Sai phạm…
Công trình 46E, Đê La Thành được cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ, đã hoàn tất phần thô 5 tầng, với diện tích xây dựng 170m2 sàn, trong khi diện tích được cấp phép chỉ là 126m2. Cửa sổ, lan can của công trình được trổ ra các phía, tầng lửng bị thay đổi so với thiết kế được phê duyệt. Công trình này “phớt lờ” các Quy chuẩn xây dựng Việt Nam và quy hoạch xây dựng tại khu vực.
Đến tháng 2-2012, công trình này bị UBND phường Thổ Quan đình chỉ thi công, nhưng chủ đầu tư vẫn xây dựng. Trước áp lực của công luận, các cơ quan từ Trung ương đến Hà Nội, tháng 9-2012, UBND quận Đống Đa mới ra Quyết định (QĐ) cưỡng chế phá dỡ mặt sàn rộng 31m2 (của cả 5 tầng). Song, đến nay, việc thực hiện cưỡng chế của quận Đống Đa chỉ là việc làm chiếu lệ.
Theo QĐ cưỡng chế số 4401 của UBND quận Đống Đa, phương án phá dỡ được Cty Tư vấn thiết kế Đại Nam lập và UBND quận thẩm định, chi phí cho việc phá dỡ là hơn 196 triệu đồng và đơn vị được quận ký duyệt tại hồ sơ phá dỡ là Cty CP Đầu tư xây dựng dân dụng Công nghiệp đô thị T&L. Tuy nhiên, đơn vị được UBND phường Thổ Quan giao phá dỡ lại là Cty OCD (Cty Ô Chợ Dừa - một Cty không có chức năng, điều kiện gì để có thể phá dỡ công trình). “Đây chỉ là hình thức mượn tên Cty để hợp thức hóa cho chủ đầu tư. Thực tế, nhân công phá dỡ vẫn chỉ là số thợ xây của chủ công trình vi phạm. Họ làm chiếu lệ, các phần vi phạm như cửa sổ, ban công… vẫn giữ nguyên” - người dân ngõ 256 tố cáo.
Ngoài ra, việc cấp giấy phép xây dựng (GPXD) 5 tầng + lửng + tum đã sai so với quy định của Bộ Xây dựng là nhà trong ngõ nhỏ dưới 6m không được cấp phép cao quá 4 tầng; theo mặt bằng phân bổ của công trình này là xây dựng chung cư mini, như vậy cũng sai với bản vẽ thiết kế được duyệt, bởi GPXD ghi rõ: Nhà ở gia đình.
Việc xây dựng không tuân thủ theo điều 13 mặt sau GPXD: Khi mở cửa sổ phải lui vào cách ranh giới đất của thửa đất xây dựng tối thiểu là 2m. Nhưng chủ đầu tư đã xây kín đất, lấn chiếm không gian xung quanh, và không tuân thủ mật độ xây dựng. “Khi có cháy nổ, biết chạy đi đâu?” là điều các hộ dân ở đây lo lắng.
… nối tiếp sai phạm
Sai phạm nối tiếp khi theo tố cáo của các hộ dân, phường Thổ Quan đã “tiếp tay” cho chủ đầu tư làm giả hồ sơ phá dỡ vi phạm, thay thế các trang sơ đồ phá dỡ. Cụ thể, tại QĐ cưỡng chế số 4401/QĐUB ngày 4-9-2012 và hồ sơ phá dỡ đã được phê duyệt số 115/QLĐT ngày 25-10-2012 đã không được thực hiện đúng, cán bộ phường đã thay thế hồ sơ giả để thực hiện việc phá dỡ nhằm bao che cho chủ đầu tư và bị phát hiện. “Hiện tại vẫn chưa có cơ quan nào xử lý việc này. Đề nghị đưa CQCA vào cuộc làm rõ” - người dân sống tại ngõ 256 đường Đê La Thành nêu kiến nghị.
Trong khi đó, theo quy định tại Điều 267 Bộ luật Hình sự thì người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ có mức hình phạt thấp nhất là phạt tiền từ 5triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Trường hợp đang được nói đến đã phạm vào khoản 1, điểm a: có tổ chức.
Về việc này đã có không biết bao nhiêu đơn từ, thư đi, công văn lại của các cơ quan, tổ chức từ Trung ương đến Hà Nội.
Động thái duy nhất mà UBND quận Đống Đa làm là Thanh tra quận cử bà Vũ Thị Như Hoa làm Tổ trưởng “tổ xác minh sai phạm tại công trình 46E đường Đê La Thành” đến làm việc. Tuy nhiên, các hộ dân cho biết, ngoài những lý lẽ mang hơi hướng bao che, cán bộ này không làm gì hơn để người dân thấy tin tưởng.
Ngày 2-4-21013, Văn phòng Chính phủ có thông báo số 2600/VPCP.V.I cho biết, đã chuyển danh sách đơn thư của các hộ dân ngõ 256 đường Đê La Thành đến UBND TP tiếp tục đôn đốc giải quyết. Vậy là chưa biết khi nào những lời hứa của các cấp chính quyền quận Đống Đa được thực hiện. Người dân ngõ 256 đường Đê La Thành đặt vấn đề: Có nên lấy vụ việc này “xử” điểm cho Năm kỷ cương hành chính 2013 của TP?