29/11/2020 10:00 AM
Logistics Việt Nam chưa khai thác hết được lợi thế địa kinh tế và tiềm năng của mỗi địa phương; kết nối hạ tầng, nhân lực kém nên hiệu quả còn thấp.

Logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Logistics “bỏ quên” lợi thế đường biển

Bên cạnh những kết quả đạt được như tốc độ tăng trưởng của logistics tương đối cao, đạt 14-16%, tỷ lệ DN thuê ngoài dịch vụ logistics đạt khoảng 60-70%, đóng góp khoảng 4-5% GDP…, hoạt động logistics của các DN Việt Nam còn có một số tồn tại. Điển hình như, chưa khai thác hết được lợi thế địa kinh tế và tiềm năng của mỗi địa phương; cơ sở hạ tầng phục vụ cho các hoạt động logistics cũng như sự kết nối giữa hạ tầng thương mại, hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghệ thông tin,... cả trong nước và với khu vực còn chưa cao nên hiệu quả hoạt động logistics còn thấp.

Chuyên gia quốc tế đánh giá, vận tải đường biển là lợi thể rất lớn cho logistics Việt Nam giảm nhanh chi phí. (Ảnh minh họa)

Bà Stefanie Stallmeister, Giám đốc phụ trách hoạt động dự án Ngân hàng thế giới tại Việt Nam nhận xét, logistics kém hiệu quả làm giảm tiềm năng hội nhập của nhiều quốc gia. Trong khi Việt Nam đã hội nhập thị trường toàn cầu và khu vực bằng các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP… sẽ khiến dòng chảy thương mại cao hơn và làm tăng nhu cầu đối với các dịch vụ logistics tốt hơn và cạnh tranh hơn.

“Hoạt động logistics kém hiệu quả làm tăng chi phí kinh doanh và giảm tiềm năng hội nhập trong nước và quốc tế. Mặc dù Việt Nam đạt được kết quả tích cực theo Chỉ số hoạt động logistics, song vẫn còn nhiều việc cần làm để nâng cao hiệu quả trong lĩnh vực logistics”, bà Stefanie Stallmeister lưu ý.

Trên thực tế, từ nhiều năm qua, các DN logistics vẫn còn gặp nhiều khó khăn do một số các quy định vẫn còn chồng chéo, còn tồn tại những thủ tục hành chính và kiểm tra chuyên ngành chưa phù hợp. Một số chính sách chưa kịp thời sửa đổi cho phù hợp với đặc thù của hoạt động logistics trong thực tiễn.

Ngoài ra, chi phí dịch vụ còn cao vì nhiều nguyên nhân như hạn chế về quy mô DN và vốn, khả năng áp dụng công nghệ thông tin cũng như trình độ nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động, hạn chế về kết cấu hạ tầng logistics và chi phí vận tải trên đường bộ, phụ phí cảng biển do các chủ tàu nước ngoài áp đặt...

Bà Đặng Minh Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty MP Logistics nêu thực tế, các DN Việt Nam có văn hóa tự làm hết tất cả mà không sử dụng dịch vụ thuê ngoài. Ngay cả xe tải DN Việt cũng tự đầu tư và tự vận hành. Đó là một trong những yếu tố đẩy chi phí logistics tăng cao.

Trong khi đó, các DN FDI logistics luôn luôn sử dụng dịch vụ thuê ngoài, dùng chung các phương tiện hạ tầng, nguồn nhân lực với tất cả DN để giảm giá thành sản xuất kinh doanh nên chi phí logistics thấp hơn DN Việt Nam rất nhiều.

“Chi phí logistics của các DN còn cao bởi đang “bỏ quên”, chưa biết tận dụng lợi thế đường biển và đường sắt. Các DN vẫn tập trung đến 80% phương thức vận tải đường bộ. Ngoài ra, việc kết nối hạ tầng giao thông giữa đường thủy, đường bộ, đường sắt còn hạn chế. Việt Nam nên có kế hoạch phát triển tầm 10-20 năm về hạ tầng giao thông để đón trước sự phát triển của kinh tế, giảm thiểu chi phí logistics, đặc biệt phải kết nối chặt chẽ hệ thống đường thủy-đường bộ-đường sắt”, bà Phương đề cập.

Coi trọng yếu tố liên kết

Làm sao để thực sự cắt giảm được chi phí logistics thời gian tới? Trả lời cho câu hỏi này, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, cần một kế hoạch vừa cụ thể, vừa tương đối bao quát, liên quan đến nhiều ngành nghề, lĩnh vực.

Trước hết là hệ thống về hạ tầng, về cơ sở vật chất cần được nâng cấp, hoàn thiện; đặc biệt là sự kết nối giữa những phương thức vận tải cần được cải thiện, để tránh việc dồn quá nhiều vào một phương thức vận tải như đường bộ, trong khi đó không khai thác hiệu quả được các phương thức khác như đường sắt, đường thủy.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện về hệ thống pháp luật, các cơ chế chính sách thúc đẩy cho dịch vụ logistic phát triển. Mặt khác, bản thân DN logistics cũng cần có kế hoạch của mình để chủ động nâng cấp dịch vụ, đáp ứng được chất lượng theo đúng yêu cầu của khách hàng, qua đó phát triển thị trường trong nước và nước ngoài.

“Cần đặc biệt coi trọng yếu tố liên kết giữa các DN logistics, bởi hiện nay đa số các DN trong ngành này đều nhỏ và sự liên kết còn đang rất rời rạc, chưa tạo nên sức mạnh tập thể để cùng phát triển. Về yếu tố này, vai trò của các hiệp hội, chính quyền địa phương là rất cần thiết", ông Trần Thanh Hải chỉ rõ.

DN logistics Việt Nam tự tự đầu tư và tự vận hành nhiều khâu, nhiều công đoạn là những yếu tố đẩy chi phí logistics tăng cao. (Ảnh minh họa)

Theo bà Stefanie Stallmeister, hiện nay, hai xu hướng mới đã xuất hiện từ đại dịch Covid-19 có liên quan đến lĩnh vực logistics ở Việt Nam. Xu hướng thứ nhất là sự tăng tốc của thương mại điện tử và sử dụng các nền tảng kỹ thuật số ở Việt Nam. Xu hướng thứ hai là sử dụng giải pháp công nghệ số để nâng cao hiệu quả và cung cấp những dịch vụ mới cho khách hàng. Khi áp dụng công nghệ số, DN có thể cung cấp khả năng hiển thị và truy xuất nguồn gốc hàng hóa cũng như giao tiếp với khách hàng trực tuyến.

“Điều này đòi hỏi các DN logistics phải đầu tư vào công nghệ như Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây, tự động hóa và phân tích dữ liệu. Ngoài ra, các công nghệ mũi nhọn như robot, máy bay không người lái và phương tiện tự hành cũng có thể làm tăng hiệu quả của các nhà cung cấp dịch vụ logistics”, bà Stefanie Stallmeister khuyến nghị.

Nguyễn Quỳnh (VOV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.