Quyết định phê duyệt "Đề án Phát triển ngành logistics trên địa bàn TP HCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" vừa được UBND TP HCM ban hành. Theo đề án, mục tiêu đến năm 2025, doanh thu dịch vụ logistics của doanh nghiệp (DN) TP đạt 15%, đến năm 2030 đạt 20% (năm 2019 đạt 14,7%). Tỉ trọng đóng góp của logistics vào GRDP TP đến năm 2025 đạt 10%, đến năm 2030 đạt 12%. Tỉ lệ chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia đến năm 2025 khoảng 10%-15% (năm 2019 ước đạt xấp xỉ 8,7%).
TP HCM sẽ lập 7 trung tâm logistics để hỗ trợ luân chuyển hàng hóa qua các cảng. Ảnh: Hoàng Triều
Để hiện thực hóa mục tiêu này, đề án đề xuất nhiều nhóm giải pháp. Trong đó, riêng giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng logistics, với các cơ sở logistics hiện hữu, đề xuất tiếp tục hoàn thiện giai đoạn 2020-2025 các tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương - Cần Thơ; TP HCM - Long Thành - Dầu Giây; Bến Lức - Long Thành; hoàn chỉnh nút giao thông Mỹ Thủy - cảng Cát Lái. Giai đoạn đến năm 2030 đẩy nhanh xây dựng các tuyến đường: cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành (Bình Phước) dự kiến kéo dài tới cửa khẩu Hoa Lư kết nối với Campuchia; cao tốc TP HCM - Mộc Bài (Tây Ninh) từ giao đường vành đai tại ngã tư An Sương đi cửa khẩu Mộc Bài sang Campuchia; nối tiếp từ Gò Dầu đến cửa khẩu Xa Mát sang Campuchia; khép kín đường Vành đai 2 và triển khai xây dựng đường Vành đai 3 và 4.
Về quy hoạch phát triển các trung tâm logistics, nhóm nghiên cứu đề xuất 7 vị trí có thể mở trung tâm logistics với tổng diện tích 105-210 ha, năng lực thông quan hàng hóa giai đoạn 2020-2025 khoảng 2.660.000 - 3.100.000 teu; giai đoạn 2025-2030 sẽ bổ sung thêm 270-623 ha, năng lực thông quan 8.512.150 - 10.849.770 teu. Các vị trí được đề xuất gồm: Long Bình (quận 9), Cát Lái (quận 2 và quận 9), Linh Trung (quận Thủ Đức), Khu Công nghệ cao (quận 9), Tân Kiên (huyện Bình Chánh), Củ Chi (huyện Củ Chi), Hiệp Phước (huyện Nhà Bè). Sở Công Thương TP HCM cho hay việc xây dựng các trung tâm này sẽ được triển khai theo lộ trình. Trước mắt, giai đoạn 2020-2025 sẽ tập trung vào các trung tâm Cát Lái, Thủ Đức và Củ Chi.
Theo Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam (VLI) - đơn vị phối hợp cùng Sở Công Thương TP HCM lập đề án, ngành logistics trên địa bàn TP HCM giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước; giúp vận chuyển toàn bộ hàng hóa lưu thông giữa các tỉnh, thành qua địa bàn TP HCM, phân phối hàng hóa cho trên 10 triệu cư dân TP và kết nối hai chiều xuất khẩu - nhập khẩu giữa hàng hóa trong nước với thị trường quốc tế. Ở khía cạnh hạ tầng "cứng" - hạ tầng kỹ thuật (cầu đường giao thông, cảng biển, ICD, kho hàng...) - mặc dù có sự phát triển trong nhiều năm qua nhưng vẫn còn thiếu các trung tâm logistics để làm nơi lưu trữ, chuyển tải hàng hóa; hệ thống đường giao thông còn chưa đồng bộ, thiếu tính kết nối giữa các phương thức vận tải. Ví dụ, hệ thống đường vành đai chưa khép kín, không có tuyến đường sắt kết nối với cảng biển... dẫn đến ùn tắc giao thông, làm tăng thời gian vận chuyển và chi phí logistics.
Ở góc độ cung cấp dịch vụ logistics, nhìn chung DN logistics TP HCM có ưu thế về hoạt động nội địa, chủ yếu cung cấp dịch vụ logistics giản đơn, đóng vai trò như vệ tinh cho các DN cung cấp dịch vụ logistics tích hợp của nước ngoài. Các DN logistics TP có quy mô nhỏ và vừa nên thường gặp khó khăn về vốn đầu tư và đào tạo, giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao. Ngoài ra, ứng dụng công nghệ thông tin cũng còn nhiều hạn chế, phần lớn website DN logistics TP thiếu các tiện ích mà khách hàng cần dùng như: công cụ theo dõi đơn hàng, theo dõi chứng từ, xem lịch tàu, e-booking... Trước thực trạng đó, các DN logistics TP đang phấn đấu nâng cấp độ cung cấp dịch vụ logistics, phát triển logistics điện tử (e-logistics) và quản trị chuỗi cung ứng hiệu quả.
Cả nước có khoảng 4.000 DN logistics chuyên nghiệp
Theo số liệu của Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), quy mô thị trường dịch vụ logistics Việt Nam tuy nhỏ (khoảng 2%-4% GDP) nhưng tốc độ tăng trưởng rất cao (dự báo 20%-25%/năm). Cả nước có khoảng 4.000 DN chuyên nghiệp (cao hơn Thái Lan, Singapore), trong đó các DN logistics đa quốc gia hàng đầu trên thế giới (top 25 hoặc 30) đều đã có mặt tại Việt Nam.
-
Logistics Việt Nam: Đắt nhưng không “xắt ra miếng”
Logistics Việt Nam chưa khai thác hết được lợi thế địa kinh tế và tiềm năng của mỗi địa phương; kết nối hạ tầng, nhân lực kém nên hiệu quả còn thấp.