Tại cuộc họp báo kinh tế - xã hội TP.HCM mới đây, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM Nguyễn Thanh Nhã cho biết, sau khi TP tổ chức cuộc thi tuyển quốc tế “Ý tưởng quy hoạch phát triển Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TP.HCM”, Công ty Sasaki của Mỹ đã đạt giải nhất với phiếu đánh giá rất cao.
Theo ý tưởng quy hoạch của Sasaki, TP Thủ Đức trong tương lai sẽ có 6 trung tâm quan trọng gồm: Trung tâm tài chính quốc tế Thủ Thiêm; Khu thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc; Trung tâm công nghệ cao Sài Gòn; Trung tâm công nghệ giáo dục (Đại học Quốc gia TP.HCM); Khu công nghệ sinh thái Tam Đa và Khu đô thị tương lai Trường Thọ.
"6 trung tâm này được đưa ra theo đúng tiêu chí của đề bài, trong đó có tính toán, có nhắc lại các điều kiện hiện hữu của khu vực chứ không phải là một đề xuất hoàn toàn mới, từ đó đề ra ý tưởng quy hoạch mang tính khả thi", ông Nhã nói.
6 trọng điểm sáng tạo của khu đô thị sáng tạo phía Đông. (Ảnh: Sasaki)
Công trình nào sẽ được nhìn thấy đầu tiên ở TP Thủ Đức?
Ông Nhã cho biết, trong 6 trung tâm quan trọng nói trên có 3 trung tâm đã hình thành, đang hình thành và sẽ tiếp tục phát triển, gồm có: Khu đô thị mới Thủ Thiêm; Khu công nghệ cao và Khu đại học quốc gia TP.HCM. "Như vậy đây sẽ là những công trình đầu tiên sẽ được nhìn thấy ở TP Thủ Đức trong tương lai", ông Nhã nói.
Ông Nhã cũng cho biết, ngoài 6 trọng tâm quan trọng trên, Thành ủy, UBND TP.HCM cũng đề ra 2 trọng tâm quan trọng khác gồm: Trọng tâm kết nối về giao thông nằm ở phía Bắc của khu chế xuất Linh Trung và khu phía Nam thuộc khu vực cảng Cát Lái.
"Như vậy là có 6 trọng tâm ban đầu và có 2 trọng tâm bổ sung. Các trọng tâm này sẽ hình thành nên mạng lưới các hoạt động sáng tạo của khu đô thị sáng tạo phía Đông TP. Về mặt quy hoạch sẽ có một hệ thống giao thông mới để kết nối 6 khu trọng tâm và 2 trọng tâm bổ sung lại với nhau, để mang đúng ý nghĩa là tương tác cao ở đây", ông Nhã thông tin.
Phối cảnh khu đô thị sáng tạo phía Đông. (Ảnh: Sasaki)
Theo Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, về mạng lưới giao thông ở đây sẽ hình thành trên nền tảng cải tạo lại một số trục đường lớn phía Đông TP cũng như gia tăng 2 tuyến lớn, gồm tuyến ngang và tuyến dọc, từ đó kết nối các tiện ích và hạ tầng giao thông quan trọng trong khu vực gồm có cao tốc TP.HCM - Dầu Giây hay đường quốc lộ 1A , tuyến metro số 1…
"Như vậy TP phía Đông sẽ có 8 trọng điểm và hệ thống giao thông kết nối, ngoài ra ở đây sẽ có thêm các cơ chế, chính sách để làm sao tạo điều kiện cho các hoạt động của 8 khu vực này được vận hành một cách xuyên suốt, hiệu quả", ông Nhã nhấn mạnh.
Yếu tố con người quyết định sự thành công
Hiện nay khu vực phía Đông TP.HCM bao gồm Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức, với tổng diện tích tự nhiên khoảng 21.000 ha (khoảng 10% diện tích thành phố) và quy mô dân số hơn 1 triệu người (chiếm 12% tổng dân số TP).
Theo chỉ tiêu cơ bản về quy hoạch đô thị tại TP Thủ Đức, dân số cư trú sẽ đạt mức 1,5 triệu người vào năm 2030, đạt mức 1,9 triệu người vào năm 2040 và đạt mức 3 triệu người vào năm 2060.
Phối cảnh của Sasaki về một góc TP Thủ Đức.
Giám đốc Sở Quy Hoạch - Kiến trúc TP.HCM Nguyễn Thanh Nhã cho biết, quy hoạch đô thị sẽ tính toán cho mức dân số tối đa để chuẩn bị cho nhu cầu tương lai.
"Yếu tố con người tại khu vực này này rất quan trọng, quyết định phần lớn sự thành công của khu đô thị sáng tạo. Như vậy cũng sẽ có những cơ chế, chính sách cũng như một số đề xuất về mặt bảo tồn, mặt cảnh quan và mặt quy hoạch vẫn đảm bảo sự ổn định cho khu dân cư hiện hữu và có những định hướng phát triển khác phù hợp với khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông. Đây là một vấn đề cơ bản trong quy hoạch và cũng là nền tảng để phát triển TP trong tương lai", ông Nhã khẳng định.
Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TP.HCM (TP Thủ Đức) là một chiến lược phát triển có tầm nhìn 20 năm, được phân chia thành 3 giai đoạn. - Giai đoạn 1: (2020 - 2022): Ban hành kế hoạch và khung phát triển tổng thể, các quy định về quy hoạch, đất đai, đầu tư. Thu hút các công ty đầu tàu, đào tạo nhân lực, thúc đẩy lực lượng lao động hiện đại để đáp ứng nhu cầu phát triển ngành kinh tế sáng tạo. - Giai đoạn 2: (2022 - 2030): Xây dựng công trình tại các trung tâm đổi mới sáng tạo. Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nhóm và tạo mạng lưới liên kết. Cải thiện tình trạng giao thông và môi trường đô thị. - Giai đoạn 3: (2030 - 2040): Quảng bá dự án quy mô quốc tế. Thiết lập mạng lưới hợp tác toàn cầu. Ghi nhận sự tăng trưởng mạnh của nền kinh tế sáng tạo. |
-
TPHCM đề xuất lập thành phố Thủ Đức theo tiêu chí đô thị loại 1
UBND TPHCM vừa có tờ trình Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận kết quả rà soát, đánh giá khu vực dự kiến thành lập thành phố Thủ Đức theo tiêu chí đô thị loại 1.