Nhiều vấn đề nổi cộm
Mặc dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận, năm 2015 vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập trong công tác quy hoạch và quản lý xây dựng theo quy hoạch, đặc biệt là việc chậm triển khai quy hoạch chi tiết.Theo ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, công tác lập và quản lý quy hoạch ở khu vực đô thị trong cả nước còn nhiều yếu kém. Đáng lo ngại nhất là việc triển khai nhiệm vụ sau khi quy hoạch chung được phê duyệt rất trì trệ, không đáp ứng kịp yêu cầu quản lý. Điển hình nhất là trường hợp Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt từ năm 2011, đã gần 5 năm trôi qua nhưng nhiều quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết chưa được phê duyệt, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc công trình cao tầng nội đô lịch sử chưa được ban hành. Dẫn chứng vụ việc nhà 8B Lê Trực xây dựng không phép và sau đó là sai phép trong thời gian dài, ông Hùng cho biết, sự chậm trễ trong quy hoạch đã dẫn đến tình trạng mất nhiều thời gian “chạy chọt”, thỏa thuận quy hoạch, từ cơ chế này dễ nảy sinh tiêu cực và để lại nhiều hậu quả khó khắc phục.
Phát biểu tại hội nghị tổng kết Bộ Xây dựng năm 2015, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2016, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cũng thừa nhận, chất lượng một số công trình xây dựng còn thấp, hàng loạt vụ việc đáng tiếc về chất lượng công trình đã xảy ra như sập hầm công trình Thủy điện Đạ Dâng (Lâm Đồng), sập giàn giáo tại công trường KCN Fomusa Vũng Áng (Hà Tĩnh)...
Ngoài ra, tình trạng thất thoát, lãng phí, chậm tiến độ thi công vẫn còn là vấn đề gây nhiều bức xúc. Việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, công bố một số định mức kinh tế kỹ thuật phục vụ quản lý đầu tư xây dựng vẫn còn chậm. Theo các chuyên gia hiện có đến 80% dự án tại Việt Nam không xác định được đúng giá hợp đồng xây dựng. Trong đó, các dự án đầu tư có nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước hoặc do Nhà nước bảo lãnh tập trung nhiều bất cập nhất như giá thành cao, thậm chí rất cao, đội vốn, tiến độ kéo dài... Một thực tế khiến dư luận rất bức xúc trong thời gian qua là vấn đề đội giá không bình thường của các dự án xây dựng, dự án tuyến đường sắt số 1 Bến Thành – Suối Tiên (TP.HCM) đội vốn lên tới hơn 126%, tuyến Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội) cũng đội vốn lên 57%, dự án Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 đội vốn từ 4.000 lên 8.000 tỷ đồng, kéo dài trong 8 năm...
Tập trung nhân lực, kinh phí cho quy hoạch
Hiện nay, mặc dù tỷ lệ lập quy hoạch chung đô thị đã đạt 100%, tuy nhiên, quy hoạch chi tiết chỉ đạt khoảng 33% và dự kiến năm 2016 đạt 35%. Theo ông Trần Ngọc Hùng, còn 65% quy hoạch chi tiết chưa thực hiện và theo tốc độ này, chắc chắn sẽ phải mất 26 năm để hoàn thành. Như vậy, việc thỏa thuận quy hoạch, cơ chế xin cho sẽ tồn tại rất lâu, khó giữ được quy hoạch chung. Hậu quả và việc khắc phục chắc chắn tốn kém khó có thể thống kê hết. “Do vậy, cần tập trung nhân lực, kinh tế cho quy hoạch chi tiết, đề ra tiến độ cụ thể, đặc biệt chú trọng quy hoạch chi tiết ở khu vực các đô thị”, ông Hùng nhấn mạnh.
Phát biểu về vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh yêu cầu ngành xây dựng cần tiếp tục nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, coi đây là việc hệ trọng, quy hoạch phải có tầm nhìn dài hạn, thậm chí 50 năm, 100 năm, tiếp tục rà soát các quy hoạch hiện có để nâng cao chất lượng, trong đó bảo đảm thực hiện hiệu quả quy hoạch chi tiết. Cho rằng “chuyện tòa nhà cao tầng mọc lên sai phép mà cán bộ phường không biết là rất lạ”, Phó Thủ tướng yêu cầu thời gian tới ngành xây dựng phải bảo đảm quản lý hoạt động xây dựng đúng quy hoạch, đúng pháp luật, đúng các quy định về phân cấp quản lý xây dựng đi liền với thanh tra, xử lý các vi phạm về quy hoạch phải nghiêm minh.
Để giải quyết những tồn tại, bất cập này trong thời gian tới, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng nhìn nhận, ngành xây dựng sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng quy hoạch xây dựng đô thị, gắn với các loại quy hoạch khác, kiểm soát xây dựng theo đúng quy hoạch, kế hoạch cụ thể để không bị phá vỡ. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng công trình xây dựng nói chung, nhất là các dự án sử dụng vốn nhà nước, nâng cao hiệu quả công tác thẩm định, thẩm tra thiết kế nhằm phòng chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong năm 2015 đã cấp giấy phép xây dựng cho 184.182 công trình, số công trình xây dựng không có giấy phép đã giảm đáng kể, chiếm khoảng 3,7% công trình xây dựng; Số công trình xây dựng sai với giấy phép được cấp cũng giảm còn khoảng 1,11%. Năm 2015 đã tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu 12.440 công trình, trong đó khoảng trên 97% số lượng công trình đạt yêu cầu, đủ điều kiện đưa vào sử dụng, các công trình còn lại đã yêu cầu khắc phục tồn tại, sai sót để đảm bảo an toàn trước khi đưa vào khai thác, sử dụng. |