Khi giá iPhone tăng, cầu nhìn chung giảm, ngược lại, giá cổ phiếu càng tăng, cầu càng mạnh. Thị trường tài chính không hề hiệu quả như thị trường hàng tiêu dùng.

Thị trường luôn hiệu quả. Một chính phủ sẽ không bao giờ thành công với iPod, iPhone hay iPad trong khi Steve Jobs tại Apple có thể dự đoán được nhu cầu thị trường đối với các thiết bị cầm tay như thế.




Các công ty khác nhanh chóng chú ý tới thành công của Apple và sản xuất ra các thiết bị tương tự, nhờ thế mà đẩy giá giảm xuống và tăng sức hấp dẫn đối với người tiêu dùng.


Friedrich Hayek cho rằng thị trường là cơ chế phân bổ các nguồn lực hiêu quả nhất vì nó đại diện cho quyết định cá nhân của hàng triệu người tiêu dùng và hàng ngàn nhà sản xuất, tức tri thức của đám đông.


Chính trị gia và bộ máy quan liệu không bao giờ có đủ thông tin để phân bổ nguồn lực hiệu quả được như thế.


Tờ báo này (The Economist – ND) tin tưởng một cách nhiệt thành vào nguyên tắc thị trường tự do.


Trong những năm gần đây, The Economist cũng cho rằng NHTW nên chủ động đối phó với các bong bóng kinh tế hơn, cho dù giá tài sản cũng được hình thành dựa trên cơ chế thị trường.


Có thể giải thích cho điều tưởng chừng như mâu thuẫn ấy.


Thị trường tài chính không vận hành giống như các hàng hóa và dịch vụ khác. Khi giá một bộ TV hay gói phần mềm tăng, nhìn chung cầu giảm xuống. Khi giá một tài sản tài chính tăng, cầu lại thường tăng lên.


Sự khác biệt đó là vì đâu? Chắc chắn lý do là hàng hóa và dịch vụ được mua với một mục đích sử dụng cụ thể.


Chúng ta muốn có nó có thể là do thời trang hay để khẳng định địa vị của mình. Những tính năng ấy vốn đã tồn tại trong bản thân hàng hóa như chiếc xe thể thao, kính râm thời trang hay tủ bếp thiết kế riêng.


Tài sản tài chính chỉ hấp dẫn vì một lý do duy nhất, đó là khả năng nâng cao hay duy trì tài sản của người mua.


Không gì khiến người ta thay đổi thái độ nhiều như khi nhìn thấy một người bạn giàu lên. Sự học của con người là qua ví dụ và giai thoại, kiểu như về một người bạn bán nhà kiếm tiền triệu hay anh bạn học kiếm bộn nhờ mua cổ phiếu công nghệ.


Khi giá hàng hóa tăng, nhà sản xuất tăng lượng cung. Tài sản tài chính cũng thế nhưng không tốn nhiều thời gian và chi phí để phát hành cổ phiếu mới.


Nhưng nếu giá trị nội tại của doanh nghiệp không thay đổi, phát hành thêm cổ phiếu mới chỉ đơn giản là pha loãng tài sản của các cổ đông hiện thời. Bong bóng dotcom biến tài sản của các quỹ lương hưu thành tài sản của thung lũng Silicon.


Giá tăng tạo ra trạng thái phởn phơ thì giá giảm khiến thị trường tê liệt. Khối lượng giao dịch có xu hướng cạn kiệt khi vừa không muốn hiện thức hóa thua lỗ vừa không muốn mua hàng giá rẻ.


Nói cách khác, thái độ của nhà đầu tư với thị trường chứng khoán hoàn toàn khác với thái độ của họ đối với một cửa hàng bách hóa. Họ sẽ không đổ xô đi mua hàng giảm giá.


Chắc chắn có những nhà đầu tư khôn ngoan kiếm lời được cả khi thị trường bùng nổ lẫn suy sụp. Nhưng thiểu số ấy là chưa đủ.


Nhưng cá nhân khôn ngoan ấy đơn giản là bị “bầy đàn” lấn át. Nhiều quốc gia áp đặt các hạn chế đối với hành vi bán khống không giúp giải quyết được vấn đề.


Paul Woolley từ Trường Kinh tế London cũng chỉ ra rằng còn có vấn đề đại diện (agency problem). Nhiều nhà đầu tư gửi tiền cho các chuyên gia quản lý, các chuyên gia này lại được lựa chọn dựa trên thành tích trong quá khứ.


Nếu nhà quản lý này nghiêng về một kiểu đầu tư nhất định, tiền sẽ lại càng tập trung vào một số cổ phiếu được ưa chuộng nhất.


Sau quá nhiều cuộc khủng hoảng tài chính trong 40 năm trở lại đây, đa phần những người hiểu chuyện nay đã chấp nhận có tồn tại bong bóng trong các thị trường tài sản.


Cơ chế phản hồi như mô tả của nhà kinh tế người Mỹ Hyman Minsky dường như khá rõ ràng.


Một thời kỳ thị trường tăng điểm đi kèm với tăng trưởng kinh tế bền vững tạo ra động lực cho nhà đầu tư đầu cơ bằng tiền đi vay. Sự đầu cơ ấy lại càng đẩy giá lên cao cho đến khi một cú sốc (hoặc nhu cầu thu lợi nhuận) khiến bong bóng nổ tung.


Vậy tại sao không để thị trường tự điều chỉnh?


Một số người sẽ nói bong bóng thường đi kèm với các giai đoạn có biến đổi lớn về mặt kinh tế ví dụ như xây dựng đường sắt hay phát triển Internet. Nhà đầu cơ cá nhân có thể mất tiền nhưng xã hội lại nhận được vốn đầu tư từ trạng thái quá lạc quan.


Tuy vậy, lập luận ấy khó đứng vững khi mà sau bong bóng vừa qua những gì xã hội “nhận được” chỉ là những căn hộ trống rỗng ở Miami hay những ngôi nhà nghỉ dưỡng ở Tây Ban Nha.


Rõ ràng chi phí xử lý những bong bóng phồng căng tiền vay nợ ấy là quá cao. NHTW và chính phủ phải can thiệp khi tăng trưởng tín dụng và giá tài sản (đặc biệt là bất động sản) bắt đầu nhảy vũ điệu chết chóc của chúng.


Về mặt hiệu quả, thị trường tài sản không giống như thị trường hàng tiêu dùng.

Cafeland.vn - Theo Cafef
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland