CafeLand - Các nhà phát triển bất động sản của Trung Quốc, bị cản trở bởi lệnh cấm kéo dài nhiều tháng đối với các buổi giới thiệu sản phẩm và tốc độ tăng trưởng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, đang chuẩn bị cho một chiến lược kinh doanh mới trong thời dịch bệnh: bán hàng trực tuyến.

Country Garden Holdings và các nhà phát triển lớn khác của Trung Quốc đang đưa một số ngôi nhà mới hoàn thiện của họ lên Tmall Haofang, một kênh bán hàng mới của nền tảng thương mại điện tử lớn nhất thế giới do Alibaba Group Holding điều hành. Các dự án bất động sản được chọn bán trên kênh, đồng nghĩa là “những ngôi nhà tốt”, sẽ được giảm giá tới 15% so với giá công bố.

Zhu Rongbin, Giám đốc điều hành tại Sunshine City Group ở Thượng Hải, cho biết: “Tất cả các chủ đầu tư đang chịu áp lực về doanh số trong năm nay và chúng tôi hy vọng rằng Tmall Haofang có thể hỗ trợ chúng tôi. Các nền tảng thương mại điện tử sẽ thay đổi toàn cảnh ngành bất động sản của Trung Quốc”.

Tmall Haofang là ví dụ mới nhất về cách thương mại điện tử đã thúc đẩy mức tiêu thụ và doanh số bán lẻ tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Cứ hai chiếc điện thoại di động được bán ở Trung Quốc thì có một chiếc là điện thoại thông minh có thể kết nối Internet, cho phép người tiêu dùng mua sắm ở bất cứ đâu và thanh toán tiền mua hàng của họ bất cứ lúc nào.

Cơ hội cho bất động sản Trung Quốc lội ngược dòng khi Tmall của Alibaba tuyên bố bán nhà trực tuyến

Sự phổ biến của thương mại điện tử đã mở rộng phạm vi mua hàng cho người tiêu dùng ở Trung Quốc, từ sản phẩm tươi sống và hải sản đến các gói kỳ nghỉ và thậm chí các mặt hàng lớn như ô tô hạng sang và bất động sản. Mua sắm trực tuyến đã được đại dịch tạo thêm động lực nữa, khi các cửa hàng truyền thống, phòng trưng bày và trung tâm bán hàng đóng cửa để ngăn chặn sự lây lan của vi-rút.

Để thu hút người mua nhà thích ứng với cách mua sắm mới, Tmall Haofang đã chuẩn bị 10 tỷ Nhân dân tệ (1,46 tỷ USD) để tài trợ cho việc giảm giá của các nhà phát triển. Điều này có khả năng làm gia tăng cuộc chiến về giá giữa các chủ đầu tư khi họ tung hết “đòn” để thu hút người mua.

Kênh bán hàng này ra mắt vào ngày 16 tháng 9, có khả năng sẽ mở rộng vào ngày 11 tháng 11 khi diễn ra lễ hội mua sắm trực tuyến hàng năm được gọi là Ngày Độc Thân với nhiều chương trình giảm giá và ưu đãi đặc biệt. Sự kiện Ngày Độc Thân đã vượt qua các chương trình Thứ Sáu Đen Tối (Black Friday) và Ngày Thứ Hai Điện Tử (Cyber Monday) kể từ khi ra mắt vào năm 2009.

Alibaba vận hành một số cổng thông tin mua sắm trực tuyến, với Tmall đóng vai trò là thị trường dành cho các cửa hàng có thương hiệu, trong khi Taobao thu hút những người bán bình thường.

Tmall Haofang cho biết họ sẽ sử dụng công nghệ 3D, phát trực tiếp và cung cấp các dịch vụ tài chính để cho phép người mua hoàn thành mọi bước trong trải nghiệm mua hàng trực tuyến mà không cần phải tới phòng trưng bày hoặc ngân hàng. Theo Lu Weixing, Tổng Giám đốc kinh doanh bất động sản của Tmall, khoảng 150.000 đơn vị nhà ở đã được giao dịch trên trang thương mại điện tử Taobao vào năm 2019.

Các kênh bán hàng bổ sung đặc biệt quan trọng đối với các nhà phát triển bất động sản của Trung Quốc, vốn là một trong những nước có đòn bẩy tài chính cao nhất trên thế giới, vì họ có xu hướng tài trợ cho việc xây dựng bằng các khoản vay ngân hàng trước khi được phép bán bất động sản đã hoàn thiện cho người mua để thu về tiền mặt. Các nhà phát triển đang tìm cách bù đắp cho khoảng thời gian đã mất khi họ phải vật lộn thu về tiền mặt để trả các khoản nợ chưa thanh toán.

Các chủ đầu tư đang chịu áp lực duy trì tỷ lệ nợ trên tài sản ở mức 70% sau khi loại trừ các khoản thu trước, nợ ròng trên vốn chủ sở hữu là 100% và các khoản vay ngắn hạn không quá lượng tiền mặt dự trữ. Không đáp ứng được những “ranh giới đỏ” do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc chỉ định có thể khiến họ bị cắt quyền tiếp cận các khoản vay mới từ các ngân hàng, theo Nhật báo Thông tin Kinh tế đưa tin vào cuối tháng 8.

Yan Yuejin, Giám đốc Viện Nghiên cứu và Phát triển E-house Trung Quốc có trụ sở tại Thượng Hải cho biết: “Các nhà phát triển sẽ giảm giá nhiều hơn, đánh cược vào danh tiếng của Tmall, để tăng doanh số bán hàng và thu về càng nhiều tiền mặt và càng nhanh càng tốt. Họ cần tăng doanh số bán hàng và thu về tiền mặt để đáp ứng yêu cầu của Ngân hàng Trung ương nên “đêm gala bán nhà” sắp tới trên nền tảng Tmall sẽ là cơ hội tốt nhất của họ”.

Nền kinh tế Trung Quốc đã giảm 6,8% trong quý đầu tiên của năm nay, mức tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, trước khi phục hồi 3,2% trong ba tháng kết thúc vào tháng Sáu. Kết quả là, một số nhà phát triển hàng đầu đã báo cáo doanh thu theo hợp đồng thấp hơn trong nửa đầu năm hoặc phải chấp nhận mức lợi nhuận thấp hơn để tạo ra dòng tiền.

Vào tuần trước, China Evergrande, công ty kinh doanh bất động sản lớn nhất của Trung Quốc, đã làm các nhà đầu tư hoảng sợ khi có tin tập đoàn này đã gửi thư lên chính phủ Trung Quốc thừa nhận nguy cơ thiếu tiền mặt và đang đứng trước những rủi ro lớn với khoản nợ hơn 120 tỷ USD.

Mặc dù Evergrande sau đó đã nhấn mạnh sự ổn định tài chính của mình - nói thêm rằng họ chưa vỡ nợ một lần nào trong vòng 24 năm - quy mô khoản vay nói trên đã khiến một số nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu và trái phiếu của hãng này.

Lam Vy (Yahoo News)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.