10/09/2020 7:21 PM
Nước Nhật già hóa, mở ra cơ hội kinh doanh cũng như đầu tư với dòng vốn từ Việt Nam.

Nước Nhật có tỉ lệ dân số già hóa cao nhất thế giới với 28,4% dân số trên 65 tuổi. Đây là thông báo của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật vào ngày lễ Kính lão năm 2019. Mọi hoạt động của xã hội Nhật bây giờ không thể không có sự liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến người nước ngoài bởi ngay cả doanh nghiệp Nhật cũng đang già hóa. Từ góc nhìn của một người bình thường, đây không phải là tin tích cực, nhưng với tư duy của một người kinh doanh, đây lại là cơ hội tốt.

Xu hướng cha truyền con nối mất dần

Những năm gần đây, tình trạng đình trệ kinh doanh trở nên nhức nhối do trở ngại trong việc tìm kiếm người kế nghiệp. Cùng với sự giảm sút về số lượng người trong độ tuổi lao động và chi phí nhân sự tăng cao, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng và quản lý.

Theo số liệu từ Tokyo Shoko Research, trung tâm điều tra tín dụng lớn thứ 2 tại Nhật, số doanh nghiệp phá sản năm 2019 là 8.383, tăng 1,8% so với năm 2018. Đây là lần đầu tiên sau 11 năm số doanh nghiệp phá sản tăng.

Trong số các vụ phá sản vào năm 2019, số lượng phá sản do thiếu lao động tăng nhanh nhất với 426 vụ, cao nhất kể từ khi thống kê vào năm 2013. Trong 426 vụ phá sản do thiếu lao động, có tới 60% là do không có người thừa kế, kế nhiệm.

Tình trạng này ngày càng nghiêm trọng khi dự báo đến năm 2025, khoảng một nửa số giám đốc trên 70 tuổi, tức 1,27 triệu người, không có người kế nghiệp. Theo tính toán của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật, nếu tình trạng này tiếp diễn, thì từ năm 2016 đến năm 2025, khoảng 6,5 triệu người lao động có nguy cơ mất việc làm và GDP Nhật sẽ thiệt hại khoảng 22.000 tỉ yen.

Đáng nói ở đây là đa số các doanh nghiệp này đang sản sinh ra lợi nhuận hoặc lợi nhuận cao, nghĩa là những doanh nghiệp trên đang kinh doanh tốt nhưng phải đóng cửa chỉ vì không tìm được người kế nghiệp; phần lớn doanh nghiệp đều có kỹ thuật tiên tiến, mạng lưới khách hàng nội địa, tức có giá trị để mua lại.

Theo truyền thống, hơn 90% doanh nghiệp vừa và nhỏ chọn chuyển giao công việc kinh doanh cho người thân trong gia đình. Tuy nhiên, tỉ lệ này hiện nay đã giảm xuống còn 40% hoặc ít hơn và tỉ lệ chuyển giao kinh doanh cho bên thứ 3 ngoài họ hàng đang tăng lên. Truyền thống kinh doanh cha truyền con nối ở Nhật đang dần mất đi, nhường chỗ cho những hình thức chuyển giao kinh doanh hiện đại và phù hợp xu thế hơn, chẳng hạn như sáp nhập vào một công ty khác hoặc bán lại công ty.

Ảnh: asia.nikkei.com.
Ảnh: asia.nikkei.com.

Một tổ chức có tên gọi là Trung tâm Kế nghiệp đã được lập ra vào năm 2011 để các doanh nghiệp gặp vấn đề có thể đăng tin bán công ty hoặc tìm sự trợ giúp, tư vấn. Trung tâm này chỉ hoạt động trong nội địa, nghĩa là chỉ có doanh nghiệp Nhật được mua lại lẫn nhau.

Giới hạn phạm vi hoạt động này gần như là điều hiển nhiên, bởi rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ quan niệm rằng, nếu phải bán mình cho nước ngoài thì thà đóng cửa còn hơn. Tuy nhiên, gần đây, suy nghĩ này đã bắt đầu phai nhạt. Bằng chứng là doanh nghiệp Nhật đã sẵn sàng bán mình hơn. Có thể thấy từ tháng 10.2018, Trung tâm Kế nghiệp bắt đầu thông qua nhiều tổ chức cung cấp thông tin cho cả nước ngoài.

Thay vì mở mới, nên mua lại công ty

Chính sách của Việt Nam trước giờ vẫn là mong muốn được chuyển giao công nghệ từ nước ngoài, trong đó có Nhật, nhưng hàng chục năm qua mục tiêu này vẫn chưa đạt được. Trước vấn đề này, một giải pháp khác khả thi hơn: thay vì ngồi chờ nước ngoài đầu tư mở liên doanh, tại sao không chủ động đi mua lại kỹ thuật của Nhật, hoặc mua lại công ty của Nhật? Trong lần trao đổi với Giám đốc Trung tâm Kế nghiệp, người viết được biết khoảng 24.000 dự án đang được rao bán.

Các công ty rao bán quy mô doanh thu lên đến 300 triệu yen (hơn 65 tỉ đồng), mà giá bán chỉ khoảng 5-10 triệu yen (1-2 tỉ đồng) nếu người mua biết mặc cả. Để có visa đầu tư và ở lại Nhật kinh doanh, bạn phải có một công ty có vốn điều lệ ít nhất 5 triệu yen (1 tỉ đồng). Thay vì thành lập công ty mới, mà không có sẵn tài nguyên, nếu bạn tìm mua một công ty với số tiền 5 triệu yen, bạn có thể có luôn cả vài nhân viên người Nhật.

Thoạt nghe những cơ hội kinh doanh tốt đến mức khó tin. Tuy nhiên, với những con số rất khả thi về tiềm lực tài chính của các doanh nghiệp Việt lớn trong lần làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, người viết nhận thấy, việc mua lại doanh nghiệp Nhật không phải vượt quá tầm tay. Bởi lẽ, gần đây doanh nghiệp Việt đã trở nên mạnh mẽ và sôi sục hơn trong việc chủ động mua công nghệ, sử dụng dịch vụ tư vấn nước ngoài hơn trước rất nhiều. Tất nhiên, M&A một doanh nghiệp trên thị trường Nhật, nơi mà các quy định pháp luật rất nghiêm ngặt, nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ các quy định luật pháp liên quan.

Việc doanh nghiệp Nhật đầu tư mua doanh nghiệp Việt xưa nay vẫn xảy ra. Tuy nhiên, trong thời điểm doanh nghiệp Nhật lao đao vì thiếu người kế nghiệp, doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể nắm thế chủ động. Với những thế mạnh sẵn có, nếu biết nắm bắt thời cơ và có sự hỗ trợ, tư vấn kịp thời của các chuyên gia, chắc chắn sẽ có thêm những câu chuyện người Việt thành công trên đất Nhật.

Phi Hoa/Nhịp cầu đầu tư
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.