Ảnh minh họa
Bỏ ra hàng tỷ đồng để được sở hữu căn nhà P3-32 Khu dân cư Phi Long 5 (huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh), chủ hộ Nguyễn Văn Huy vẫn phải tự thuê người đến khoan giếng và dùng máy bơm hút nước lên sử dụng. Trao đổi với phóng viên TBNH, ông cho biết: Ban đầu nước còn có thể sử dụng được, nhưng về sau thì nước có mùi phèn nặng, xả nước ra có màu giống như gạch cua. Nhà ông Huy cùng nhiều hộ trong khu vực đã phải trang bị thêm hệ thống lắng lọc thì nước mới tạm thời sử dụng được. Nhưng chuyện nghẹt ống vì chất bẩn trong nước quá nhiều diễn ra thường xuyên. Đặc biệt, nước ăn uống thì người dân vẫn phải mua bình đóng chai dùng hàng ngày.
Dự án xây dựng Khu dân cư Phi Long 5, được UBND TP. Hồ Chí Minh phê duyệt cuối năm 2002, do CTCP Đầu tư Việt Nam làm chủ đầu tư. Đến nay, dự án đã cơ bản hoàn thành và một số hộ dân đã đến mua đất và xây nhà ở theo đúng quy hoạch xây dựng. Tuy nhiên, sau một thời gian sinh sống, các hạng mục trong phần cơ sở hạ tầng như hệ thống đường nước, ống thoát nước ngầm, lưới điện, đường giao thông… vẫn chưa được phía chủ đầu tư hoàn thiện. Gần 10 năm nay, nhiều hộ gia đình tại đây phải sống trong tình trạng thiếu điện, nước. Người dân đã phản ánh tới chủ đầu tư dự án, yêu cầu hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng, nhưng cho đến nay vẫn phải chờ đợi trong… mòn mỏi.
Chưa hết, ông Nguyễn Văn Bảo, chủ nhà P1-25 cho biết, mưa lớn hay mưa nhỏ hoặc triều cường thì cả khu vực chìm trong nước bẩn. Rác thải luôn ứ đọng, gây ô nhiễm nặng nề. Lý do là thiếu hệ thống cống thoát nước khiến mọi sinh hoạt của bà con gặp rất nhiều khó khăn. Chuyện điện sinh hoạt cũng vậy, người dân đều phải tự túc đầu tư. Các hộ cùng nhau bỏ tiền ra nhờ điện lực đổ cột và kéo điện tạm thời về sử dụng.
Thông tin đến người dân hiện nay là hệ thống thoát nước và hệ thống điện ngầm vẫn đang trong quá trình hoàn thành. Những câu trả lời kiểu này được lặp đi, lặp lại thường xuyên, hết năm này qua năm khác, cuối cùng dân vẫn sống trong cảnh khó khăn, thiếu điện, thiếu nước như hiện nay. Ông Bảo bức xúc: Thực trạng trên đã kéo dài hơn 10 năm nay mà chủ đầu tư vẫn “bình chân như vại”, các cơ quan chức năng cũng không chịu can thiệp, mặc dù người dân chúng tôi phản ánh lên rất nhiều. “Đi không được, ở cũng không xong”, ông Bảo cay đắng.
Trước những bất cập về cơ sở hạ tầng ở một số khu dân cư cao cấp như trên, ông Vũ Đình Thi (CTCP Tư vấn đầu tư và Thiết kế xây dựng Việt Nam) cho biết, người dân bỏ tiền tỷ ra mua nhà mà không được như ý muốn, nguyên nhân chủ yếu do phía chủ đầu tư. Chẳng hạn như để giảm giá thành đến mức thấp nhất, chủ đầu tư ở một số dự án đã đưa một số vật liệu, thiết bị như cửa gỗ, cửa nhôm, ống cấp thoát nước, dây điện, thiết bị bảo vệ… chất lượng thấp.
Trong khi đó, công tác tổ chức thi công và nghiệm thu ở một số công trình còn mang tính chất làm cho có lệ, cho “tròn hồ sơ”. Nhà thầu chạy theo tiến độ và lợi nhuận nên đã không tuân thủ đầy đủ những quy định hiện hành về tổ chức thi công và nghiệm thu các hạng mục công trình…
Ông Vũ Đình Thi nhấn mạnh, cần có sự vào cuộc các ban ngành, đoàn thể để tác động mạnh vào chủ đầu tư dự án. Cần rõ ràng và xử lý nghiêm đối với các trường hợp chủ đầu tư bớt xén, thay đổi tiêu chuẩn vật liệu, thiết bị xây dựng. Đặc biệt, vấn đề kiểm tra chất lượng xây dựng cần siết chặt ở từng khâu, kiểm tra đúng quy định theo khung chất lượng mà Bộ Xây dựng đưa ra. Có như vậy mới khắc phục được tình trạng cơ sở hạ tầng kém, không hoàn thiện ở một số chung cư cao cấp hiện nay.