Tâm lý người Việt vẫn thích ở nhà riêng hơn chung cư, dù nhà có tồi tàn hay phải ở trên những dòng nước đen, thua xa những căn hộ chung cư. Sở hữu nhà đất mới là nhà, mới “an cư lạc nghiệp” và biến nơi đây thành “nơi mình thích làm gì thì làm”.
Thiếu “văn hóa chung cư”
Theo thạc sĩ xã hội học Bùi Việt Thành, việc thay đổi lối sống từ nhà riêng sang chung cư làm cho nhiều người khó thích nghi, thiếu hành xử theo quy tắc vì cộng đồng. Chuyển đổi cuộc sống từ mặt đất lên tầng cao, nhiều người mang nguyên những thói quen cũ lên sống ở chung cư, thậm chí còn tranh thủ sự thông cảm cho hoàn cảnh sống của mình lấn chiếm không gian chung thành nơi sử dụng riêng.
Chung cư thiết chế quản lý chặt chẽ, ít nhiều đã làm cho cuộc sống của người dân trở nên khô cứng. Ở nhà riêng thì dễ thiết lập các mối quan hệ hơn dựa vào sự thoáng đãng của không gian chuyển tiếp các mối quan hệ xóm giềng. “Căn hộ giờ chỉ còn chức năng để ở, các chức năng khác như giải trí, kinh tế, giao lưu... bị hạn chế vì trong không gian này không còn là không gian riêng. Trong bối cảnh sự đối lập của những lợi ích cá nhân và tập thể dường như chẳng có lối thoát, dù nhiều người có ý tưởng thay đổi điều này nhưng đây chỉ là những ý tưởng đơn lẻ, không tạo ra được một bố cục không gian chung, tạo ra được một không gian đô thị có thể tương tác được” - ông Thành phân tích.
Một vấn đề khác là các nhóm dân cư tuy ở cùng chung cư nhưng lại khác nhau về thu nhập, học vấn, phong tục tập quán... Sự khác biệt về nhiều thứ như trên làm họ ngại tạo mối quan hệ chung, từ đó tạo ra lối sống vị kỷ, ít quan tâm đến người xung quanh.
Quy định xử lý có đủ
Một vấn đề nan giải là những hành vi làm ảnh hưởng đến cuộc sống chung tại chung cư thường không được xử lý đến nơi đến chốn, trong khi quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề này rất rõ ràng.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, cho biết: Điều 23 Quy chế Quản lý sử dụng nhà chung cư được ban hành kèm theo Quyết định số 08/2008/QĐ-BXD ngày 28-5-2008 của bộ trưởng Bộ Xây dựng đã dự trù và có các quy định nghiêm cấm các hành vi sau:
- Cơi nới, chiếm dụng diện tích, không gian hoặc làm hư hỏng tài sản thuộc phần sở hữu chung hoặc phần sử dụng chung dưới mọi hình thức; đục phá, cải tạo, tháo dỡ hoặc làm thay đổi phần kết cấu... chịu lực, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị sử dụng chung, kiến trúc bên ngoài của nhà chung cư.
- Phân chia, chuyển đổi phần sở hữu chung hoặc sử dụng chung trái quy định.
- Gây tiếng ồn quá mức quy định; làm ảnh hưởng đến trật tự, trị an nhà chung cư.
- Xả rác thải, nước thải, khí thải, chất độc hại bừa bãi; gây thấm, dột, ô nhiễm môi trường; chăn nuôi gia súc, gia cầm trong khu vực thuộc phần sở hữu chung hoặc phần sử dụng chung.
- Nuôi gia súc, gia cầm trong khu vực thuộc sở hữu riêng hoặc phần sử dụng riêng làm ảnh hưởng tới trật tự, mỹ quan và môi trường sống của các hộ khác và khu vực công cộng...
Về thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm tại chung cư, theo luật sư Nguyễn Văn Hậu là đã được quy định rõ ràng tại điều 61 đến điều 69 của Nghị định 121/2013/NĐ-CP và quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi trên được giao cho thanh tra viên xây dựng, trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành, chánh thanh tra Sở Xây dựng, cơ quan quản lý thị trường, chủ tịch UBND cấp xã, chủ tịch UBND cấp huyện. “Khi phát hiện có hành vi vi phạm trong quản lý và sử dụng nhà chung cư, người phát hiện vi phạm tùy tính chất, mức độ vi phạm mà có thể tố cáo hành vi trên tới chủ tịch UBND cấp xã, cấp huyện và các chủ thể có thẩm quyền nêu trên” - ông Hậu hướng dẫn.