05/05/2017 8:21 AM
Việc công khai dự án bất động sản sai phạm lên các phương tiện thông tin theo các chuyên gia là việc làm cần thiết. Song, quan trọng là tính kịp thời của các thông tin đó, nếu công bố ra khi chủ đầu tư đã bán hết rồi thì cũng không có nghĩa lý gì....
Đoàn Thanh tra liên ngành của Hà Nội mới đây đã có báo cáo gửi UBND TP Hà Nội về thực hiện thanh tra, kết luận đối với các dự án khu nhà ở, khu đô thị mới trên địa bàn thành phố Hà Nội có sai phạm về quy hoạch, trật tự xây dựng đất.
Kết quả thanh kiểm tra cho thấy, trong số 50 dự án được lựa chọn ngẫu nhiên để thanh tra có 38 dự án sai phạm về quy hoạch, xây dựng như: xây dựng vượt số tầng, thông tầng, vượt diện tích xây dựng, diện tích sàn xây dựng so với quy hoạch, thiết kế được duyệt hoặc giấy phép xây dựng, sử dụng sai công năng một số tầng trong toà nhà chung cư, thay đổi cơ cấu căn hộ, chưa hoàn thiện hồ sơ về quy hoạch, xây dựng… Trong đó có 15 dự án sai phạm về xây dựng, quy hoạch ảnh hưởng tới an toàn phòng cháy chữa cháy.
Dự án 88 Láng Hạ (Hà Nội) là một trong số các dự án vừa có tên trong kết quả thanh tra các dự án sai phạm khi chủ đầu tư tự ý xây dựng thêm vài căn penhouse tại tầng kỹ thuật và tầng mái ...
Bên cạnh đó, nhiều dự án chưa thẩm duyệt, nghiệm thu phòng cháy chữa cháy hoặc còn vướng mắc về nộp tiền sử dụng đất, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Một số chủ đầu tư được nhà nước giao đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nhưng đã tự ý chuyển nhượng dự án cho chủ đầu tư thứ cấp không đúng quy định.
Mới đây, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các Sở, ngành liên quan tăng cường công tác thanh tra kiểm tra xử lý nghiêm đối với các vi phạm trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn thành phố. Trong đó, công khai các dự án bất động sản đang thế chấp ngân hàng, các dự án không thực hiện bảo lãnh, dự án chậm tiến độ, các dự án chưa nghiệm thu chất lượng công trình, chưa nghiệm thu phòng cháy chữa cháy đã đưa vào sử dụng.
Đặc biệt, HĐND TP Hà Nội cũng đã đề xuất kiên quyết không xem xét cho các chủ đầu tư dự án nhà ở có dự án vi phạm pháp luật về đất đai, trật tự xây dựng, quy hoạch được tham gia đầu tư dự án mới.
Liệu việc công khai các dự án vi phạm này của Hà Nội có tăng sức răn đe với các doanh nghiệp?
Trao đổi với PV Infonet, ông Nguyễn Thế Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Reenco Sông Hồng kiêm Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho rằng, việc công khai thông tin sai phạm tại các dự án bất động sản là cần thiết và thỏa đáng.
Theo ông, thực tế đã có nhiều doanh nghiệp bưng bít thông tin, không ai biết nên rất cần công khai thông tin sai phạm của các dự án. Hiện trên thị trường bất động sản đã có một số dự án khi bán hàng thì công khai lối đi vào dự án như thế này nhưng khi người dân về ở lại bắt đi lối khác, như thế là chủ đầu tư vi phạm, không công khai thông tin. Ngoài ra, nhiều dự án bàn giao cho người dân khi dự án chưa đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy và các điều kiện khác… gây nguy hiểm cho người dân thì cần công khai rõ ràng.
“Nếu liền một lúc kiểm tra, kiểm soát tất cả thì khó nhưng nếu kiểm tra đến đâu công khai lên công luận đến đó thì tất cả người dân đều biết được, chắc chắn họ sẽ từ chối mua hoặc giá trị dự án sẽ thấp đi nếu không đảm bảo. Công khai minh bạch thông tin là việc làm chính xác”, ông Điệp nói thêm.
Cũng theo ông Điệp, thị trường bất động sản Việt Nam mới hình thành khoảng 10-15 năm nay nên chúng ta không thể cầu toàn như các nước, nhưng vì còn nhiều khiếm khuyết nên cần đưa ra công luận để tự doanh nghiệp nhìn lại mình để làm sao làm tốt hơn, có thể cạnh tranh giữa các doanh nghiệp được. Doanh nghiệp nào cố tình thì phải xử lý, còn nếu doanh nghiệp nào do lý do khách quan hay chủ quan thì có thể xem xét cho hoàn chỉnh.
“Bản thân tôi cũng là doanh nghiệp, tôi hiểu doanh nghiệp cũng gặp muôn vàn khó khăn, rủi ro về chính sách, tiền tệ, thị trường…., nhất là bất động sản nên chúng ta phải có cái nhìn khách quan và công bằng. Dần đưa doanh nghiệp vào khuôn khổ chứ liền một lúc mà “ép như ép giò” thì hơi khó, đồng thời cần hoàn chỉnh về cơ chế chính sách cho tốt hơn”, ông Điệp cho hay.
Còn ông Trần Ngọc Quang, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, cần công bố sớm, thường xuyên và có cơ chế để người dân tiếp cận được các thông tin đó một cách dễ dàng.
“Tôi cho rằng, hiện nay chúng ta làm quá muộn so với nhu cầu thực tế, không đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Quan trọng là tính kịp thời của các thông tin đó, nếu công bố ra khi chủ đầu tư đã bán hết rồi thì cũng không có nghĩa lý gì cả. Đặc biệt, độ chính xác của các thông tin đó ở mức độ nào. Khi đã cấp giấy phép, cho bán rồi thì việc hậu kiểm của cơ quan quản lý nhà nước là rất quan trọng để kiểm tra xem dự án đó có thực hiện đúng cam kết hay không”- ông Quang nói.
Minh Thư (Infonet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.