Các DN đã đầu tư lúc đỉnh của bong bóng BĐS giờ nên biết chấp nhận thua lỗ, bán rẻ để trước hết cứu lấy chính mình, rồi sau đó là không ảnh hưởng tới xã hội. Các doanh nghiệp không thể có ý nghĩ hàng hóa thừa đổ xuống biển chứ nhất quyết không giảm giá. Liệu có nên “cứu” khi doanh nghiệp BĐS vẫn tham giá cao và chờ được giải cứu?

Động thái mới nhất của Bộ Xây dựng nhằm giải “cứu” thị trường BĐS là thông điệp cho phép chia nhỏ căn hộ, nghiên cứu xây dựng chính sách giảm thuế VAT để giảm giá bán, rà soát cho điều chỉnh lại dự án, chuyển đổi dự án sang nhà ở xã hội để được miễn tiền sử dụng đất… được Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đưa ra trong cuộc gặp gỡ đối thoại với các doanh nghiệp ngành xây dựng - BĐS khu vực Hà Nội chiều 25/10 nhằm tìm hướng tháo gỡ khó khăn. Các thông điệp này đều được các doanh nghiệp ủng hộ.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, nguyên nhân BĐS khó khăn là dự án đô thị không căn cứ theo quy hoạch, kế hoạch, theo phong trào tự phát, dẫn tới cung vượt cầu, đầu cơ đông. Thị trường BĐS đang tác động tiêu cực đến kinh tế vĩ mô và vì thế, rất cần phải tháo gỡ những khó khăn này.

Có nhiều ý kiến đồng tình với quan điểm giải “cứu” BĐS trong bối cảnh kinh tế đang rất khó khăn hiện nay. Tuy nhiên cũng có những ý kiến ở chiều ngược lại, đó là chủ đầu tư phải tự cứu mình trước khi chờ những giải pháp, chính sách của Nhà nước.

Theo luồng ý kiến này, để “cứu” BĐS hiện nay, biện pháp đã được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần là giảm giá bán, thậm chí doanh nghiệp phải chấp nhận cắt lỗ để giải phóng hàng tồn, có cơ hội tái cấu trúc lại doanh nghiệp và tìm kiếm các cơ hội đầu tư mới. Tuy vậy, thị trường từ khi khó khăn đến nay, thậm chí mới nhất là tại hội chợ BĐS diễn ra trong các ngày 19 đến 21/10 vừa qua, các doanh nghiệp giảm giá mạnh đều rất lác đác, đa số chỉ giảm rất ít, thậm chí nhiều doanh nghiệp vẫn không chấp nhận giảm giá mà chỉ sử dụng các chiêu quảng cáo hấp dẫn để thu hút khách như: chuyển sang chào bán giá xây thô; tách rời phần thuế VAT, phí bảo trì ra ngoài giá bán… khách hàng tưởng rằng giá bán đã giảm mạnh nhưng thực tế giá không hề giảm.

Điển hình có thể kể đến nhiều dự án được chào bán tại hội chợ, phiên giao dịch BĐS vừa qua như: dự án Star Tower do Công ty CP toà nhà CFTD-VLA làm chủ đầu tư được chào bán với mức giá 28 triệu đồng/m2 chưa bao gồm VAT. Nếu cộng thêm VAT thì giá của dự án này chẳng khác với mức giá 31,2 triệu đồng/m2 mà chủ đầu tư mở bán cách đây 4 tháng. Dự án Xuân Mai Tower do Vinaconex Xuân Mai làm chủ đầu tư tại Hà Đông, cách đây 2 tháng chủ đầu tư công bố mở bán dự án với mức giá 17,6 triệu đồng/m2 (đã bao gồm VAT và 2% phí bảo trì), được chào bán với mức giá khiến khách hàng sẽ phải quan tâm là 14 triệu đồng/m2. Tuy nhiên đây là mức giá của nhà xây thô, chưa bao gồm VAT, phí bảo trì. Nếu tính cả giá hoàn thiện, VAT và phí bảo trì thì giá là không đổi.

Nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp phải học cách tự cứu lấy mình giống như các nhà kinh doanh chứng khoán. Ở thị trường chứng khoán, nhiều cổ đông sáng lập khi thành lập công ty phải mua với giá 10 đồng/CP, sau nhiều năm vật lộn nay phải chấp nhận bán với giá 5 đồng/CP, thậm chí rẻ hơn nữa cũng phải bán.

Nhiều người còn cho rằng, các doanh nghiệp đã đầu tư lúc đỉnh của bong bóng BĐS, không có tầm nhìn xa trông rộng, giờ nên biết chấp nhận thua lỗ, bán rẻ để trước hết cứu lấy chính mình, rồi sau đó là không ảnh hưởng tới xã hội. Các doanh nghiệp không thể có ý nghĩ hàng hóa thừa đổ xuống biển chứ nhất quyết không giảm giá. Liệu có nên “cứu” khi doanh nghiệp BĐS vẫn tham giá cao và chờ được giải cứu?

Theo Phan Hoạt (CAND)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.