CafeLand - Năng lực thi công của một số nhà thầu còn hạn chế, không tuân thủ theo quy định của thiết kế là một trong những lý do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đưa ra khi trả lời chất vấn của các đại biểu tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV về tình trạng các công trình xây dựng hạ tầng giao thông có chất lượng khá kém, nhiều công trình xuống cấp nhanh.

Theo thống kê của Bộ Giao thông Vận tải, từ năm 2015 đến nay, ngành giao thông vận tải đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 218 công trình. Mặc dù các công trình giao thông hoàn thành được đánh giá là đảm bảo chất lượng theo yêu cầu thiết kế, nhưng chỉ sau một thời gian đưa vào khai thác, một số công trình có biểu hiện hư hỏng, nhanh chóng xuống cấp.

Có thể kể đến như dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Chỉ sau hơn một năm đưa vào khai thác, đoạn tuyến Km0+000 - Km65+000 đã xuất hiện tình trạng mặt đường hư hỏng cục bộ tại một số vị trí; dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh Chư Sê có kinh phí gần 250 tỉ đồng, với chiều dài hơn 10,8 km. Dự án này do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư, được khởi công tháng 5/2018 và mới hoàn thành tháng 6/2019. Tuy nhiên, ngày 3/9 vừa qua, dự án đã xuất hiện sụt lún khoảng 130 md (mét dài)…

Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, cho rằng những khiếm khuyết này không chỉ mất an toàn giao thông trước mắt mà có nguy cơ ảnh hưởng đến tuổi thọ công trình, tốn phí hàng tỉ đồng để sửa chữa, khiến hiệu quả khai thác sẽ bị giảm sút. Hơn thế nữa, thực trạng này cho thấy việc quản lý đầu tư của ngành giao thông đang rất lỏng lẻo, gây lãng phí ngân sách của nhà nước và nhân dân, làm mất lòng tin trong xã hội.

Dự án Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi sụt lún sau hơn một năm đưa vào khai thác.

Ông Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, cho rằng sai sót chủ yếu nằm ở phần thi công, do năng lực yếu kém của nhà thầu thi công. Bên cạnh đó, một số công trình giao thông hiện nay thường được phân chia thành nhiều gói thầu và nhiều nhà thầu tham gia, kể cả một số nhà thầu nhỏ năng lực hạn chế đang gây ra nhiều khó khăn cho quản lý chất lượng dự án.

Trả lời chất vấn về tình trạng này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể phân tích nguyên nhân chủ quan dẫn đến hư hỏng, chất lượng kém tại một số công trình giao thông là do ý thức và năng lực thi công của một số nhà thầu còn hạn chế, không tuân thủ theo quy định của thiết kế, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật và các cam kết hợp đồng xây dựng. Các nhà thầu còn chậm trễ thực hiện trách nhiệm bảo hành trong việc khắc phục, sửa chữa các hư hỏng, khiếm khuyết về chất lượng công trình…

Bên cạnh đó còn có nguyên nhân khác như ảnh hưởng của điều kiện địa chất, thủy văn phức tạp, ảnh hưởng của mưa lũ, biến đổi thời tiết, khí hậu.

Về trách nhiệm của các bên liên quan, phần lớn các công trình xuất hiện hư hỏng, khiếm khuyết về chất lượng nêu trên thường được phát hiện sau khi đưa công trình vào khai thác một thời gian ngắn và đang trong thời gian bảo hành công trình.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể.

Theo ông Thể, việc sửa chữa, khắc phục các hư hỏng thuộc trách nhiệm bảo hành của các nhà thầu theo quy định của hợp đồng xây dựng. Các nhà thầu phải chịu mọi chi phí của việc bảo hành công trình.

Theo quy định của Luật Xây dựng và Nghị định số 46 của Chính phủ, chủ đầu tư, Ban quản lý dự án có trách nhiệm tổ chức quản lý chất lượng công trình trong quá trình thực hiện đầu tư và kiểm tra, nghiệm thu việc thực hiện bảo hành của nhà thầu thi công xây dựng công trình. Các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát chịu trách nhiệm liên quan về chất lượng công trình đối với phần công việc do mình thực hiện.

Đại biểu Trần Anh Tuấn, cho rằng việc tuân thủ hợp đồng xây dựng các công trình là vô cùng quan trọng. Nếu như bất kỳ bên nào không tuân thủ đúng theo quy định tại hợp đồng phải có một cơ chế, chế tài xử lý nghiêm minh.

Trong trường hợp, trách nhiệm thuộc đơn cam kết trong hợp đồng thì những công trình sau những đơn vị này khó có khả năng trúng thầu. Ngay cả đối với Ban Quản lý dự án hay chủ đầu tư, một mặt có trách nhiệm hiện hữu đối với công trình đang thi công nhưng mặt khác những công trình sau này cũng không nên giao cho ban quản lý đó nữa nếu để xảy ra sai sót. Phải xử lý nghiêm minh, tránh tình trạng không làm tốt ở công trình này nhưng vẫn được trúng thầu các công trình khác.

  • Vì sao các dự án hạ tầng trọng điểm “ì ạch”?

    Vì sao các dự án hạ tầng trọng điểm “ì ạch”?

    CafeLand – Vốn giải ngân chậm, khó khăn trong giải phóng mặt bằng, một số dự án được điều chỉnh, vướng thủ tục pháp lý là nguyên nhân khiến cho nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm bị chậm tiến độ.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.