Vì sao phải điều chỉnh chương trình phát triển đô thị thành phố Hà Tĩnh?
Nội dung tờ trình của UBND thành phố Hà Tĩnh cho biết, ngày 09/10/2015, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành quyết định phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hà Tĩnh vùng phụ cận giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỷ lệ 1/10.000.
Theo đó, định hướng mô hình phát triển đô thị thành phố Hà Tĩnh gồm hiện trạng thành Hà Tĩnh (10 phường và 06 xã) và 22 xã thuộc 03 huyện Thạch Hà, Lộc Hà và Cẩm Xuyên.
Ngày 07/3/2023, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Phương án Tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của tỉnh Hà Tĩnh.
Theo đó, dự kiến đô thị thành phố Hà Tĩnh mở rộng sẽ bao gồm hiện trạng thành phố Hà Tĩnh (10 phương và 05 xã) và 14 xã thuộc 03 huyện Thạch Hà, Lộc Hà và Cẩm Xuyên - có sự thay đổi so với quy hoạch thành phố Hà Tĩnh và Chương trình phát triển đô thị Thành phố Hà Tĩnh đã được phê duyệt.
Do vậy, công tác xây dựng Điều chỉnh Chương trình phát triển đô thị thành phố Hà Tĩnh đến năm 2030 là rất cấp bách và cần thiết nhằm đánh giá kết quả thực hiện Chương trình phát triển đô thị thành phố Hà Tĩnh đã được duyệt và đề xuất các chính sách, giải pháp để củng cố và hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại II sau khi mở rộng địa giới hành chính, làm cơ sở để đầu tư hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo đúng định hướng đề ra.
Xây dựng thành phố Hà Tĩnh trở thành đầu tàu phát triển của tỉnh
UBND thành phố Hà Tĩnh cho biết, phạm vi lập điều chỉnh Chương trình phát triển đô thị thành phố Hà Tĩnh đến năm 2030 có diện tích tự nhiên là khoảng 220 km2.
Ranh giới cụ thể có phía Bắc giáp các xã Mai Phụ, Thạch Mỹ (huyện Lộc Hà) và sông Cửa Sót; Phía Nam giáp xã Cẩm Duệ, Cẩm Thạch, Cẩm Thành (huyện Cẩm Xuyên); Phía Đông giáp biển Đông; Phía Tây giáp các xã Lưu Vĩnh Sơn, Thạch Xuân, Thạch Điền, Nam Hương (huyện Thạch Hà).
Việc điều chỉnh chương trình phát triển đô thị nói trên nhằm cụ thể hóa định hướng phát triển hệ thống đô thị theo Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình phát triển đô thị tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2016 – 2030; Quy hoạch chung thành phố Hà Tĩnh và vùng phụ cận giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; và phù hợp với chủ trương chính sách của tỉnh cũng như của thành phố.
Việc điều chỉnh Chương trình phát triển đô thị thành phố Hà Tĩnh đến năm 2030 đảm bảo hướng đến các mục tiêu gồm:
Thứ nhất, đến năm 2025 thành phố đạt tiêu chí, tiêu chuẩn đô thị loại II thuộc tỉnh.
Thứ hai, đến năm 2030, xây dựng đô thị Hà Tĩnh hoàn thành tiêu chí đô thị loại II (sau khi sáp nhập một số xã của các huyện Thạch Hà, Lộc Hà, Cẩm Xuyên vào thành phố Hà Tĩnh).
Đảm bảo sự phát triển của đô thị đáp ứng yêu cầu kinh tế - xã hội theo hướng bền vững trên cơ sở chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, song song với bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa, và đảm bảo an ninh – quốc phòng; xây dựng thành phố Hà Tĩnh trở thành đầu tàu phát triển của tỉnh.
Đồng thời nâng cao chất lượng sống của người dân đô thị, thông qua việc tập trung nguồn lực hợp lý xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị, kiến trúc cảnh quan phù hợp, đồng bộ, từng bước hiện đại, bền vững.
Kế hoạch phát triển các khu vực theo quy hoạch chung đô thị
Nội dung tờ trình của UBND thành phố Hà Tĩnh cho biết kế hoạch phát triển 9 khu vực theo quy hoạch chung đô thị.
Thứ nhất, Khu vực bảo tồn, chỉnh trang cải tạo gồm Khu số 1 và Khu số 2.
Trong đó, Khu số 1 là khu vực trung tâm lịch sử hiện hữu, có diện tích 597 ha. Khu số 1 nằm tại khu vực phường Bắc Hà, Nam Hà và một phần phường Trần Phú, Hà Huy Tập, Thạch Quý, Văn Yên, Đại Nài.
Về tính chất, đây là trung tâm văn hóa, lịch sử và di sản của thành phố Hà Tĩnh, đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển thành phố Hà Tĩnh và toàn tỉnh Hà Tĩnh.
Khu số 2 là trục tổng hợp Xô Viết – Nghệ Tĩnh, có diện tích khoảng 419,6 ha tại các phường Nguyễn Du, Thạch Quý.
Đây là khu vực có tính chất thương mại dịch vụ để tạo ra trục chính phát triển tổng hợp.
Định hướng phát triển Khu số 2: Bổ sung chức năng thương mại dịch vụ để tạo ra trục chính phát triển tổng hợp, năng động toàn thời gian.
Thứ hai là Khu vực cải tạo, xây mới gồm Khu số 3.
Khu số 3 có tổng diện tích khoảng 871,8 ha (vào năm 2020), tại các phường Thạch Quý, xã Thạch Trung, Thạch Hạ, Thạch Đồng.
Khu số 3 có tính chất là khu vực đô thị cải tạo xây mới; đảm bảo cho sự phát triển về nhu cầu nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp cho công nhân khi mỏ sắt Thạch Khê được đưa vào khai thác cũng như nhu cầu của người dân xung quanh khu vực.
Định hướng phát triển của Khu số 3 gồm: Phát triển thêm khu ở mới, đáp ứng nhu cầu ở khu trục đường Xô Viết Nghệ Tĩnh phát triển hoàn thiện và khu công nghiệp mỏ sắt Thạch Khê được đưa vào khai thác; Xây dựng tổ hợp công trình thương mại, dịch vụ cửa ngõ phía Bắc thành phố và các cơ sở hạ tầng xã hội trên trục đường Ngô Quyền nhằm đáp ứng cho sự phát triển dân cư phía Bắc thành phố;…
Thứ ba là Khu vực hạn chế phát triển ven sông gồm có Khu số 4 và Khu số 5.
Khu số 4 và Khu số 5 có diện tích khoảng 1.053,7 ha, nằm tại các phường Thạch Linh, Văn Yên, Đại Nài và xã Thạch Hưng.
Đây là khu vực phát triển sinh thái ven sông; là lá phổi xanh của thành phố, có tác động thúc đẩy hoạt động dịch vụ thương mại ven sông và tạo bản sắc riêng cho thành phố.
Thứ tư là Khu đô thị mới phía Tây gồm có Khu số 6 và Khu số 7.
Trong đó, Khu số 6 có diện tích khoảng 1.087,8 ha vào năm 2050, nằm tại các phường Trần Phú, Thạch Linh, Hà Huy Tập và xã Thạch Tân.
Đây là khu vực đô thị mới của thành phố. Đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển thành phố về hướng Tây, gắn kết với đầu mối giao thông quốc gia.
Khu số 7 có diện tích khoảng 460,2ha vào năm 2030; nằm tại các xã Thạch Đài, Thạch Xuân.
Đây là khu đô thị phức hợp của ngõ phía Tây của thành phố. Đóng vai trò trung chuyển, gắn kết giao thông đường sắt và đường cao tốc quốc gia với thành phố Hà Tĩnh.
Thứ năm là Khu nghiên cứu, đào tạo, sản xuất công nghệ cao gồm có Khu số 8.
Khu số 8 nằm tại xã Cẩm Bình gồm trường đại học Hà Tĩnh, các khu dân cư nông thôn, cụm công nghiệp Bắc Cẩm Xuyên.
Đây là khu vực phát triển liên kết giữa giáo dục - đào tạo - nghiên cứu và sản xuất; đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển thành phố Hà Tĩnh; là trung tâm đào tạo phát triển khoa học kỹ thuật của tỉnh.
Thứ sáu là Khu du lịch dịch vụ gồm Khu du lịch biển Thạch Văn, Thạch Trị và khu du lịch dịch vụ sinh thái Thạch Hạ.
Trong đó, Khu du lịch biển Thạch Văn, Thạch Trị có diện tích khoảng 101,5 ha nằm tại xã Thạch Văn, Thạch Trị.
Đây là khu vực phát triển du lịch biển; đóng vai trò thúc đẩy phát triển hoạt động thương mại du lịch cho thành phố, góp phần nâng cao hình ảnh du lịch thành phố Hà Tĩnh gắn liền với sông, núi, biển.
Riêng Khu du lịch dịch vụ sinh thái Thạch Hạ nằm tại xã Thạch Hạ.
Đây là khu du lịch sinh thái ven sông kết hợp dịch vụ nhà hàng; đóng vai trò hình thành nét đặc trưng đô thị cho thành phố Hà Tĩnh.
Ngoài ra còn có 3 khu vực còn lại gồm: Khu vực kiểm soát đặc biệt; Khu vực bảo tồn cảnh quan; Khu dân cư nông thôn và nông thôn định hướng phát triển đô thị tại vùng phụ cận.
-
Nghiên cứu khai thác quỹ đất hai bên đường đường Xô Viết Nghệ Tĩnh kéo dài về phía Đông, TP. Hà Tĩnh
UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa chỉ đạo về chủ trương lập dự án phát triển quỹ đất hai bên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh kéo dài về phía Đông (đoạn từ đường Nguyễn Công Trứ đến đường Nguyễn Trung Thiên).
-
Có gì trong đồ án quy hoạch mới vùng huyện Nghi Xuân vừa được Hà Tĩnh phê duyệt?
UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa phê duyệt đồ án Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng huyện Nghi Xuân đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.
-
Hà Tĩnh sắp khởi công tuyến đường gần 1.500 tỷ đồng giao quốc lộ 15B
Dự kiến cuối năm nay, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh kéo dài với tổng vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng sẽ khởi công, tạo điều kiện phát triển kinh tế vùng ven biển cho khu vực huyện Thanh Hà nói riêng và tỉnh Hà Tĩnh nói chung....
-
Hà Tĩnh phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu đô thị Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh hơn 2.000 ha
UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa phê duyệt Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh tỷ lệ 1/2.000.
-
Hà Tĩnh: Quy hoạch phân khu đô thị Kỳ Nam gần 1.800 ha với tính chất là khu vực dân cư đô thị văn minh, hiện đại
UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa phê duyệt phê duyệt Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị Kỳ Nam, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh tỷ lệ 1/2.000.