08/10/2020 6:56 AM
Bên cạnh xu hướng dịch chuyển hoặc mở rộng sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, nhiều doanh nghiệp Nhật có mặt tại Việt Nam cũng tiếp tục mở cơ sở sản xuất mới, theo JETRO.

Ông Hirai Shinji, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP.HCM, cho biết, một doanh nghiệp Nhật Bản hiện có nhà máy trong khu chế xuất Linh Trung (quận Thủ Đức) và Tân Thuận (quận 7) đang thăm dò một số tỉnh, TP khác ở Việt Nam để mở rộng cơ sở sản xuất.

Riêng tại Vĩnh Long, đến nay, Acecook là doanh nghiệp Nhật Bản duy nhất đặt nhà máy. Tuy nhiên, gần đây, công ty Towa (từ TP.HCM) và Furukawa (hoạt động tại Cần Thơ và Bình Dương) đều đang khảo sát cơ hội đầu tư cơ sở sản xuất mới ở tỉnh này.

"Tôi nhận thấy đây là xu hướng của nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang có mặt tại Việt Nam", ông Hirai Shinji nói.

Từ Trung Quốc + 1 đến Việt Nam + 1

Theo khảo sát hồi tháng 6 của JETRO, 5% trong số 631 doanh nghiệp Nhật Bản dự định di chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Ông Hirai Shinji nhấn mạnh, điều này không có nghĩa là hơn 30 doanh nghiệp này sẽ hoàn toàn đóng cửa nhà máy ở Trung Quốc. Họ có thể đồng thời duy trì sản xuất ở cả hai quốc gia.


Trong 124 đề án đăng ký tham gia chương trình hỗ trợ đa dạng hóa chuỗi cung ứng ở nước ngoài của Chính phủ Nhật Bản, có 30 đề án đã được chấp thuận. Trong số này, 15 công ty sẽ mở rộng nhà máy tại Việt Nam, trong đó có cả những đơn vị đang sản xuất tại đây.

viet nam +1 anh 1
Ông Hirai Shinji, Trưởng đại diện JETRO tại TP.HCM. Ảnh: Lan Anh.

Ông Hirai Shinji gọi đây là chiến lược Việt Nam + 1. Bên cạnh việc dịch chuyển hoặc mở rộng sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, từng được biết đến với tên gọi Trung Quốc + 1, ông nhận thấy doanh nghiệp Nhật Bản đã có mặt tại Việt Nam cũng đang tìm kiếm cơ hội tiếp tục mở cơ sở sản xuất mới ở Việt Nam.

Trưởng đại diện JETRO ở TP.HCM chia sẻ, trước xu hướng này, Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) đang nghiên cứu để đưa thuật ngữ "Việt Nam + 1" vào các ấn phẩm chính thức.

"Các doanh nghiệp đã có ý định đẩy mạnh đầu tư tại Việt Nam từ năm 2019, trước khi dịch Covid-19 xuất hiện. Hiện nay, với hiệu quả chống dịch của Việt Nam, thị trường này chắc chắn còn được chú ý nhiều hơn. Đặc biệt, khi các doanh nghiệp chưa từng đầu tư tại Việt Nam mong muốn đầu tư nhưng vẫn chưa thể bay sang Việt Nam nghiên cứu thị trường, thì xu hướng Việt Nam + 1 sẽ được thấy rõ hơn", vị này khẳng định.

Ngày 23-24/10 sắp tới, một triển lãm nhằm kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ được tổ chức.

Trước đó, tại Hội nghị tìm kiếm tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2020 ngày 17/9 vừa qua, bà Lê Nguyễn Duy Oanh - Phó giám đốc CSID cho biết 50% doanh nghiệp tham gia đến từ Nhật Bản. Tại đây, tập đoàn hàng đầu thế giới về máy may công nghiệp Juki cũng bày tỏ mong muốn tìm kiếm đơn vị hợp tác gia công tại Việt Nam nhằm mở rộng sản xuất.

Theo bà Duy Oanh, không chỉ những công ty toàn cầu như Panasonic, Sharp, Juki, mà nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản ở TP.HCM cũng có nhu cầu hợp tác với doanh nghiệp nội địa.

Rào cản hạ tầng và tối ưu sản xuất

Mặc dù vậy, so sánh 3 quốc gia được người Nhật lựa chọn đầu tư nhiều nhất là Trung Quốc, Việt Nam và Thái Lan, Việt Nam bị lo ngại nhất về cơ sở hạ tầng, dù tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó về vấn đề này đã giảm gần một nửa.

Ông Hirai Shinji cho rằng đây là lý do quan trọng nhất khiến tỷ lệ thu mua nội địa của doanh nghiệp Nhật ở Việt Nam chỉ đạt 36,3%, thấp so với Trung Quốc (69,5%), Thái Lan (60,8%), Indonesia (45,9%) và Malaysia (37.8%).

"Chúng ta thường nghĩ phải có công nghệ, trình độ kỹ thuật thì mới gia tăng được tỷ lệ này, nhưng không đơn giản như vậy. Ví dụ, doanh nghiệp muốn mở cơ sở sản xuất ở Cần Thơ, Kiên Giang, Vĩnh Long, thì phải cân nhắc từ đó đến TP.HCM bao xa, vận chuyển hàng hóa mất bao lâu, có kịp tiến độ sản xuất hay không", ông nhận định.

viet nam +1 anh 2

Các chuyên gia cho rằng, nếu khắc phục được các rào cản hạ tầng và tối ưu sản xuất, Việt Nam sẽ tận dụng tốt làn sóng mở rộng đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản. Ảnh minh họa: Việt Linh.

Trong khi đó, xét ở góc độ mở rộng đầu tư vào các nhà máy sẵn có của người Việt, bà Lê Nguyễn Duy Oanh đánh giá rào cản lớn nhất là khả năng sản xuất hàng loạt của nhà máy.

Khảo sát khoảng 60 doanh nghiệp Việt Nam trong ngành công nghiệp hỗ trợ, CSID nhận thấy hơn 50% đơn vị chỉ có thể sản xuất nhỏ lẻ theo từng đơn hàng. Điều này là khập khiễng với nhu cầu lớn về sản lượng của các công ty Nhật Bản.

"Điều cần nhất là phải tối ưu hóa hoạt động sản xuất để có thể cạnh tranh với những nhà cung ứng khác. Đây không phải câu chuyện của những 'ông lớn', mà doanh nghiệp nhỏ vẫn làm được nếu quyết tâm và chịu học hỏi", bà nói.

Dẫn chứng thực tế, bà Duy Oanh nêu trường hợp công ty Hiệp Phước Thành hiện cung ứng các chi tiết nhựa kỹ thuật cho Samsung, Piaggo và nhiều doanh nghiệp Nhật Khác, hay Cát Thái, Tiến Thịnh cũng đã tham gia vào chuỗi cung ứng linh kiện điện tử của một số công ty Nhật.

Lan Anh/Zing
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.