Lệ phí chấp thuận chào bán trái phiếu ra công chúng (mức lệ phí tính theo quy mô vốn chào bán) đang được nghiên cứu theo phương án giảm mức thu.
Có thể giảm 50% lệ phí chấp thuận chào bán trái phiếu ra công chúng

Cụ thể, chào bán dưới 50 tỷ trái phiếu, lệ phí nên là 5 triệu đồng (hiện là 10 triệu đồng); từ 50 tỷ đến dưới 150 tỷ, lệ phí là 10 triệu đồng (hiện: 20 triệu đồng); từ 150 tỷ đến dưới 250 tỷ, lệ phí là 17,5 triệu đồng (hiện: 35 triệu đồng) và chào bán từ 250 tỷ trở lên, lệ phí là 25 triệu (thay cho mức 50 triệu đồng hiện nay).

Mức giảm lệ phí này do Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu đề xuất với Bộ Tài chính. Bởi theo Tổ công tác, không có cơ sở để áp dụng mức phí trong lĩnh vực chứng khoán cao hơn so với các lĩnh vực khác, trái lại cần áp dụng theo mặt bằng chung mức thu phí, lệ phí của các lĩnh vực khác như đăng ký đầu tư, cấp phép xây dựng thì phù hợp hơn.

Đó là chưa kể, thực tế, doanh nghiệp đã thực hiện các nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước, bên cạnh đó, để hoàn thành đợt chào bán, Doanh nghiệp còn phải chi trả nhiều khoản chi phí lớn khác như chi phí tư vấn, phí bảo lãnh, lãi suất, phí đại diện, chi phí hành chính khác, do đó, mức thu lệ phí chấp thuận chào bán trái phiếu áp dụng hiện nay là quá cao.

Tổ công tác cũng đề xuất bãi bỏ yêu cầu phải có chấp thuận nguyên tắc của Ủy ban Chứng khoán nhà nước(UBCKNN) trước khi nộp hồ sơ đăng ký chào bán chính thức, thay bằng trình tự thông báo hồ sơ hợp lệ hoặc sửa đổi, bổ sung hồ sơ theo quy định. Đồng thời, nên bãi bỏ yêu cầu cung cấp trong thành phần hồ sơ "Tài liệu pháp lý liên quan đến quyền sử dụng đất, quyết định phê duyệt dự án hoặc ý kiến thẩm định chuyên môn đối với các dự án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán"; Chỉ yêu cầu cung cấp tài liệu này đối với trường hợp mục đích huy động vốn từ đợt chào bán có sử dụng cho mục đích đầu tư, kinh doanh, phát triển Dự án hoặc tạo lập bất động sản.

Trong thành phần hồ đăng ký chào bán ra công chúng hiện nay vẫn đang yêu cầu một số thủ tục, giấy tờ nêu trên là không hợp lý, bởi việc sử dụng vốn huy động cho các Dự án đã được xác định và nêu rõ thông tin Pháp lý của Dự án trong Bản cáo bạch, được công bố với tính chịu trách nhiệm cao trước pháp luật về tính trung thực của Bản cáo bạch.

Các tài liệu pháp lý về quyền sử dụng đất và các dự án đầu tư doanh nghiệp có khối lượng lớn, đã được các cơ quan có thẩm quyền về Đất đai, Đầu tư, Thuế,... kiểm soát trực tiếp với rất nhiều TTHC, như vậy thì việc thêm một cơ quan nữa chỉ gián tiếp liên quan cũng yêu cầu cung cấp là tạo gánh nặng cho doanh nghiệp.

Nên quy định thời hạn giải quyết là 15 ngày

Để tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính này, Tổ công tác kiến nghị hợp pháp hóa quy định thời hạn giải quyết là 15 ngày làm việc kể từ ngày UBCKNN nhận được hồ sơ hợp lệ. Vì thời hạn giải quyết hiện chưa được quy định do đó cần phải quy định rõ thời hạn giải quyết hợp lý tại cơ quan nhà nước. Theo đó, thời gian thẩm định hồ sơ tại Ban Quản lý Phát hành Chứng khoán với khối lượng hồ sơ theo thành phần hồ sơ không nhiều, trong đó chỉ có Bản cáo bạch và phương án chào bán là cần nhiều thời gian thẩm định, kiểm tra, còn lại các hồ sơ khác không tốn nhiều thời gian.

Bên cạnh đó, hoạt động chào bán không chỉ gồm một việc là xin Giấy Chứng nhận đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng mà còn có nhiều thủ tục khác, ví dụ: Tổ chức họp hội đồng quản trị và các bên liên quan; lập phương án chào bán, làm việc với kiểm toán, tư vấn pháp lý, lập các hồ sơ pháp lý khác, làm việc với Công ty chứng khoán lập hồ sơ, bảo lãnh... trong khi nhu cầu vốn cho doanh nghiệp luôn cấp bách. Do vậy, cơ quan nhà nước cần giảm tối đa thời gian cho Doanh nghiệp.

Cần áp dụng cơ chế liên thông 2 thủ tục

Tổ công tác kiến nghị, cần quy định áp dụng cơ chế liên thông trong việc giải quyết thủ tục "Đăng ký chào bán trái phiếu ra công chúng" với thủ tục hành chính liên quan là thủ tục "Phát hành trái phiếu của Tổ chức tín dụng" thuộc thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước.

Theo đó, tổ chức chào bán là tổ chức tín dụng có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ theo quy định của Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và nộp hồ sơ tại UBCKNN. Trong thời hạn 2 ngày kể từ ngày nhận được Hồ sơ hợp lệ, UBCKNN có trách nhiệm chuyển 1 bộ hồ sơ đến Ngân hàng Nhà nước. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ (kể cả thời gian đề nghị tổ chức phát hành giải trình, bổ sung hồ sơ nếu cần), Ngân hàng nhà nước có văn bản chấp thuận hoặc không chấp thuận gửi UBCKNN và tổ chức phát hành nêu rõ lý do. Hết thời hạn 10 ngày, nếu Ngân hàng nhà nước không có văn bản trả lời, hồ sơ đề nghị của tổ chức chào bán coi như được Ngân hàng nhà nước chấp thuận. Theo đề xuất, UBCKNN là cơ quan đầu mối tiếp nhận theo cách thức luân chuyển giải quyết hồ sơ như trên.

Tổ công tác cho rằng, 2 thủ tục hành chính có tương đồng về thành phần hồ sơ, trình tự thực hiện nên có thể áp dụng cơ chế phối hợp giải quyết liên thông trường hợp tổ chức phát hành là tổ chức tín dụng, trong trường hợp thực hiện thủ tục hành chính "Phát hành giấy tờ có giá dài hạn" thuộc thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước.

Với cách áp dụng cơ chế liên thông như trên, Tổ chức chào bán là tổ chức tín dụng sẽ giảm được thêm một thủ tục tại Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan Nhà nước, các cơ quan Nhà nước liên quan chỉ nhận hồ sơ một lần, một đầu mối, liên thông trong việc thẩm định, kết hợp đánh giá hồ sơ và có ý kiến với nhau trong thời hạn xác định, như vậy sẽ dẫn đến giảm được thời gian, hồ sơ và chi phí thực hiện tuân thủ thủ tục hành chính.

Cafeland.vn

theo Chinhphu.vn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland