Sau nhiều phiên tăng trần liên tục, thị giá của cổ phiếu CTCP Thép Vicasa - VNSteel (Mã: VCA) được đẩy lên mức cao nhất trong vòng hơn 2 năm qua, kể từ hồi tháng 10/2022.
Trong phiên giao dịch 6/12, thị giá VCA tăng kịch trần lên 13.500 đồng/cp, đây đã là phiên thứ 7 liên tiếp cổ phiếu này tăng hết biên độ. Thanh khoản vẫn rất sôi động với hàng chục nghìn đơn vị được giao dịch. Tính từ đầu năm, cổ phiếu VCA chứng kiến mức tăng 57% giá trị.
Mới đây, Thép Vicasa đã có văn bản giải trình cổ phiếu tăng trần 5 phiên từ 28/11 đến 4/12 gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE).
Doanh nghiệp cho biết, ngày 27/11/2024, Tổng Công ty Thép Việt Nam - CTCP (VNSteel, cổ đông lớn sở hữu 65% vốn VCA) đã công bố thông tin về việc phê duyệt phương án chuyển nhượng vốn tại VCA. Sau đó, giá cổ phiếu đã liên tục tăng trần.
Theo giải trình của Thép Vicasa, giá cổ phiếu VCA biến động hoàn toàn dựa trên nhu cầu của thị trường chứng khoán. Các quyết định của nhà đầu tư không nằm trong phạm vi kiểm soát của công ty.
“Các hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty vẫn diễn ra ổn định, bình thường, không có biến động gì bất thường và công ty không có bất kỳ tác động nào gây ảnh hưởng đến giá giao dịch trên thị trường”, Thép Vicasa giải trình.
Thép Vicasa giải trình nguyên nhân giá cổ phiếu tăng trần 5 phiên liên tiếp
Theo tìm hiểu, VNSteel là doanh nghiệp Nhà nước lớn nhất ngành thép với vốn điều lệ gần 6.800 tỷ đồng. Trong đó, Tổng Công Ty Đầu Tư Và Kinh Doanh Vốn Nhà Nước (SCIC) nắm đến hơn 93% cổ phần. Trong khi đó, ngoài VNSteel, Thép Vicasa còn có một cổ đông lớn khác là CTCP Thép Đà Nẵng nắm 7,14% vốn.
Hồi cuối tháng 11/2024, VNSteel công bố nghị quyết thông qua việc thoái toàn bộ 9,87 triệu cổ phần, tương đương 65% vốn của VCA. Thời gian dự kiến thực hiện bắt đầu từ tháng 11 và dự kiến hoàn tất thoái vốn trong năm nay tới quý 1/2025.
Về kết quả kinh doanh, trong quý 3/2024, Thép Vicasa ghi nhận doanh thu thuần đạt 383 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước.
Trong kỳ, chi phí tài chính và chi phí bán hàng giảm mạnh so với năm trước,lần lượt còn 811 triệu đồng và 3,4 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh 35%, lên 4,1 tỷ đồng do công ty chi cấp thôi việc cho nhân viên.
Kết quả, Thép Vicasa báo lỗ sau thuế 3,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ ghi nhận mức lỗ 2,7 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, hãng thép có trụ sở tại Đồng Nai ghi nhận 1.013 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái, lỗ ròng 1,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 3,5 tỷ đồng.
Tại thời điểm ngày 30/9, tổng tài sản của Thép Vicasa đạt 273 tỷ đồng, chủ yếu là hàng tồn kho với giá trị 155 tỷ đồng. Nợ phải trả là hơn 83 tỷ đồng, với toàn bộ là nợ ngắn hạn. Trong đó, vay nợ tài chính 13 tỷ đồng.








-
Nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam vừa làm được điều chưa từng có trong 3 năm trở lại đây
Trong quý 2/2025, Hòa Phát ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 4.300 tỉ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức cao nhất trong 13 quý trở lại đây.
-
Không còn xuất sang Mỹ gần 1 năm, vì sao Hoa Sen vẫn lãi lớn?
Hoa Sen khẳng định các chính sách thuế quan của Mỹ không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh do công ty đã ngưng xuất khẩu tôn mạ sang thị trường Mỹ từ tháng 9/2024.
-
Doanh nghiệp thép nào vừa công bố lãi tăng gần 200% khiến cả ngành ngỡ ngàng?
Doanh nghiệp thép nào vừa công bố lãi tăng gần 200% khiến cả ngành ngỡ ngàng? Giữa lúc nhiều doanh nghiệp vẫn đang "ngóng sóng" phục hồi, một công ty thép bất ngờ bứt phá, mở màn mùa báo cáo tài chính quý 2/2025 bằng con số khiến nhà đầu tư giật m...