Đây là một trong những hạn chế liên quan đến quản lý tài sản công của một số cơ quan, tổ chức, đơn vị được Bộ Tài chính đề cập khi trả lời kiến nghị của cử tri TP.Đà Nẵng.
Cà phê Memory (số 7 Bạch Đằng) và khách sạn Novotel (phía sau, trước đây là số 36, 38 Bạch Đằng) được Công ty xây dựng 79 mua lại của TP. Đà Nẵng không qua đấu giá. Ảnh: Báo Tuổi trẻ TP.HCM.

Cử tri TP. Đà Nẵng kiến nghị cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý tài sản công, đặc biệt là các trường hợp sáp nhập các cơ quan, đơn vị nhà nước di chuyển đi nơi khác, sau đó bán trụ sở cũ với giá rất thấp, gây thất thoát ngân sách nhà nước. Đồng thời, cần kiểm tra, xử lý trách nhiệm đối với những trường hợp có biểu hiện tiêu cực làm thất thoát ngân sách nhà nước.

Trả lời kiến nghị của cử tri Đà Nẵng, Bộ Tài chính cho hay, nhằm tăng cường công tác quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công, Bộ Tài chính đã trình Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài sản công.

Trên cơ sở báo cáo của Bộ Tài chính, ngày 2/11/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 31/CT-TTg về việc tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công.

Trong đó, giao các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về quản lý, sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập; tăng cường quản lý trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp trong đó có công tác sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước; quản lý mua sắm, sử dụng xe ô tô công; mua sắm tài sản theo phương thức tập trung; khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công; giao đất, cho thuê đất và quản lý khai thác tài nguyên; tăng cường công tác giám sát đối với công tác quản lý, sử dụng tài sản công của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Tiếp đó, ngày 21/6/2017, Quốc hội thông qua Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; đây là cơ sở pháp lý quan trọng để tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, quản lý hiệu quả tài sản công.

Đối với việc quản lý trụ sở làm việc, theo Bộ Tài chính: Để khắc phục tình trạng quản lý, sử dụng trụ sở, công sở chưa hiệu quả, gây lãng phí đất đai trong khi nhiều cơ quan gặp khó khăn về trụ sở làm việc, phải đi thuê thêm diện tích làm việc, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 27/CT-TTg ngày 25/8/2014 về việc tăng cường công tác quản lý các trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp.

Tại điểm 4 Chỉ thị số 27/CT-TTg và điểm 4 Công văn số 14285/BTC-QLCS ngày 8/10/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn Chỉ thị 27/CT-TTg đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị khi hoàn thành dự án đầu tư xây dựng mới trụ sở làm việc, đưa vào sử dụng phải thực hiện việc bàn giao toàn bộ trụ sở làm việc cũ cho cơ quan có thẩm quyền chậm nhất là sau 30 ngày hoàn tất việc chuyển ra trụ sở mới.

Nhưng thực tế, vẫn còn một số trường hợp các cơ quan, tổ chức, đơn vị sau khi đầu tư xây dựng trụ sở mới vẫn cố giữ trụ sở cũ sử dụng vào mục đích cho thuê hoặc sử dụng lãng phí, không phù hợp với tiêu chuẩn, định mức quy định.

Bộ Tài chính cho rằng: Nguyên nhân chính là do ý thức chấp hành pháp luật của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong quản lý, sử dụng trụ sở làm việc; đồng thời các chính sách hiện hành cũng chưa có quy định chế tài cụ thể đủ mạnh trong việc thu hồi, bàn giao trụ sở làm việc cũ cho cơ quan có thẩm quyền sau khi hoàn thành việc chuyển ra trụ sở mới.

Để xử lý các tồn tại, hạn chế nên trên, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai việc quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp tiết kiệm, hiệu quả, đúng tiêu chuẩn, định mức đã được cấp có thẩm quyền ban hành.

Các sai phạm trong việc sử dụng lãng phí trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp sẽ bị xử lý kịp thời, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Thái Bình (Báo Hải Quan)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.