đến khoảng tháng 7.2011, việc thi công “cải tạo” cơ bản hoàn tất, toàn bộ công trình hầu như bị bịt kín, chỉ còn duy nhất cửa ra vào ở phía mặt tiền. Đến thời điểm này thì giới trẻ Hải Phòng hầu như chẳng ai còn biết “nhà tập bắn cung” mà chỉ biết đến cái tên vũ trường Mos Club. Hằng đêm nơi đây có hàng trăm dân chơi đổ về quay cuồng dưới ánh đèn màu...
Trả lời Thanh Niên, ông Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch UBND TP.Hải Phòng cho biết một số cán bộ đã bị xử lý kỷ luật do liên quan trách nhiệm đến vụ việc này. Tuy nhiên giải thích về sự tồn tại của Mos Club, ông Nam cho rằng: “Công ty Duyên Hà đã đầu tư quá nhiều vào công trình này, nếu yêu cầu phá bỏ thì sẽ xảy ra kiện tụng giữa các bên, rất phức tạp. Bên cạnh đó, hiện khu vực này chưa có kế hoạch sử dụng, trong khi thành phố cũng đang cần một nơi vui chơi nên vẫn cho phép công trình này tồn tại”.
“Thí điểm thu hút đầu tư” Ông Cấn Văn Nghĩa, Giám đốc Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình, phân trần: “Chúng tôi không dám tự ý khai thác, ký kết các hợp đồng dịch vụ thương mại nếu không được sự đồng ý của các cơ quan chức năng. Và Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình được chọn làm thí điểm thu hút đầu tư. Sau đó vài tháng, Bộ Tài chính và Bộ VH-TT-DL, UBND TP.Hà Nội liên tiếp có những văn bản đồng ý cho lựa chọn đối tác liên doanh, liên kết, khai thác sử dụng đất nằm trong khuôn viên khu liên hợp, một phần khai thác dịch vụ có thời hạn, một phần vẫn phục vụ hoạt động thể thao, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước”. Còn bà Vũ Thị Thu Hương, Phó giám đốc, lại cho hay: “Nói rất thật là chúng tôi thu rất ít từ các giải thể thao vì nhiệm vụ chính trị là hỗ trợ các đơn vị cùng ngành tổ chức các sự kiện. Ví dụ, giải điền kinh quốc gia do Tổng cục TDTT, Liên đoàn Điền kinh tổ chức, kinh phí là 130 triệu đồng, thì khu liên hợp chỉ thu 50 triệu đồng, 80 triệu còn lại chúng tôi chi trả. Hay như các trận đấu giao hữu của tuyển VN, mỗi trận khu liên hợp thu của Liên đoàn Bóng đá VN từ 100 đến 200 triệu, mà một năm chỉ có cùng lắm 2 - 3 trận giao hữu. Nếu chỉ trông chờ vào các giải đấu thể thao, thì khu liên hợp buộc phải dùng đến quỹ nhà nước để nuôi sân”. |